Có thể nói tinh thần đoàn kết cũng như tình cảm sâu nặng của nhân dân, nghệ sĩ miền Nam với Đảng, với Chủ tịch Hồ Chí Minh đã góp phần rất quan trọng vào thắng lợi của cách mạng.
>> Bài 2: Bảo vật Đường kách mệnh
>> Bài 1: Kỳ 1: Ngọn đèn cách mạng
Bác Hồ xem tranh vẽ bằng máu của Diệp Minh Châu do đồng chí Trần Văn Trà đem từ Nam Bộ ra Việt Bắc năm 1949. Ảnh tư liệu
Rất nhiều câu chuyện, hiện vật thể hiện tình cảm đặc biệt của đồng bào miền Nam vẫn còn được lưu giữ...
Bức tranh bằng máu vẽ Bác Hồ
Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (Bảo tàng Lịch sử quốc gia) hiện đang lưu giữ bức tranh bằng máu của họa sĩ Diệp Minh Châu được hoàn thành này 2.9.1947 tại Nam Bộ.
Bức tranh có tên Chủ tịch Hồ Chí Minh với thiếu nhi Trung - Nam - Bắc được vẽ trên lụa. Họa sĩ đã dùng chính máu mình vẽ hình Bác Hồ với ba em nhỏ tượng trưng cho ba miền Bắc - Trung - Nam.
Góc trái dưới bức tranh ghi chữ bằng bút chì đỏ: "Thay mặt cho nghệ sĩ Nam Bộ, con xin kính dâng Cha già Hồ Chí Minh một tác phẩm sáng tạo trong những phút say sưa nhất của đời con và cũng là tác phẩm mà chính Cha đã tạo nên. Nam Bộ ngày 2.9.1947. Ký tên Diệp Minh Châu".
Hơn 70 năm, bức họa nay đã cũ sờn nhưng vẫn còn nguyên nét vẽ ban đầu. Ánh mắt sáng đầy cương nghị trên khuôn mặt hiền từ của Bác trong bức tranh ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Lời chú thích tranh bằng máu cùng hình ảnh Cha già dân tộc bên các em nhỏ là tấm lòng của họa sĩ khiến bất cứ ai ngắm tranh cũng xúc động.
Theo tài liệu lưu trữ của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, hoàn cảnh sáng tác bức tranh đặc biệt này đã được hé lộ trong bài viết đăng trên tạp chí Quân Đội Quốc Gia Việt Nam xuất bản năm 1948. Trang 3 tạp chí đăng tải một bức thư với tựa đề "Hai lá huyết thư".
Đây chính là huyết thư mà họa sĩ trẻ Diệp Minh Châu đã gửi cùng với bức huyết họa từ Nam Bộ lên Bác Hồ kính yêu.
Lá thư cho thấy bức huyết họa đã được vẽ đúng ngày kỷ niệm lễ Độc lập năm 1947.
Tại hội chợ mừng lễ Độc lập ở xã Thiện Hộ, chiến khu Đồng Tháp Mười, sau khi được nghe lại Bản tuyên ngôn độc lập của Bác, nghe tốp ca thiếu nhi hát bài Ca ngợi Hồ Chủ tịch của Lưu Hữu Phước, giữa mênh mang sóng nước chiến khu, tâm hồn chàng họa sĩ trẻ Diệp Minh Châu trào dâng cảm xúc mãnh liệt.
Quá xúc động, người họa sĩ trẻ ấy đã có một hành động can trường xuất phát từ chính trái tim mình: dùng dao rạch tay để lấy máu vẽ chân dung Bác với ba em bé đại diện thiếu nhi Bắc - Trung - Nam. Bức huyết họa sau đó được gửi ra Việt Bắc, dâng lên Bác kèm huyết thư của người nghệ sĩ.
Ngay dưới bức thư được in trên tạp chí là dòng ghi chú: "Ngày 2.9.1947, tại Nam Bộ, trước một cảnh tượng kỷ niệm tưng bừng ngày độc lập, họa sĩ Diệp Minh Châu đã tự chích máu mình vẽ bức tranh trên lụa để dâng Cha già dân tộc.
Kèm theo một lá thư viết bằng máu". Đọc kỹ bức thư, người đọc không chỉ hiểu sâu sắc hoàn cảnh sáng tác xúc động của bức tranh vẽ bằng chính máu người họa sĩ ái quốc, mà còn thấy được tấm lòng của văn nghệ sĩ miền Nam đối với Bác.
Đặc biệt, khi vẽ bức tranh này, họa sĩ Diệp Minh Châu chưa từng được gặp Bác Hồ mà chỉ vẽ bằng trí tưởng tượng.
Sau này họa sĩ có cơ hội sáng tác bên cạnh Bác trong vài tháng ở chiến khu Việt Bắc, nhờ đó mà ông có hàng loạt sáng tác điêu khắc về Bác. Trong đó có bức tượng đồng Bác Hồ với thiếu nhi hiện đặt tại vườn hoa Nhà Thiếu nhi TP Hồ Chí Minh...
"Bức tranh máu vẽ Bác và ba thiếu nhi Trung - Bắc - Nam thể hiện tình cảm hướng về Bác của nhà điêu khắc Diệp Minh Châu; thể hiện ước vọng nghệ sĩ về một nước Việt hòa bình, thống nhất, hạnh phúc.
Nó đã trở thành tác phẩm kinh điển, một giá trị lớn trong nền nghệ thuật cách mạng. Cùng Diệp Minh Châu, thế hệ văn nghệ sĩ đầu tiên của miền Nam theo Đảng và Bác còn phải kể đến Nguyễn Hiêm, Huỳnh Phương Đông...
Đó là một thế hệ văn nghệ sĩ tận ở vùng bưng biền phía Nam nhưng quyết tâm theo Đảng và vững tin con đường Bác Hồ lãnh đạo" - nhà nghiên cứu, phê bình mỹ thuật Nguyễn Hải Yến tâm sự.
Khách nước ngoài xem huyết tranh của Diệp Minh Châu vẽ Bác Hồ lưu giữ ở bảo tàng
Bức thư trên tre của đồng bào Cơ Tu
Ngoài huyết thư và bức tranh đặc biệt này, Bảo tàng Lịch sử quốc gia còn đang lưu giữ bức thư có chất liệu độc đáo viết trên bảng tre của đồng bào dân tộc Cơ Tu gửi tới Đại hội Đảng Lao động Việt Nam lần thứ III năm 1960.
Thời kỳ đó, loại bảng tre đã thông dụng trong phong trào học chữ của đồng bào dân tộc. Cán bộ cách mạng hướng dẫn đồng bào làm loại bảng này để học chữ, khắc phục thiếu thốn thời chiến.
Thư đồng bào Cơ Tu gửi tới đại hội Đảng lần thứ III gồm có hai tấm bảng tre màu nâu, kích thước 12,5cm x 17cm được ghép lại bởi sợi dây luồn qua lỗ đục ở bên lề bảng, mực viết màu xanh nhưng nay đã khá mờ.
Kèm theo bức thư bằng tre còn có bản dịch chữ quốc ngữ được viết trên tờ giấy trắng ngà, kích thước 15cm x 18,8cm. Thư của Chi bộ Đảng vùng Đông, Bến Giằng tỉnh Quảng Nam ngày 19-5-1960.
Lời thư, đồng bào thể hiện lòng biết ơn sâu sắc và niềm tin với Đảng một cách mộc mạc và chân thành cùng ý chí đấu tranh thống nhất nước nhà.
Thư có đoạn: "Trước kia, người Cơ Tu như con vịt, con chim, không biết chi hết. Từ ngày có Đảng đến, bây giờ người Cơ Tu đã được sống cuộc đời tươi hơn. Đảng bày một bụng một gan đoàn kết không đâm chém nhau nữa.
Đảng bày cải tiến phong tục khỏi bị ràng buộc, thi đua làm rẫy, ai nấy đều được no ấm. Đảng bày biết thương yêu đất nước, thương yêu dân tộc, làm cách mạng, chịu gian khổ để giành độc lập.
Đảng bày học chữ dân tộc, bây giờ đã nhiều người biết chữ, mắt và bụng gan đã sáng ra, không còn đui điếc như trước. Tất cả công việc của Đảng đều nhằm đem lại đời sống sung sướng cho dân tộc mình...".
Trích bức huyết thư Diệp Minh Châu gửi Bác Hồ: "Kính gửi Cha già: Hồ Chí Minh. Kính Cha! Từ hai năm nay, tin Cha, vâng theo tiếng gọi của Cha, con đã đưa nghệ thuật của con nhảy vào hàng ngũ Vệ quốc đoàn khu tám, Cách mạng Tháng Tám mà Cha già lãnh đạo đã giải phóng cho nghệ thuật của con. Hôm nay trong cảnh tưng bừng vĩ đại của ngày lễ Độc lập chưa từng có ở Nam Bộ, sau khi nghe lời Tuyên ngôn độc lập của Cha, lời kêu gọi thống thiết hùng mạnh của Cha và lời ca Hồ Chí Minh muôn năm của đoàn thiếu sinh Nam Bộ, con đã cảm xúc vô cùng và vừa khóc, con vừa cắt lấy dòng máu trong cánh tay niên thiếu của con để vẽ hình Cha và hình ba em nhỏ Trung - Nam - Bắc đang chụm đầu lại dưới chòm râu của Cha... Thấy máu con chảy, mọi người hoảng hốt, băng bó, lo ngại cho con. Con trả lời: Máu con là máu của Cha truyền cho, máu của con là máu của dân tộc, con có dám làm gì phung phí máu của con đâu. Tất cả thân con, đời con là của Cha rồi. Con trân trọng gửi bức họa bằng máu của con đây lên Cha già đã giải phóng cho nghệ thuật của con... Khu 8, 2-9-1947, Con Diệp Minh Châu". |
Theo Tuổi trẻ
--------------------------------
Bài 4: Khúc tráng ca người lính Cụ Hồ