Những ngành ‘'độc'’, mới năm 2021 tuyển sinh có ''dễ''?

17/12/2020 07:10

Năm trước, nhiều trường đại học tuyển sinh một số ngành mới bao gồm hàng không, y sinh, logistics, robot, khoa học máy tính… với điểm chuẩn khá cao. Năm nay việc tuyển sinh các ngành này sẽ ra sao?

Ngành tôn giáo, hàng không, robot điểm chuẩn đều cao

Trường Đại học (ĐH) Bách khoa TP Hồ Chí Minh năm 2020 tuyển sinh 5 ngành và chương trình mới năm 2020 bao gồm các ngành hàng không, y sinh, logistics, robot (giảng dạy bằng tiếng Anh) và khoa học máy tính (giảng dạy tăng cường tiếng Nhật).

Đối với chương trình chất lượng cao: Ngôn ngữ giảng dạy 100% bằng tiếng Anh, chuẩn tiếng Anh đầu vào IELTS ≥ 6.0/ TOEFL iBT ≥ 79 (nếu chưa đạt, thí sinh khi trúng tuyển sẽ được đào tạo tiếng Anh trong học kỳ Pre-University), mỗi năm có 1-2 môn do giáo sư ĐH đối tác tham gia giảng dạy.

Đối với chương trình chất lượng cao tăng cường tiếng Nhật, ngôn ngữ giảng dạy bằng tiếng Việt kết hợp đào tạo tăng cường ngôn ngữ và văn hóa Nhật, một số môn chuyên ngành ở năm thứ 3 và 4 do giáo sư Nhật trực tiếp giảng dạy, chuẩn đầu ra tiếng Nhật là JLPT ≥ N3. Trong suốt quá trình học, sinh viên có ít nhất 1 chuyến sang Nhật thực tập ngắn hạn.

Trong kì tuyển sinh năm 2020, điểm chuẩn của 5 ngành mới mở của Trường ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh ở mức cao.

Cụ thể, ngành kỹ thuật hàng không – chương trình Chhất lượng cao (CTCLC) (mã ngành 245; tổ hợp môn xét tuyển A00, A01): 26,5 điểm.

Kỹ thuật y Sinh – CTCLC (237; A00, A01): 23 điểm.

Logistics và quản lý chuỗi cung ứng – CTCLC (228; A00, A01): 26 điểm.

Kỹ thuật robot – CTCLC (211; A00, A01): 24,25 điểm.

Khoa học máy tính – CTCLC tăng cường tiếng Nhật (266; A00, A01): 24 điểm.

Trao đổi với báo chí, lãnh đạo Trường ĐH Bách Khoa TP Hồ Chí Minh cho biết, đây những ngành chủ lực của thời đại công nghiệp 4.0 và đô thị thông minh. Trong hiện tại và tương lai, nhu cầu nhân lực trong các ngành này rất lớn. Việc mở ra những ngành nghề đào tạo mới là xu hướng tất yếu để nhà trường đáp ứng yêu cầu thay đổi rất nhanh của giáo dục và đào tạo hiện nay.

Năm 2020, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) có các ngành mới là Tôn giáo học và Quản trị văn phòng. Đây là trường đầu tiên ở phía Nam đào tạo cử nhân ngành tôn giáo học (ngành này đào tạo chính quy đầu tiên ở Trường ĐH Khoa học xã hội nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội từ năm 2017).

Theo đó, điểm chuẩn các ngành mới ở ở mứ khá cao từ 21 đến 26 điểm. Ngành tôn giáo học lấy điểm chuẩn từ 21 đến 21,5 điểm tùy từng tổ hợp xét tuyển;  quản trị văn phòng 26 điểm (mã C00) và 24,5 điểm (mã D01, D15).

ĐH Đà Nẵng có thêm nhiều ngành mới, trong đó Trường ĐH Bách khoa đã mở thêm 3 ngành/chương trình đào tạo mới gồm ngành Kỹ thuật máy tính, chuyên ngành Khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo thuộc ngành Công nghệ thông tin và chuyên ngành Cơ khí hàng không thuộc ngành Kỹ thuật cơ khí.

Điểm chuẩn các ngành năm 2020 của trường như sau: Kỹ thuật máy tính (chuyên ngành khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo thuộc ngành công nghệ thông tin): 25,6 điểm và chuyên ngành cơ khí hàng không thuộc ngành kỹ thuật cơ khí lấy 24 điểm.

Nhiều ngành về kỹ thuật điểm chuẩn đều dưới 20 điểm

ĐH Quốc gia Hà Nội mở thêm 15 ngành mới như khoa học dữ liệu, kỹ thuật điện tử và tin học, khoa học và công nghệ thực phẩm, công nghệ tích hợp giám sát tài nguyên và môi trường, Marketing, Nhật Bản học…

Điểm chuẩn năm 2020 của các ngành về khoa học, kỹ thuật điện tử, Tin học thì đều điểm cao trên 24 điểm. Cụ thể ngành khoa học dữ liệu điểm chuẩn 25,2 điểm, kỹ thuật điện tử và tin học: 25 điểm, khoa học và công nghệ thực phẩm: 24,4 điểm, Nhật Bản học: 25,75 điểm.

Tuy nhiên, các ngành khác như công nghệ tích hợp giám sát tài nguyên và môi trường chỉ lấy 17 điểm; ngành Marketing: 18 điểm

Ngoài 28 ngành đang đào tạo, năm 2020 Trường ĐH Hoa Sen mở 6 ngành mới gồm Hoa Kỳ học, Nhật Bản học, quản trị sự kiện, nghệ thuật số, bảo hiểm. Tính tới thời điểm này, đây là trường đầu tiên ở Việt Nam đào tạo ngành Hoa Kỳ học.

Điểm chuẩn năm 2020 của các ngành như Hoa Kỳ học, Nhật Bản học, quản trị sự kiện, Nnghệ thuật số, bảo hiểm: đều lấy 16 điểm.

Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHồ Chí Minh) mở 4 ngành/chương trình đào tạo mới là vật lý y khoa, kỹ thuật địa chất, công nghệ vật liệu, khoa học môi trường (CTCLC).

Theo đó, điểm chuẩn các ngành như sau: vật lý y khoa lấy 22 điểm, kỹ thuật địa chất: 17 điểm, công nghệ vật liệu: 18 điểm, khoa học môi trường (CTCLC): 17 điểm.

Tương tự, năm 2020, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân tuyển sinh ba ngành mới và cả ba ngành đều lấy điểm chuẩn cao ngất ngưởng. Điểm chuẩn của ngành Kiểm toán lên tới 27,55; Kinh tế tài chính: 24,5 và ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng: 35,55 điểm.

Tuyển sinh “dễ” vì đáp ứng nhu cầu của tương lai?

Đặc biệt, các trường cũng như các ngành này đều không thông báo xét tuyển nguyện vọng bổ sung.

Về vấn đề tuyển sinh những ngày mới, trao đổi với phóng viên, PGS.TS. Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý Đào tạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân cho biết, những ngành mới mở năm 2020-2021 trường tuyển sinh tốt, đủ chỉ tiêu.

Việc các trường mở những ngành mới, tuyển sinh hút được thí sinh là các ngành này đều mở ra nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực thị trường lao động trong tương lai, cũng như đón đầu xu thế nhân lực phục vụ cho cuộc cách mạng công nghệ 4.0 là một tín hiệu tốt, thể hiện vai trò tự chủ linh hoạt của các trường.

Cũng theo PGS Triệu, trước khi mở một ngành mới, các trường phải chuẩn bị rất lâu, ít nhất có sự chuẩn bị từ trước đó từ 3 năm.

“Với các ngành mới mở năm 2020 dù tuyển sinh dễ nhưng trường vẫn chắc giữ nguyên chỉ tiêu như năm trước. Về phương án tuyển sinh trong năm 2021-2022, trường sẽ sớm công bố để thí sinh được biết”- PGS Triệu nhấn mạnh.

Theo Tiền phong

(0) Bình luận
Những ngành ‘'độc'’, mới năm 2021 tuyển sinh có ''dễ''?