Lớp đông, phương pháp dạy hàn lâm, thiên về từ vựng, thiếu động lực hay môi trường thực hành khiến học sinh hạn chế trong các kỹ năng nghe, nói tiếng Anh.
Theo TS Nguyễn Thị Mai Hữu, Giám đốc Đề án Ngoại ngữ quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia dùng tiếng Anh như một ngoại ngữ. Hiện các số liệu thống kê về khả năng tiếng Anh của người Việt đều chưa có tính khoa học vì việc này đòi hỏi dựa trên các tiêu chí, công cụ cũng như cách thức chọn mẫu chuẩn xác.
"Nhìn chung, năng lực tiếng Anh của người Việt về mặt bằng cơ bản mỗi năm đạt được kết quả tốt hơn năm trước. Việc học cũng thuận lợi vì chữ viết của chúng ta gần giống tiếng Anh, không như tiếng Trung hay tiếng Thái", bà Hữu nói, tại Hội nghị quốc tế về Khảo thí ngoại ngữ New Directions Đông Á lần thứ 11 hôm 28/10 ở Hà Nội.
Tuy nhiên, bà Hữu cho hay để có mặt bằng đồng đều cả nước thì rất khó. Lý do đầu tiên là dân số đông và không phải ai cũng có động lực học tiếng Anh.
Nhiều học sinh có điểm thi cao vẫn không nói được tiếng Anh do là việc dạy trong nhà trường còn nhiều bất cập. Đầu tiên, ở chương trình phổ thông cũ (chương trình 2006), phương pháp giảng dạy hàn lâm, học sinh học nhiều về từ vựng, ngữ pháp, ngữ âm hơn là kỹ năng Nghe, Nói, Đọc, Viết.
Thứ hai, Tiếng Anh là môn phát triển về kỹ năng, năng lực nên sử dụng, thực hành càng nhiều càng tốt. Nhưng học sinh không có môi trường để nghe, nói. Sĩ số các lớp học đông, kể cả làm việc theo nhóm hay theo cặp vẫn hạn chế về thời gian, không gian.
"Nhiều nơi thiếu cơ sở hạ tầng để hỗ trợ việc học tiếng Anh một cách hiệu quả", bà Hữu chia sẻ.
Cuối cùng, bài thi tốt nghiệp THPT chưa có phần thi Nghe và Nói, phần nào tác động ngược trở lại quá trình giảng dạy và học tập, bởi không thi nên thầy trò cũng không đầu tư.
Bà Mina Patel, chuyên gia khảo thí, Hội đồng Anh, đồng tình với quan điểm này. Theo bà, việc học sẽ hiệu quả khi có hai yếu tố là động lực và điều kiện học tập.
Mọi người trên thế giới, không riêng người Việt, đều có khả năng học ngôn ngữ. Sự khác biệt chỉ ở điều kiện họ tìm thấy trong môi trường học tập. Nếu động lực chỉ đến từ bề mặt như cần vượt qua kỳ thi thì không đủ lớn để thúc đẩy bản thân mỗi người học tới những kết quả lớn hơn.
Bà nói hãy để học sinh bước vào lớp học với sở thích và mong muốn học tập. Nếu thấy được mục đích của việc học tiếng Anh thay vì tiếp thu thụ động, các em sẽ tham gia nhiều hơn và có động lực.
Để làm được điều đó, giáo viên cần điều chỉnh cách thức giảng dạy. Họ cần tích cực trao đổi với học sinh và tìm hiểu xem các em quan tâm đến điều gì để thiết kế chương trình giảng dạy phù hợp nhất.
Hướng đổi mới trong đào tạo tiếng Anh là phát triển năng lực sử dụng ngôn ngữ giao tiếp của người học, theo bà Hữu. Theo chương trình giáo dục phổ thông mới (2018), Tiếng Anh là môn bắt buộc từ lớp 3 đến lớp 12. Học sinh được tăng cường nghe nhiều hơn rồi đồng đều dần các kỹ năng, một cách tự nhiên. Mục tiêu là kết thúc cấp tiểu học, học sinh đạt bậc 1 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam. Tương tự, mục tiêu với THCS và THPT lần lượt là bậc 2 và bậc 3.
Bà Hữu cho hay chương trình từng được thí điểm, học sinh có năng lực nghe, nói, đọc, viết khá đồng đều, đặc biệt nghe và nói tốt. Hiện, chương trình 2018 mới áp dụng đại trà đến lớp 4 nên phải 6-8 năm nữa mới có đánh giá cuối cùng.
Từ năm 2020 đến nay, điểm trung bình môn tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT của thí sinh cả nước dao động 4,58-5,84/10 điểm. Trong 4 năm, có hai lần tiếng Anh "đội sổ" về điểm thi tốt nghiệp.
Theo VnExpress