Những đứa trẻ nhập cư sợ Tết về

18/12/2019 14:28

Sáu năm trước, Châu chứng kiến người ta rút dao đâm chết ba mình. Năm đó em lên 7 tuổi.

Tối hôm ấy, người đàn ông đi xe máy chở bà Tư bán cá tìm tới căn phòng trọ chưa đầy chục mét vuông, nơi 5 người nhà Châu sống ở quận 12, TP Hồ Chí Minh.

"Thiếu tiền sao không trả mà trốn?", bà Tư mập xông vào sân nhà trọ. Mẹ Châu đang vò chậu quần áo, nhận ra chủ nợ lâu năm, bối rối. "Tại vì chưa có tiền, từ từ rồi tôi sẽ trả", chị đứng dậy, "Tôi xin bà bớt cho khoản tiền lời". "Không được", bà Tư sấn sổ.

Anh Nghĩa, 32 tuổi, bố dượng Châu từ trong nhà đi ra sân. Anh Nghĩa làm thợ hồ, hôm nay công trình khai móng. Đổ móng xong, chủ nhà đãi nhậu từ trưa. Sập tối, anh mới đi bộ về nhà. "Bữa đó ba Nghĩa không xỉn thì không chết", Châu nhớ lại.

Người đàn ông mặc áo bảo vệ màu xanh nước biển chở bà Tư dựng chống xe máy, sấn tới trước mặt anh Nghĩa: "Sao trốn nợ không trả tiền, giờ muốn chi đây?". "Ba ơi vô nhà đi", Châu níu vạt áo sơ mi nhàu nhĩ của ba. Người đàn ông say không nghe đứa trẻ, đáp lại người khách những cụm từ không đầu đuôi. Bất ngờ, ông bảo vệ rút con dao bấm trong túi quần ra, đâm liên hồi ba nhát vào bụng ba của Châu.

Bà Tư và ông bảo vệ leo lên xe máy phi thẳng ra khỏi con hẻm. Bé Châu chỉ thấy mẹ đứng thất thần, còn ba dượng nó nằm đó, một vũng màu đen bắt đầu loang ra sân. "Chở ổng vô bệnh viện giùm với", cuối cùng mẹ nó cũng kêu thành tiếng. Vài người hàng xóm lấy xe máy. 

Nằm trên giường cấp cứu, người đàn ông mặc quần bò bạc, áo sơ mi xanh nhạt đã nhuộm đen vì máu bất động trong tiếng nấc của mẹ con nó. Hai tiếng sau, anh Nghĩa mở mắt, nhìn hai mẹ con: "Ráng sống nghe!".

Ba mẹ Châu vay bà Tư năm triệu đồng. Tám năm trước, vợ chồng họ với 4 đứa con nhỏ sống ở quận 8, cùng làm thợ hồ, nhưng ít việc quá. Chị Yến và Châu là con của ba trước, cu Khôi và bé Hân là con của mẹ nó với ba Nghĩa. Hai đứa nhỏ sinh cách nhau có hơn một năm ốm dặt dẹo suốt. Có đợt bé Hân bị nghi mắc chứng tự kỷ, phải đi khám nhiều nơi, Khôi bị sốt cao đi bệnh viện hoài. Mẹ nó phải ra bà Tư vay nóng để mua thức ăn. 

Mỗi lần vay chỉ vài trăm ngàn. Nhưng bà Tư tính lời theo ngày, dần dần, món nợ thành gần 30 triệu.

Bé Châu không hiểu sao chú Lâm, bảo vệ gần ngã ba Kim Thành, bố của bạn nó, lại đâm chết ba nó. Có lần chú Lâm còn cho nó kẹo. Về sau này, công an tới nhà, họ nói chú đó "đập đá" nên không kiềm chế được.

Xác anh Nghĩa được đem về Bến Tre làm đám tang. Châu không được đi theo và cũng không được nhìn ba lần cuối vì Châu không phải con ruột của ông. Nhưng với Châu, ông là ba duy nhất của nó. Vì ông là người duy nhất hỏi thăm, quan tâm, mua thuốc cho nó uống khi nó bệnh, là người duy nhất không đánh mắng nó.

Còn ba ruột Châu, mê đá gà với đánh bài, đã bỏ mẹ con nó từ lâu, chưa bao giờ hỏi thăm nó khỏe không, có vui không, hay sống với nó một ngày nào. Với đứa trẻ, "từ hồi ba Nghĩa mất, không ai quan tâm con nữa".

hoản nợ chỗ bà Tư được xí xóa, nhưng cuộc sống của mẹ con Châu sau đó còn cơ cực hơn. Không trả nổi tiền thuê nhà, mẹ nó tha bốn đứa con ra khu sông rạch ven quận 8, mướn miếng đất vài mét vuông bên bờ kênh giá 700 ngàn mỗi tháng. 

Xóm này -  gọi là "xóm ghe" ở ven cái hồ gần cầu Xanh - do dân tứ xứ đến cắm cột dựng lều trái phép. Người phụ nữ dựng bốn cái cọc gỗ, lợp mấy miếng nhựa và mảnh nylon, sàn lát bằng ván gỗ đi nhặt ở các công trình xây dựng.

Đường vào "nhà" phải bắc bằng thân cây và ván gỗ nhặt nhạnh về để đứa trẻ khỏi rơi xuống nước. Để bốn đứa nhỏ, 2 tới 16 tuổi, trong túp lều tạm ở bờ kênh, mẹ nó đi tìm việc. Một, hai tháng mới về một lần, mỗi lần chỉ ở nhà hai tiếng, đưa mấy trăm ngàn tiền nhà cho đứa lớn rồi lại đi.

Mười tuổi, Châu đi làm. Nó đi phụ bán nồi niêu xong chảo cho người ta ở chợ Kim Thành từ 8 giờ sáng tới 9 giờ tối. "Dì ơi mua đi rẻ lắm", chỉ cần nói câu ấy thôi. Nhưng có lúc người ta mua xong, nồi bị sứt quai, họ đem ra chửi bới, bắt đền, "tụi bây bán ba cái đồ dỏm không". Hôm được vài chục nghìn tiền công, mấy chị em có bữa tối, hôm không có tiền vì phải đền nồi, ba đứa trẻ nhịn đói. Việc nó mệt nhất là đi giao hàng cho khách, phải cuốc bộ mấy km dưới trời nắng, không ăn uống, có hôm nó kiệt sức.

Hai tháng sau nó bỏ nghề bán nồi, đi ra chợ xin phụ bán rau, bán tạp hóa, xếp giày dép, rồi bán vé số, rồi phụ quán ăn, rửa chén cho quán hủ tiếu, phụ bán cháo đêm... Ai kêu gì Châu làm đó. 

Làm thuê cả ngày được trả khoảng 100 ngàn đồng, thuê theo việc thì nhận vài chục ngàn hoặc được trả bằng thức ăn. Có ngày không có tiền, ba đứa nhỏ đi quanh xóm, ai cho gì thì ăn nấy. Đợt nhịn dài nhất là một tuần.

Năm trước, một chị gần nhà rủ "đi làm giấy". Châu trở thành công nhân bé nhất trong số 50 người ở xưởng in tư nhân. Việc của em là đối chiếu các bản in xem có lỗi không, bưng bê xếp đồ, người lớn sai gì thì làm. Xưởng in hoạt động từ 6 giờ sáng tới 12 giờ đêm, nhưng Châu không thấy mệt. Các cô chú ở đây thương, hay mua cơm cho ăn cùng.

Một ngày, nó tới nhà Lan gần đó chơi. Nhà Lan cũng là dân nhập cư, bố mẹ nó phụ hồ nuôi 5 đứa con. Lan đang đi học ở trường tình thương Bình An. Cô Thu Hạnh phụ trách trường hôm đó tới thăm Lan, cho ít sách vở. "Bé này mấy tuổi, có đi học không?", bà xơ hỏi Châu. "Dạ, 10 tuổi, chưa đi học bao giờ, xơ cho nó đi học với", Lan trả lời thay bạn. Cô Hạnh bảo: "Vậy tuần tới đi khai giảng luôn đi".

Ngày khai giảng, hai đứa tới trường lúc hơn sáu giờ, cô Hạnh còn đang xếp ghế chuẩn bị khai giảng. Khai giảng xong, mỗi đứa được phát một cái bánh mỳ chả. Từ hôm đó, Châu có hai chiếc áo trắng đồng phục dù biển tên trên ngực không phải tên nó, một ít sách vở và ba lô. Đi học về, nó giặt áo ngay để mai còn mặc, còn quần thì mặc đi làm luôn.

Mỗi ngày, Châu dậy từ 4 giờ 30 sáng, nấu cơm, dọn nhà. Năm giờ nó gọi em dậy, tắm rửa, thay đồ, cho chúng ăn cơm. Ba chị em ra khỏi nhà lúc 5 giờ 30. Châu đạp xe chở hai em hơn 7 km tới trường. Trưa, bọn trẻ về nhà lúc 12 giờ, có khi Châu đi làm từ đó tới tối. Hai đứa bé đi quanh xóm chơi, đợi chị mang thức ăn về.

Ở trường tình thương Bình An, không có tiền chưa phải là nghèo. Hầu hết những đứa trẻ tìm đến đây đều không có tiền, thiếu tình thương, thiếu dinh dưỡng, thiếu cả giấy tờ, hộ khẩu và điều kiện như hầu hết trẻ em trên cả nước. Châu không phải trường hợp duy nhất không có nhà cửa ổn định, thiếu quần áo, thiếu thức ăn, thiếu sự quan tâm. Em không có cả mong muốn của một đứa trẻ bình thường.

Đầu Châu đầy chấy, những mảng tóc trắng vì trứng chấy dày cộm trên đầu. Chỉ trong một tiếng, hai con chấy kềnh đen sì như hai hạt vừng bò ra khỏi mang tai nó. Nó quen rồi, không thấy ngứa.

Căn lều của gia đình sụp xuống sông sau một trận mưa năm trước. Mẹ Châu phải đi tìm thuê nhà mới, đắt hơn nhà cũ, và phải xin tăng ca ở xưởng may - ngày nào cũng làm từ 7 giờ sáng đến 12 giờ đêm. Mẹ không có thời gian quan tâm đến Châu. Tháng trước, Châu quất tay vào máy in ở xưởng giấy. Vết bỏng hơn 5 cm khá sâu trên mu bàn tay, nhưng mẹ không để ý. Mẹ cũng không biết nó đi làm. Năm ngoái, có lần nó hỏi: "Mẹ ơi con đi làm được không?". Mẹ không nói gì.

"Không có ai thương con hết trơn", Châu khóc. Em "không thấy gì vui ngoài viết chính tả". Nó bị ngã, nó bị sốt, nó bị đói, nó muốn mua sách đi học, không ai hỏi và trả lời. Nó tự đi làm, lấy tiền mua thức ăn cho hai em. Khi hết tiền thì nhịn đói hoặc ai cho gì thì ăn, nếu ốm thì để tự khỏi. Khi nó buồn, nó nằm khóc rồi ngủ: "Con hay ngủ để quên đi nỗi buồn".

Châu không thích Tết. Tết rất buồn. Nó chỉ thấy vui khi đến trường. "Con không có mơ ước gì hết", Châu bảo. Nó mong Tết chóng qua để nó đi học, đi làm. Gần hai hôm nay đứa trẻ 13 tuổi chưa ăn gì, vì nhà có gạo được cho từ thiện, nhưng không có tiền để mua thức ăn.

Chẳng phải ở vùng sâu vùng xa, tỉnh nghèo mới có trẻ phải lao động sớm, thất học. Ngay ở quận 8, giữa Sài Gòn, các cô giáo tình nguyện đã gặp hàng trăm đứa trẻ không cha mẹ, không nhà, không mơ ước. 

Những đứa trẻ như Châu, đi học về, thay chiếc áo đồng phục được người ta quyên từ thiện ra, trở về hình dáng người lao động: những nông dân thành thục cày cuốc trên ruộng rau, nhặt thoăn thoắt từng bọc nylon trong bãi rác, lội mương bắt ốc, hái rau đem bán, hay rửa bát, bưng hủ tíu, chào bán vé số.

Vì thế, bất cứ ngày nào chúng cũng có thể bỏ lớp nếu không đủ ăn. Việc chúng vẫn đến trường sáng hôm sau là sự may mắn lớn của các cô giáo trường Bình An.

"Năm Đô" sáng đi học, chiều và tối đi khắp các khu quán nhậu bán trứng cút luộc, khoai lang luộc, vé số. Có những lần anh em nó tới lớp, chân tay bầm tím vì mẹ đánh do không bán hết hàng, cô giáo bật khóc. Nó học được một năm lớp một rồi nghỉ đi làm. Mười bốn tuổi, nó mới quay lại trường để học lớp hai.

Trần Ngọc Diễm, 11 tuổi, học lớp hai. Em đi bán sơri, trứng cút, táo, khoai lang ở các quán nhậu khu Bình Hưng. Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, 10 tuổi, học lớp 4, nửa ngày em theo cha mẹ lượm bọc nylon ở chợ Bình Điền. Ngày tới trường xin cho ba đứa con vào học, bố mẹ Hạnh dẫn cả nhà kèm theo người cậu ruột "đến coi thử". Anh không tin có lớp học miễn phí "nên phải đi đông vì sợ bị gạt". Đến nơi, thấy có thầy cô, có bàn ghế đàng hoàng, anh xin cho ba con vào.

Cậu nông dân cuốc đất thoăn thoắt trên ruộng rau ở Bình Chánh là Võ Văn Minh, 13 tuổi, đang học lớp ba. Hàng ngày em đạp xe gần nửa tiếng đi học. Gia đình em thuê một khu đất gần Đại lộ Nguyễn Văn Linh để ở và canh tác. Họ có một túp lều giữa đồng. Đi học về, Minh làm vườn, cho vịt ăn, hái ớt đi bán và đào luống trồng dưa hấu. Em "chỉ thích đi học vì ở trường có bạn bè. Ở đây ngoài nhà em ra thì chẳng có ai".

Trước đây, cả nhà Minh sống trên ghe. Năm 1997, bão nhiệt đới Linda đánh chìm chiếc ghe, họ may mắn sống sót nhưng mất hết giấy tờ. Từ đó là quãng đời phiêu dạt cha truyền con nối: lượm rác ở bãi rác Đông Thạnh, Hóc Môn; làm vườn thuê ở Bình Phước; lượm bọc nylon ở chợ Bình Điền; ở xóm làm rẫy, Bình Chánh, rồi bị đuổi. Học ở Bình An năm năm, Minh lên được lớp ba, nhưng bố nó đã hứa với cô Hạnh sẽ "để cho con đi học" chứ không bắt ở nhà làm ruộng. Ông sợ con không biết chữ như mình.

Ở đây, mười bố mẹ chỉ có năm người biết chữ. Mấy lần cô giáo viết thông báo nghỉ học lên bảng, sáng hôm sau cha mẹ vẫn chở con tới.

Cô Hạnh cũng đã quen với việc mò mẫm các tiệm game, các chỗ thuê trẻ con làm để tìm trẻ kéo về trường. Hồi mới mở trường, cô rất vất vả để can học sinh đánh nhau vì chúng đều là dân chợ Bình Điền. Có em năm tuổi đã phải bán hàng với cha mẹ, có nhiều em phải bán hàng từ tối tới sáng, đến lớp chỉ ngáp và ngủ gục. Các cô phát hiện rất nhiều học sinh trong trường bị suy dinh dưỡng, thiếu chất, còi cọc, hay ngất xỉu đột ngột. Có những em gái vừa học hết lớp năm, được "ra trường" đã có bầu, đẻ con khi mới 16 tuổi.

Cứ nghe tin một em nghỉ học, các thầy cô rất buồn. Họ đã đến từng căn chòi lá tù mù của từng đứa trong xóm ốc, xóm rau nhút, xóm ghe, xóm lượm rác để nói chuyện với cha mẹ học sinh, đến từng khu kênh đen hôi hám để xem chúng sống ra sao, đến từng khu chợ đêm để thấy học sinh mình đi mời bán từng bịch trứng cút, từng củ khoai... 

Các cô bỏ tiền ra thuê xe ôm chở các em tới trường vì bố mẹ chúng không lo nổi. Họ đi xin xe đạp cũ, mua trả góp xe máy cho phụ huynh để phụ huynh cho trẻ đi học, đi xin từng suất ăn trưa cho chúng. Cũng các cô, đi lại hàng trăm lần vào trung tâm thành phố để xin làm giấy khai sinh cho các em.

Vậy mà đến bây giờ, sau chín năm trường hoạt động, có khi cô giáo vẫn khóc, vì "không biết làm sao để nâng đỡ đời bọn trẻ". Chính các cô cũng không thích Tết. Vì sau mỗi kỳ nghỉ Tết, trường mất tới 10% học sinh.

Làm giáo viên tình nguyện, ngoài giờ dạy họ phải đi làm thêm để kiếm sống, nhưng điều họ buồn nhất là bị chính phụ huynh "cướp mất" học trò.

Bởi vì, không học ở đây, tức là chúng không có điều kiện vào học ở đâu khác. Nếu những đứa trẻ này không đi học, không biết chữ, sẽ trở thành những người đóng góp vào tệ nạn xã hội, nó "đi game", đi bán ma túy, cướp bóc, cả xã hội phải gánh.

Để giữ chân bọn trẻ, trường tổ chức các buổi sinh hoạt trò chơi hàng tuần. Kể cả ngày 20 tháng 11, trường cũng làm lễ để trẻ con chơi chứ không làm lễ cho thầy cô. "Chỉ cần nó không thất học là được", cô Hạnh bảo, "Chúng em chỉ đau đáu một ước mơ thật nhỏ bé: bọn trẻ được đến trường, được yêu thương để rồi mỗi đứa trẻ khi vào đời dù có nghèo đến mấy nhưng tâm hồn luôn giàu có lòng trắc ẩn, sự tử tế dành cho mọi người".

Đến cả Châu cũng tính nghỉ sau khi học hết lớp bốn. "Con cần phải đi làm. Con cần tiền sửa chiếc xe đạp", nó bảo. Chiếc xe cô giáo cho nó để chở hai đứa em đi học giờ đã hỏng, Châu chỉ chở được cu Khôi, còn bé Hân phải ở nhà. "Con bé em nhác giao tiếp, nếu không đến trường được, nó dốt thì tội nghiệp nó".

Theo VnExpress

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những đứa trẻ nhập cư sợ Tết về