Một lễ kết nạp Đảng khẩn trương nhưng rất cảm động giữa chiến hào Điện Biên Phủ của những người lính Cụ Hồ, đã được danh họa Nguyễn Sáng đưa vào bức tranh đầy chất sử thi hùng tráng.
>> Bài 1: Ngọn đèn cách mạng
>> Bài 2: Bảo vật Đường kách mệnh
>> Bài 3: Bức huyết thư gửi Bác
Những chiến sĩ cách mạng vẫn cười tươi trước khi ra trận. Ảnh tư liệu
Lễ kết nạp Đảng giữa chiến hào
Đó là bức sơn mài Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ được họa sĩ Nguyễn Sáng vẽ sau thời điểm chiến thắng Điện Biên Phủ chín năm. Và đúng 50 năm sau khi ra đời, bức tranh được coi là "một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của hội họa hiện đại Việt Nam" trở thành Bảo vật quốc gia năm 2013.
Nguyễn Sáng vẽ tác phẩm này để tưởng nhớ những đồng đội đã cùng mình đi qua bom đạn ở Điện Biên Phủ.
Năm 1963, tức chín năm sau "thiên sử vàng" Điện Biên Phủ, trong căn phòng nhỏ chưa đầy 15m2 ở Hà Nội, người họa sĩ tài danh vừa bước vào độ chín của nghề là Nguyễn Sáng đang miệt mài bên sáng tác mới - một sáng tác mà ông đã ấp ủ gần chục năm trời.
Những tình cảm xúc động về lễ kết nạp Đảng giữa chiến hào Điện Biên Phủ năm nào cùng hình ảnh quả cảm của các chiến sĩ mà Nguyễn Sáng từng chứng kiến trong thời gian đi chiến dịch Điện Biên Phủ hiện dần ra sau từng lớp sơn mài. Khúc tráng ca mang tên Điện Biên Phủ hiển hiện hào hùng: bức tranh sơn mài Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ.
Nội dung tranh thể hiện nhóm nhân vật trung tâm đang thực hiện lễ kết nạp đảng viên mới trong không gian chiến hào, bên phải tác phẩm có hai nhân vật đang dìu nhau thể hiện sự mất mát hi sinh, hậu cảnh là một chiến sĩ đang di chuyển nhanh, nhấn mạnh hoạt cảnh chiến cuộc nóng bỏng.
Các chiến sĩ, người tay cầm chắc súng, người đầu quấn băng, người dìu đồng đội bị thương, người hối hả xung trận, và đặc biệt là cái siết tay đầy quyết tâm của người đảng viên mới được kết nạp ngay trận địa đã khẳng định niềm tin chiến thắng.
Những chuyển biến nhanh, mạnh, không khí khẩn trương của buổi kết nạp thể hiện qua từng chi tiết nhỏ như gương mặt kiên định phảng chút âu lo nhìn thẳng lên bầu trời canh gác của chiến sĩ, xa xa là một chiến sĩ khác đang lao mình vào trận địa, giáp mặt kẻ thù.
Có lẽ, giấc mơ về chiến trường khốc liệt nhưng đậm chất anh hùng ở Điện Biên Phủ đã trở đi trở lại trong họa sĩ Nguyễn Sáng, để rồi giấc mơ ấy bước ra thật sinh động trên bức tranh của ông. Ngắm bức sơn mài Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ, người xem sẽ không khỏi xúc động khi thấy được không khí buổi kết nạp Đảng đặc biệt diễn ra giữa chảo lửa Điện Biên Phủ những ngày ác liệt nhất. Màu nâu đỏ của vách hào và màu vàng sáng của nền đất, nền trời càng làm tăng sự khốc liệt của cuộc chiến và sự bi tráng của chiến sĩ hi sinh.
Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ được giới chuyên môn đánh giá cao về nghệ thuật tạo hình cùng kỹ thuật sơn mài truyền thống, lối dùng ít màu, vẽ mỏng, ít lớp nhưng nét vẽ khỏe khoắn, khối hình vững chãi - ngôn ngữ hội họa đặc trưng của danh họa Nguyễn Sáng. Toát lên là màu vàng nâu của đất thành hào, mảng lớn mà không thô, nét thẳng mà không cứng. Không diễn tả nhiều chi tiết, song người xem vẫn cảm nhận được không khí trang nghiêm của chiến sĩ sắp trở thành đảng viên mới.
Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Lê Quốc Huy (Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam), lối kết hợp giữa cách tạo hình châu Âu với chất liệu tạo hình phương Đông cùng chất liệu dân gian trong tác phẩm này đã tạo ra bức họa vừa đậm chất dân tộc, vừa rất hiện đại. Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ của Nguyễn Sáng vừa đẹp vừa đậm chất sử thi và chất anh hùng, như một bản hùng ca về lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam.
Bức tranh hùng tráng về người chiến sĩ Điện Biên Phủ của Nguyễn Sáng
Có Tổ quốc mới có nghệ thuật
Là người từng gắn bó với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ngay từ những ngày đầu tiên và từng có nhiều bài viết về danh họa Nguyễn Sáng, nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật Nguyễn Hải Yến cho biết bức tranh Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ được hoàn thành vào năm 1963.
Bức tranh là ký ức những ngày đi chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1953-1954 của Nguyễn Sáng. Và Nguyễn Sáng đã vẽ Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ như một khúc tráng ca về người lính Điện Biên để tri ân đồng đội của ông.
Những năm 1963 chưa có hoạt động mua bán tranh. Các họa sĩ sáng tác xong thì tập trung tranh ở Hội Mỹ thuật Việt Nam. Khi Viện Bảo tàng mỹ thuật Việt Nam được thành lập năm 1966 (nay là Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam) thì bộ sưu tập tranh đó được Hội Mỹ thuật Việt Nam trao cho bảo tàng để trưng bày. Họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung - viện trưởng Viện Bảo tàng mỹ thuật Việt Nam đầu tiên - đã tiếp nhận tác phẩm này cho bộ sưu tập của bảo tàng, để rồi sau này nó trở thành một trong bảy bức tranh được công nhận là Bảo vật quốc gia.
Một điều đặc biệt, họa sĩ Nguyễn Sáng là người con Nam Bộ (quê Mỹ Tho), nhưng từ thuở theo học Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1939, ông đã sống ở miền Bắc trong hầu hết cuộc đời tới năm 1986. Nguyễn Sáng có nhiều sáng tác về chiến sĩ cách mạng và là một trong những họa sĩ có các tác phẩm đẹp nhất về đề tài chiến tranh cách mạng Việt Nam.
Theo nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật Trần Thức, họa sĩ Nguyễn Sáng đã mang hết sức mình phục vụ cho sự nghiệp kháng chiến của dân tộc. Chính ông đã viết: "Có Tổ quốc mới có nghệ thuật. Trái lại, mất nước, mất tự do là mất tất cả". Nguyễn Sáng được bạn bè nhìn nhận là một trong số những họa sĩ sớm giác ngộ trong cuộc đấu tranh cách mạng, đi đầu trong lĩnh vực tư tưởng và nghệ thuật, tạo ra nhiều tác phẩm mang chủ đề tư tưởng xã hội và thời đại rõ nét...
Ông là một trong tám họa sĩ Việt Nam được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu tiên năm 1996 cho các tác phẩm: Giặc đốt làng tôi (sơn dầu, năm 1954), Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ (sơn mài, năm 1963), Thành đồng Tổ quốc (sơn mài, năm 1978), Bộ đội trú mưa (sơn mài, năm 1970), Thiếu nữ bên hoa sen (sơn dầu, năm 1972)...
Theo Tuổi trẻ
------------------------
Bài 5: Chiếc xe đạp thồ ở Điện Biên Phủ