Nhiều hành tinh mang đặc điểm nổi trội, tạo nên những kỷ lục vượt ngoài sức tưởng tượng của con người.
Ngôi sao KELT-9 và hành tinh khí KELT-9b. Ảnh: NASA. |
Hành tinh nóng nhất
Nhiệt độ hành tinh phụ thuộc chủ yếu vào khoảng cách giữa nó với ngôi sao chủ và độ nóng của ngôi sao đó, theo Science Alert. Trong hệ Mặt Trời, sao Thủy là hành tinh gần Mặt Trời nhất với khoảng cách trung bình 57.910.000 km. Nhiệt độ ban ngày trên sao Thủy khoảng 430°C, trong khi nhiệt độ bề mặt của Mặt Trời là 5.500°C.
Những ngôi sao lớn hơn Mặt Trời thường có nhiệt độ nóng hơn. Ngôi sao HD 195689, còn được gọi là KELT-9, lớn gấp 2,5 lần Mặt Trời và có nhiệt độ bề mặt gần 10.000°C. Hành tinh của nó, KELT-9b, nằm gần sao chủ hơn so với khoảng cách giữa sao Thủy và Mặt Trời.
Sao Thủy chuyển động theo quỹ đạo quanh Mặt Trời mất 88 ngày. Trong khi đó, KELT-9b bay quanh HD 195689 chỉ mất 1,5 ngày, khiến nhiệt độ ban ngày của KELT-9b lên tới 4.300°C, nóng hơn nhiều so với nhiều ngôi sao nhỏ hơn Mặt Trời. Hiện nay, KELT-9b là hành tinh nóng nhất mà con người biết đến.
Hành tinh lạnh nhất
OGLE-2005-BLG-390Lb được mệnh danh là hành tinh lạnh nhất với nhiệt độ -223°C. Nó có khối lượng gấp 5,5 lần Trái Đất, bay quanh một ngôi sao lùn đỏ cách chúng ta 25 nghìn năm ánh sáng.
OGLE-2005-BLG-390Lb được mệnh danh là hành tinh lạnh nhất vũ trụ. Ảnh: ESO. |
OGLE-2005-BLG-390Lb có nhân bằng đá và chứa một bầu khí quyển mỏng. Bề mặt của hành tinh này được bao phủ bởi một lớp chất lỏng và khí đóng băng.
Hành tinh lớn nhất
Ngôi sao khác với hành tinh ở chỗ khối lượng của chúng cực kỳ lớn, chúng có lực hấp dẫn mạnh đến mức kích hoạt quá trình phản ứng nhiệt hạch xảy ra từ bên trong lõi. Nhưng có một dạng sao gọi là sao lùn nâu, chúng đủ lớn để tạo ra một số phản ứng nhiệt hạch nhưng không thể duy trì liên tục.
Hành tinh DENIS-P J082303.1-491201 b, có khối lượng lớn gấp 28,5 lần sao Mộc, là hành tinh lớn nhất do Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) phát hiện. Nó lớn đến mức nhiều nhà khoa học tranh cãi xem nên xếp nó là một hành tinh giống sao Mộc hay sao lùn nâu.
Hành tinh nhỏ nhất
Hành tinh Kepler-37b lớn hơn một chút so với Mặt Trăng. Ảnh: NASA. |
Kepler-37b là một hành tinh đá ngoài hệ Mặt Trời quay quanh ngôi sao Kepler-37 trong chòm sao Thiên Cầm. Đây là hành tinh nhỏ nhất từng được phát hiện, với khối lượng lớn hơn một chút so với của Mặt Trăng và nhỏ sơn sao Thủy. Kepler-37b có nhiệt độ bề mặt rất nóng vì bay quanh ngôi sao chủ gần hơn cả khoảng cách giữa sao Thủy và Mặt Trời.
Hành tinh lâu đời nhất
PSR B1620-26b là hành tinh lâu đời nhất từng được biết đến với độ tuổi ước tính khoảng 12,7 tỷ năm, nhiều hơn Trái Đất 8 tỷ năm. PSR B1620-26b có khối lượng gấp 2,5 lần sao Mộc. Nó quanh quanh hai ngôi sao chủ, trong đó có một ngôi sao neutron và một sao lùn trắng cách Trái Đất 12.400 năm ánh sáng.
Hành tinh khí PSR B1620-26b hình thành từ rất sớm trong lịch sử của vũ trụ, nên nó không có đủ các nguyên tố nặng như carbon và oxy cần thiết cho sự sống và tiến hóa.
Hành tinh trẻ nhất
V830 Tauri b là một hành tinh khí có độ tuổi khoảng 2 triệu năm, bay quanh ngôi sao chủ thuộc chòm sao Kim Ngưu, cách Trái Đất 427 năm ánh sáng. Hành tinh này được mệnh danh là trẻ nhất trong vũ trụ.
V830 Tauri b có khối lượng bằng 77% sao Mộc, chu kỳ quỹ đạo 4,93 ngày. Khối lượng của nó đang tăng lên do thường xuyên va chạm với các thiên thể khác như tiểu hành tinh.
Hành tinh có thời tiết khắc nghiệt nhất
Sao Kim có môi trường khắc nghiệt được ví như "địa ngục". Ảnh: Space. |
Sao Kim, hành tinh thứ hai trong hệ Mặt Trời, có điều kiện môi trường cực kỳ khắc nghiệt và nhiều núi lửa khổng lồ trên bề mặt. Sao Kim được bao phủ trong các đám mây axit sulfuric. Bầu khí quyển của nó đậm đặc hơn trên Trái Đất 100 lần, bao gồm 95% là khí CO2. Nhiệt độ bề mặt sao Kim cao hơn 470 độ C, đủ để làm tan chảy chì. Áp suất không khí bằng áp lực nước biển của Trái Đất ở độ sâu một km.
Lê Hùng (VnExpress)