Y tế - Sức khỏe

Những món dưa tốt cho tiêu hóa ngày Tết như thế nào?

HQ (theo Tuổi trẻ) 07/02/2024 14:10

Ngày Tết bữa ăn nhiều thịt, thức ăn béo bổ, hệ quả là thay vì được vui chơi mấy ngày Tết thì những ngày này lại trở thành gánh nặng cho "cái bụng" của chúng ta. Vì vậy, đĩa dưa là một món ăn rất tốt cho tiêu hóa.

Dưa chua ngày Tết rất tốt cho tiêu hóa - Ảnh minh họa

Dưa chua ngày Tết rất tốt cho tiêu hóa

Trên mâm cỗ ngày Tết, bên cạnh các đĩa thịt, giò, nem, nên có đĩa dưa hành, dưa chua… Chỉ nghĩ đến vị chua chua, giòn giòn của các cọng dưa chua đủ để giúp chúng ta muốn ăn ngon miệng rồi.

Lương y Hoàng Duy Tân, nguyên Phó Chủ tịch Hội Đông y Đồng Nai, cho biết nhắc đến ngày Tết, người ta nghĩ ngay đến "Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ", trong đó dưa hành đóng vai trò rất quan trọng trong quân bình sức khỏe mấy ngày Tết.

Ngày Tết theo truyền thống của người Việt, dù nghèo đến mấy, Tết cũng phải ăn uống cho no say để bù cho một năm lao nhọc vất vả. Cũng từ tâm lý này, đa số những ngày Tết đều có thịt, thức ăn béo bổ…

Và hệ quả là thay vì được vui chơi mấy ngày Tết thì những ngày này lại trở thành gánh nặng cho "cái bụng" của con người.

Tuy nhiên, nếu biết sắp xếp và lựa chọn thức ăn hợp lý, mấy ngày Tết sẽ là những ngày "khởi đầu" năm mới vui vẻ và tích hợp nhiều năng lượng để tiến bước vào năm mới.

Một trong các "bảo bối" đó là món dưa hành, dưa chua… món ăn không thể thiếu trong những ngày đầu xuân.

Dưa hành dọn dẹp mảng xơ vữa thành mạch

Dưa hành là củ hành được muối thành dưa qua các công đoạn sinh hóa đơn giản với nồng độ muối và chất chua phù hợp để hành lên men trong nước. Hành để muối dưa thông thường là loại hành ta, củ vừa phải. Dưa hành là món ăn truyền thống có tác dụng kích thích tiêu hóa tốt.

Theo y học cổ truyền, hành có tác dụng chữa cảm lạnh, đầy hơi, giúp tăng cường chức năng của dạ dày và lách.

Y học hiện đại đã chứng minh hành có thể giúp tiêu diệt hơn 100 loại vi khuẩn có hại trong cơ thể, ngăn ngừa bệnh cúm, các bệnh đường ruột và một số bệnh khác có hiệu quả tốt.

Dưa hành đi kèm với bánh chưng, giò chả là kết hợp rất tương tác. Bánh chưng dẻo, béo, ăn dễ ngán đã có đĩa dưa hành chua giòn, khiến cho người thưởng thức ăn được nhiều hơn, ngon miệng hơn.

Đồng thời, các hợp chất sulfur có trong hành giúp cơ thể làm gia tăng lượng cholesterol tốt (HDL cholesterol) cũng như góp phần "dọn dẹp" các mảnh vữa bám ở thành mạch máu, hạn chế bệnh tim mạch.

Dưa hành là món ăn thường có trong ngày Tết - Ảnh minh họa

Dưa hành là món ăn thường có trong ngày Tết

Dưa cải bẹ tốt cho người béo phì, tiểu đường

Là loại dưa làm từ rau cải bẹ xanh (cải xanh). Rau cải bỏ phần sâu úa, rửa sạch, phơi héo. Trụng nước sôi, xếp nhẹ vào hũ, đậy vỉ. Hòa tan muối vào nước nóng, lọc, để nguội, đổ vào hũ đã xếp rau cải, đậy kín. Vài ngày sau rau cải đổi sang màu vàng úa là được. Đó là dưa chua.

Trong quá trình muối chua, hàm lượng các chất dinh dưỡng thay đổi đôi chút, chỉ có sinh tố B và C giảm khoảng 10%, phần lớn glucid trong rau đã chuyển hóa thành acid lactic.

Phân tích 100g cải bẹ xanh muối chua, người ta thấy hàm lượng nước là 85,6g; 1,7g protein; 2,3g lactic acid; 2,3g chất xơ; 3,4g tro. Khả năng sinh nhiệt là 16 calo/100g.

Acid lactic và men lactic trong dưa chua acid hóa môi trường ruột, ức chế sự lên men thối rữa có hại cho vi khuẩn đường ruột, vì vậy ăn nước muối dưa vừa đúng ngày rất có ích, nếu muối dưa trong điều kiện vệ sinh.

Nên uống nước dưa chua sau thời gian trị bệnh bằng thuốc kháng sinh để tái tạo tạp khuẩn có ích trong ruột.

Rau cải muối chua tuy không phải là thuốc thuần túy nhưng dùng làm món ăn những ngày Tết sẽ rất tốt vì nó ít glucid và khả năng sinh nhiệt thấp, nhất là những người béo phì, tiểu đường dùng dưa chua rất thích hợp.

Ngoài cải bẹ xanh, còn nhiều rau khác cũng muối chua như cải bắp, cải bẹ, cà pháo, dưa gang, dưa leo...

Dưới đây là thành phần hóa học một số rau muối chua:

Thành phần dinh dưỡng trong dưa chua

Thành phần dinh dưỡng trong dưa chua

Dưa ngó sen giảm béo, cung cấp chất xơ

Ngó sen mua ở chợ về lặt lấy phần non rửa sạch, để ráo, cắt khúc vừa gắp. Cho ngó sen vào ngâm với nước cốt chanh pha nước lạnh (1kg ngó sen khoảng 1/2kg chanh tươi), cùng với bột mì tinh trong khoảng nửa giờ.

Lấy ra, xả nước lạnh vài lần, để ráo. Nấu giấm, đường, muối (1 lít giấm + 1/2 đường, 3 muỗng canh muối bọt) cho sôi để nguội. Cho ngó sen vào keo, đổ nước giấm đường nguội vào, ngày hôm sau là có thể dùng.

Sở dĩ dưa chua có công dụng tạo sự ngon miệng và kích thích tiêu hóa vì trong quá trình muối dưa, muối và đường (có khi là giấm hoặc nước vo gạo) đã góp phần tạo men dưa. Sau một thời gian, các men này tác động lên rau làm rau có vị đặc trưng - chua.

Men chua này khi vào dạ dày cũng kích thích dạ dày tiết ra nhiều dịch vị hơn, giúp quá trình xử lý thức ăn diễn ra nhanh chóng, như thế cơ thể cũng dễ dàng hấp thụ chất dinh dưỡng. Dưa ngó sen không béo mà còn cung cấp nhiều chất xơ cho cơ thể.

Dưa giá thanh nhiệt cơ thể

Dưa giá là món ăn không thể thiếu trong những ngày Tết, dùng để ăn chung với thịt kho hoặc cuốn bánh tráng. Thịt kho cung cấp nhiều protein, năng lượng làm trong người nhiệt. Chất mỡ làm khó tiêu.

Bánh tráng làm từ gạo cũng hỗ trợ thịt tăng năng lượng, kèm với thời tiết nắng nóng bên ngoài sẽ làm cơ thể cảm thấy nóng nảy.

Dưa giá làm từ giá đậu xanh, vốn bản chất nhiều nước, đậu xanh lại thanh nhiệt, vì vậy dưa giá sẽ giúp thanh nhiệt cơ thể. Chất chua trong dưa giá sẽ làm tiêu thức ăn và chất mỡ béo nê trệ. Đây là kinh nghiệm rất thông minh của người xưa truyền lại.

Dưa rau muống

Rau muống mua về (lựa rau muống ta, làm dưa mới giòn, ngon) lặt lấy phần non, bỏ lá, cọng cắt thành từng đoạn ngâm vào nước lạnh + giấm + một ít phèn chua.

Trụng rau muống lại bằng nước sôi có dằn muối + phèn chua + một ít tro tàu, ngâm lại liền vào nước lạnh + một ít phèn chua. Bình quân 1kg rau muống cần 400g đường cát trắng và một ít phèn chua...

Đường và phèn chua được hòa tan với nước giấm. Nấu hỗn hợp giấm đường, muối cho sôi. Múc nước giấm đường đổ vô keo ngay khi còn nóng.

Dùng đũa dìm rau muống ngập sâu vào giấm, ngày hôm sau là dùng được. Có thể bỏ thêm tỏi hay gừng, ớt xắt lát vào cho thơm và đẹp mắt.

Dưa rau muống ngoài hỗ trợ tiêu hóa còn có tác dụng trong việc ngăn ngừa và điều trị bệnh mạn tính. Các chất dinh dưỡng trong rau muống cũng có lợi cho việc chống lão hóa da, giúp tóc thêm chắc khỏe, ngăn ngừa ung thư, trị viêm loét dạ dày, đau bụng kinh, đau răng, nhiễm trùng đường tiểu, chảy máu mũi...

HQ (theo Tuổi trẻ)
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những món dưa tốt cho tiêu hóa ngày Tết như thế nào?