Giáo dục

Những lưu ý khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển, năm nào cũng nhắc và năm nào cũng có thí sinh sai

H.A (theo Tuổi trẻ) 10/03/2024 11:32

Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo nhắc thí sinh khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển lên hệ thống của bộ cần quét tất cả dữ liệu mình có, chỉ dùng 1 số căn cước công dân, nhớ bảo mật tài khoản...

Một bạn học sinh đặt câu hỏi về lĩnh vực ngôn ngữ tới ban tư vấn - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Một bạn học sinh đặt câu hỏi về lĩnh vực ngôn ngữ tới ban tư vấn

Hơn 7.000 học sinh Hải Phòng đã có mặt tại chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp tại Hải Phòng vào ngày 10/3.

Ngoài việc nghe những thông tin mới nhất liên quan thi tốt nghiệp và tuyển sinh năm nay tại phiên tư vấn chung, các em còn được cung cấp thông tin tại gần 100 gian tư vấn trong khuôn khổ chương trình.

Nên dùng 1 số căn cước công dân khi đăng ký nguyện vọng

Trao đổi với học sinh, TS Nguyễn Mạnh Hùng, Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) nhắc thí sinh khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển lên hệ thống xét tuyển của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cần quét tất cả dữ liệu mình có (ví dụ học bạ, chứng chỉ năng lực, chứng chỉ ngoại ngữ…) để không bỏ sót cơ hội đỗ vì hệ thống sẽ xử lý dữ liệu để xác nhận cho thí sinh trúng tuyển một nguyện vọng có thứ tự ưu tiên cao nhất.

Thầy Hùng nhắc thí sinh bảo mật tài khoản của mình để truy cập vào hệ thống xét tuyển, vì năm 2023 đã có 23 thí sinh ở Phú Xuyên (Hà Nội) gặp trục trặc do để lộ mật khẩu truy cập vào tài khoản và bị người khác sửa chữa thông tin.

TS Nguyễn Mạnh Hùng, Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
TS Nguyễn Mạnh Hùng, Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo

Hiện một thí sinh có thể có hơn 1 số căn cước công dân, vì vậy trong suốt quá trình đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển nguyện vọng đại học, điều chỉnh nguyện vọng, thí sinh chỉ thống nhất sử dụng 1 số. Tránh tình trạng đăng ký nhiều số căn cước công dân làm hệ thống không nhận diện được và quá trình xét tuyển thí sinh sẽ gặp nhiều trục trặc.

Trường y mở ngành tâm lý

PGS Lê Đình Tùng, trưởng phòng quản lý đào tạo, Trường đại học Y Hà Nội, chia sẻ một thông tin đáng chú ý là năm nay trường sẽ có thêm 4 ngành mới gồm hộ sinh, kỹ thuật phục hình răng, công tác xã hội và tâm lý.

Ngoài ra, năm 2024, trường chính thức tổ chức đào tạo tại phân hiệu Thanh Hóa 2 mã ngành mới mở năm trước là kỹ thuật xét nghiệm y học và kỹ thuật phục hồi chức năng.

"Ngành đào tạo tâm lý của trường thuộc nhóm ngành tâm lý học, lĩnh vực khoa học xã hội và hành vi. Sinh viên tốt nghiệp sẽ được cấp bằng cử nhân tâm lý học với thời gian học là 4 năm", thầy Tùng cho biết.

Ông Tùng thông tin thêm hiện cả nước có 67 trường đào tạo khối ngành sức khỏe. Trong đó 32 trường đào tạo ngành y khoa. Tổ hợp B00 (toán, hóa, sinh) là tổ hợp xét tuyển truyền thống của các trường y dược, nhưng đến nay nó không phải là phương thức xét tuyển duy nhất vào các trường này.

Phụ huynh học sinh chăm chú theo dõi các câu trả lời của ban tư vấn trong chương trình - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Phụ huynh học sinh chăm chú theo dõi các câu trả lời của ban tư vấn trong chương trình

Cụ thể ở Trường đại học Y Hà Nội năm 2024 sẽ sử dụng thêm phương thức xét tuyển kết quả thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức. Trường đại học Y dược Thái Bình sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Trường đại học Sư phạm Hà Nội, hay một số trường sử dụng kết quả thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội để xét tuyển.

Năm nay, Trường đại học Y Hà Nội dành 40% chỉ tiêu xét tuyển kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT và chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế tiếng Anh, tiếng Pháp đối với ngành y khoa, răng - hàm - mặt, điều dưỡng đào tạo theo chương trình tiên tiến.

Học rộng hay học sâu?

PGS.TS Vũ Thị Hiền, Trưởng Phòng Quản lý đào tạo Trường đại học Ngoại thương, đặt ngược lại câu hỏi với các em học sinh quan tâm đến ngành kinh tế: học rộng hay học sâu? Lời khuyên của cô Hiền, trước hết các em học sinh nên chọn học rộng để có nền tảng vững chắc, trước khi đi sâu một nhánh nào đó.

Với "lộ trình" này, các em phải lựa chọn thế nào? Cô Hiền cho rằng những học sinh xác định đi theo lĩnh vực kinh tế thì nên tìm hiểu kỹ về chương trình đào tạo.

"Các em phải nhìn vào chương trình đào tạo. Một chương trình tốt thì nền tảng của nó phải rộng để nắm được nguyên lý chung, quy luật chung, nền tảng kiến thức căn bản. Có nền tảng tốt, các em có thể chuyển sang các nhánh khác nhau một cách dễ dàng hơn", cô Hiền chia sẻ.

Thầy cô ban tư vấn đang giải đáp băn khoăn của học sinh, phụ huynh - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Thầy cô ban tư vấn đang giải đáp băn khoăn của học sinh, phụ huynh

PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường đại học Kinh tế quốc dân, cho biết trong số các ngành kinh tế, có khoảng 50% các ngành, chuyên ngành làm lẫn việc của nhau.

Ví dụ học quản trị kinh doanh, học makerting có thể làm việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Chỉ có một số nghề khá rõ như kế toán phải làm đúng chuyên môn được đào tạo. Nhưng để có thể "nhảy việc" ở nhiều nhánh trong khối ngành kinh tế, các em cần có nền tảng kiến thức chung vững chắc.

Xu thế đào tạo liên ngành

Trả lời băn khoăn của một số học sinh về các ngành ngôn ngữ, PGS.TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường đại học Ngoại thương, cho biết quan điểm về học ngôn ngữ hiện nay chưa thật chuẩn xác.

"Học giỏi ngoại ngữ có thể tranh tụng trong một phiên tòa quốc tế không?", cô Hiền đặt ra một tình huống và cho trằng "câu trả lời là không. Vì ít nhất các em phải vừa giỏi ngoại ngữ vừa có kiến thức luật. Bởi thế trong bối cảnh hiện nay, những học sinh muốn theo đuổi các ngành ngôn ngữ cần tìm hiểu và lựa chọn một lĩnh vực ứng dụng ngôn ngữcụ thể.

Theo đó, ngoài việc học chắc khối kiến thức về ngôn ngữ để thành thạo các kỹ năng, các em cần có kiến thức một lĩnh vực cụ thể: Luật, kinh tế… Việc nắm vững hai khối kiến thức, nhất là phần giao thoa giữa hai khối kiến thức này không dễ. Nhưng đó là yếu tố giúp các em có cơ hội việc làm cao hơn sau khi tốt nghiệp.

TS Nguyễn Thị Cúc Phương, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Hà Nội, cũng chia sẻ hiện ở Việt Nam đang đào tạo 10 ngoại ngữ. Nhưng xu thế hiện nay là đào tạo liên ngành, ngoại ngữ gắn với một ngành nào đó để tăng tính ứng dụng.

Có được đóng học phí "trả góp"?

PGS.TS Phạm Văn Thuần, trưởng phòng đào tạo, Trường đại học Hàng hải Việt Nam - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
PGS.TS Phạm Văn Thuần, trưởng phòng đào tạo, Trường đại học Hàng hải Việt Nam

Trả lời băn khoăn của một học sinh gửi Trường đại học Hàng hải Việt Nam, PGS.TS Phạm Văn Thuần, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường, cho biết một số sinh viên của trường gặp khó khăn sẽ được xem xét cho phép lùi thời hạn đóng học phí khoảng 2 tháng.

Ngoài ra, thầy Thuần cũng chia sẻ sinh viên khó khăn cũng được trường giới thiệu đến các đơn vị, cá nhân có quỹ hỗ trợ và sẵn sàng giúp đỡ.

Trường đại học Hàng hải Việt Nam có một số ngành nhóm công nghệ và kinh tế, luật. Những học sinh ở Hải Phòng muốn học các ngành để làm việc trên đất liền có thể chọn những nhóm ngành mới như luật kinh doanh và quản lý kinh doanh thương mại điện tử.

Năm 2024, Trường đại học Hàng hải Việt Nam có thêm các phương thức xét tuyển mới. Theo đó ngoài phương thức xét tuyển theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, trường có phương thức xét tuyển bằng kết quả đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội, xét học bạ kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ…

Câu chuyện học phí cũng được các chuyên gia trong ban tư vấn chủ động chia sẻ với các bậc phụ huynh, học sinh. Theo cô Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường đại học Ngoại thương, bài toán kinh tế cũng là một trong những yếu tố mà các phụ huynh, học sinh cần quan tâm.

Hiện nay mỗi cơ sở đào tạo có những phương thức hỗ trợ khác nhau để giải quyết khó khăn tài chính. Nhưng khi lựa chọn ngành học, trường học thì các phụ huynh, học sinh vẫn rất cần tìm hiểu mức học phí và có kế hoạch cho việc này trước khi lựa chọn để đảm bảo học sinh có thể duy trì chặng đường học tập sau khi trúng tuyển.

Thầy cô chủ nhiệm lớp 12 cùng trò đi nghe tư vấn

Cô Trần Thị Hạnh, giáo viên Trường THPT Ngô Quyền (TP Hải Phòng), cho biết hôm nay nhà trường huy động 100% học sinh và giáo viên chủ nhiệm lớp 12 tham dự chương trình để nắm bắt những thông tin tuyển sinh đại học năm 2024 mới nhất.

Là giáo viên chủ nhiệm, theo cô Hạnh, đây là thời điểm rất quan trọng, bởi các em học sinh lớp 12 chuẩn bị làm hồ sơ đăng ký xét tuyển vào các trường đại học theo nguyện vọng, sở thích. Do vậy đến chương trình tư vấn các em sẽ hiểu rõ hơn về ngành mình chọn, điều kiện xét tuyển, năng lực của bản thân, từ đó có được lựa chọn phù hợp nhất.

"Bản thân tôi cũng đang rất băn khoăn, lo lắng khi năm nay sẽ là năm cuối cùng thi tốt nghiệp THPT theo chương trình giáo dục phổ thông 2006, nếu các em đều đỗ được nguyện vọng yêu thích thì sẽ rất tốt, nhưng trường hợp chưa đạt được nguyện vọng mong muốn thì sang năm các em sẽ thi tuyển lại ra sao.

Ngoài ra về chỉ tiêu, phương thức tuyển sinh của các trường, có nhiều em đã nắm bắt thông tin chính xác, nhưng một số em vẫn chưa hiểu lắm vì chưa tiếp cận đúng nguồn tin chính thức, nên tôi muốn các em trực tiếp tham dự để nghe các chuyên gia giải thích.

Khi nghe các chuyên gia giải đáp cho các em học sinh, bản thân tôi cũng được lắng nghe, hiểu rõ hơn vấn đề, về trường nếu có học sinh còn băn khoăn tôi sẽ giải thích cho các em hiểu đúng hơn", cô Hạnh nói.

Tại gian tư vấn riêng của Trường đại học Khoa học tự nhiên, trước câu hỏi học hóa dược là học gì, công việc tương lai ra sao từ học sinh, TS Nguyễn Thanh Bình, Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội - giải thích hóa dược là ngành học nghiên cứu, tìm hiểu các chiết xuất làm ra một viên thuốc. Trong ngành hóa dược có các chuyên ngành hóa mỹ phẩm hay hóa thực phẩm.

Về cơ hội việc làm, ngoài làm việc trong các viện nghiên cứu, công tác giảng dạy, làm việc trong các doanh nghiệp, công ty hóa dược…

Nếu sinh viên học tập tốt, muốn đi du học nước ngoài ở các bậc cao hơn như thạc sĩ và tiến sĩ thì đây sẽ là một lựa chọn đúng khi học ở Trường đại học Khoa học tự nhiên. Bởi các trường đại học trên thế giới sẽ cấp học bổng cho khối khoa học tự nhiên rất nhiều.

Sôi động tư vấn du học

Khu vực tư vấn du học thu hút đông đảo học sinh và phụ huynh TP Hải Phòng quan tâm. Em Bùi Khánh Vy, học sinh lớp 11 Trường THPT Ngô Quyền, cho biết đang có rất nhiều băn khoăn khi năm tới thi tốt nghiệp THPT sẽ theo chương trình mới, có thể sẽ có nhiều phương thức xét tuyển mới.

"Hôm nay em đến để khảo sát hai trường đại học và hai hình thức du học để tham khảo nhằm có những tính toán sớm nhất. Em dự định đi du học tại Úc, nhưng hiện đang bị vướng mắc thủ tục giấy tờ", Vy cho biết.

Tương tự, Bùi Thị Minh Hảo, học sinh lớp 12 Trường THPT An Dương, dành nhiều quan tâm tại các gian tư vấn du học khi đến chương trình. Tuy nhiên Hảo vẫn còn nhiều lăn tăn về thủ tục pháp lý và chứng chỉ IELTS chưa hoàn thành.

Bà Đặng Thanh Nga, Tổ chức tư vấn du học Gosa cho biết học sinh Hải Phòng quan tâm đến du học các nước Úc, Phần Lan, Mỹ, Canada rất nhiều.

"Khi đến gian tư vấn, các bạn học sinh chủ động đặt ra những câu hỏi rất rõ ràng, không hỏi dừng ở mức độ sơ bộ, có chủ đích đi du học thật. Tuy nhiên, việc xin visa ở Hải Phòng đang gặp khó khăn, nhưng không có nghĩa là các bạn không đi được, chỉ cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng", bà Nga nói.

H.A (theo Tuổi trẻ)
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những lưu ý khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển, năm nào cũng nhắc và năm nào cũng có thí sinh sai