Những đứa trẻ đến từ... ven đường

29/09/2019 15:57

Ngày càng có nhiều đứa trẻ vừa sinh ra đã bị chối bỏ. Có những trường hợp may mắn được chào đón, che chở. Nhưng cũng có những số phận bất hạnh...

Năm nào Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Nhi Hải Dương cũng tiếp nhận điều trị một vài trẻ bị bỏ rơi

Hai lần bị khước từ

Tối 18.7, trên đường đi làm về chị N.T.T. ở thị trấn Thanh Miện bất giác nghe thấy có tiếng trẻ con khóc ngay dưới chân cột điện ở ngã ba gần nhà. Dừng xe lại, chị cùng một người bạn sửng sốt nhận ra một bé gái sơ sinh nằm lọt thỏm trong chiếc làn nhựa.

Cháu bé được chị T. bế vào một nhà dân cạnh đường để chăm sóc. Sự việc cũng nhanh chóng được báo đến chính quyền địa phương.

Ngay sau đó, cháu được mọi người đưa lên Trung tâm Y tế huyện Thanh Miện kiểm tra tình trạng sức khỏe. Chẳng rõ cháu bị để nằm ở đường bao lâu nhưng may mắn mọi điều vẫn tốt lành.

Có lẽ vì quá vội vàng, người để cháu lại đã sơ ý không tháo chiếc vòng mà bệnh viện đeo ở tay trái đứa trẻ. Tên, địa chỉ trên vòng nhiều khả năng chính là tên mẹ đẻ của bé, quê ở một xã của huyện Thanh Hà.

Ngã ba nơi chị N.T.T. ở thị trấn Thanh Miện phát hiện cháu bé bị bỏ rơi

Ngay sáng hôm sau, lực lượng công an theo địa chỉ trên về huyện Thanh Hà để xác minh. Ai cũng mong rằng sớm tìm lại được người mẹ và gia đình thực sự của cháu. Sự việc nhanh chóng được sáng tỏ.

Mẹ cháu là một phụ nữ đã luống tuổi, đầu óc có vẻ cũng chậm chạp so với người bình thường. Chị từng có một đời chồng và đang một mình nuôi cậu con trai 8 tuổi. Chị thường gửi con ở nhà cho ông bà ngoại trông nuôi để đi rửa bát thuê ở TP Hải Dương.

Bé gái là kết quả của một mối quan hệ ngoài luồng và sinh ra ngoài ý muốn của người mẹ. Hoàn cảnh gia đình éo le, điều kiện kinh tế khó khăn nên sinh con được 2 ngày tuổi, chị đã có ý định rời bỏ “khúc ruột" của mình.

“Chúng tôi đã về tận nhà gặp gỡ mẹ, ông bà ngoại và người thân của cháu. Mọi người cũng động viên gia đình nhận lại cháu để chăm sóc nhưng vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên họ đành cho cháu làm con nuôi”, anh Phạm Văn Tài, Phó Trưởng Công an thị trấn Thanh Miện kể lại.

Đến bây giờ, người ta cũng không hiểu vì sao người mẹ lại mang cháu về để ở thị trấn Thanh Miện. Và vì sao người tình cờ phát hiện ra cháu lại là chị N.T.T. Hàng xóm, láng giềng hay bảo với vợ chồng chị T. rằng đó là duyên số.

Lấy nhau hơn 9 năm nhưng vợ chồng chị T. vẫn chưa được hưởng niềm vui có con. Chạy chữa khắp nơi, những lần chị T. mang thai, anh chị ăn nằm cả tháng ở bệnh viện mà cũng không giữ được con.

Ngay từ lúc gặp cháu gái bên đường, chị T. cùng chồng đã có nguyện vọng nhận cháu về nuôi. Khi mẹ đẻ cháu một lần nữa khước từ thì vợ chồng chị càng tha thiết hơn.

Vừa hồi phục sau gần 3 tháng nằm một chỗ vì tai nạn lao động, sức khỏe của anh H., chồng chị T. còn khá yếu. Thế nhưng, tiếp chuyện chúng tôi anh H. không giấu nổi niềm vui khi nhắc đến con.

“Trong cái rủi cũng có cái may chú ạ. Chắc ông trời thấy vợ chồng tôi đen đủi nên mang cháu đến để động viên, an ủi. Vợ chồng tôi đặt tên cháu mang ý nghĩa là may mắn, hạnh phúc sẽ đến với con và gia đình. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để nuôi con lớn khôn như những đứa trẻ khác”, anh H. xúc động chia sẻ.

Mảnh đời bất hạnh

Người dân chăm sóc cháu trai bị để lại trước cổng nhà chị L. ở xã Hồng Phong (Nam Sách)

Cách đây vài ngày, chị N.T.L. (41 tuổi, ở xã Hồng Phong, Nam Sách) cũng bất ngờ nhận được đứa con mà mình hằng mong ước. "Vợ chồng em hoàn cảnh khó khăn, không nuôi được cháu. Mong anh chị nuôi giúp cháu. Cháu sinh ngày 21.9”.

Đó là những dòng chữ sơ sài trên tờ giấy đặt cạnh một bé trai sơ sinh 1 ngày tuổi trong thùng carton đặt trước cổng nhà chị L. vào đêm 22.9.

Hôm ấy, khi đang ngủ trên gác, chị L. chợt tỉnh giấc vì tiếng đập cổng liên tục. Tưởng có chuyện chẳng lành, chị bật dậy đi xuống nhưng cũng không ai lên tiếng trả lời.

Thỉnh thoảng chỉ có tiếng trẻ con khóc thét vọng vào. Mất vài phút định thần, chị L. mới đủ bình tĩnh để gọi hàng xóm sang xem có chuyện gì. Người đập cổng đã nhanh chân đi vào bóng tối, để lại bé trai sơ sinh kháu khỉnh, nặng chừng 3 kg.

Ngay trong đêm, công an xã cũng đến lập biên bản, làm thủ tục để giao cháu bé cho gia đình chị L. tạm thời chăm sóc. "Chắc người ta cũng dò hỏi về hoàn cảnh của gia đình tôi nên cố tình để cháu ở đây.

Duyên số đã đưa con đến thì vợ chồng tôi cũng sẵn sàng đón nhận, yêu thương, chăm sóc con. Nếu đủ thời gian theo quy định mà bố mẹ cháu không đổi ý thì tôi sẽ làm thủ tục nhận cháu làm con”, chị L. chia sẻ.

Bị chối bỏ khi vừa mới sinh ra, những em bé trên đã may mắn tìm được những mảnh ghép an lành của cuộc đời. Nhưng không phải đứa trẻ bị bỏ rơi nào cũng tìm được nơi nương tựa tử tế, thậm chí là được tiếp tục sống.

Bác sĩ Đặng Thị Thanh Mai tiếp chuyện chúng tôi ở ngay hành lang Khoa Hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Nhi Hải Dương.

Ở ngay đây, những tiếng bíp, bíp phát ra liên hồi từ các thiết bị y tế nhiều hơn át đi cả tiếng khóc ọ ẹ của trẻ.

Qua lớp cửa kính trong suốt, hàng chục sinh linh bé nhỏ đang “vượt cạn” thêm một lần nữa để đến với cuộc đời. Nhìn những đứa bé vài ngày tuổi, nằm thiêm thiếp bên trong những lồng kính với đủ thứ máy móc xung quanh ai cũng phải xót xa.

“Không nhiều nhưng hầu như năm nào chúng tôi cũng tiếp nhận điều trị một vài trường hợp các con bị bỏ rơi. Đa số các con khi đưa đến đây đều gặp phải những vấn đề nghiêm trọng về hô hấp, tuần hoàn...”, bác sĩ Mai bắt đầu câu chuyện khi chúng tôi nhắc đến trường hợp của bé gái sơ sinh với cái tên được đặt vội là H.T.T.

Có những bé may mắn được chở che, yêu thương

Cầm tập hồ sơ bệnh án dày cộp, chị Mai cho chúng tôi biết cháu T. được chuyển từ Trung tâm Y tế huyện Bình Giang vào bệnh viện sáng sớm 20.8.

Sản phụ là một cô gái năm nay mới 21 tuổi, quê ở huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) và chưa lập gia đình. Vì sinh thiếu tháng nên sức khỏe của cháu T. rất yếu.

Các bác sĩ tại Trung tâm Y tế huyện Bình Giang phải nhiều lần thuyết phục thì người mẹ mới đồng ý chuyển cháu lên Bệnh viện Nhi Hải Dương cấp cứu. Khi nhập viện, cháu T. ở trong tình trạng ngừng tuần hoàn hô hấp, ngừng tim, tiên lượng rất xấu.

Sau vài giờ đồng hồ được các bác sĩ tận tình cấp cứu, chăm sóc, sự sống của cháu T. nhen nhóm trở lại. Thế nhưng, trong lúc bé đang giành giật sự sống với tử thần thì mẹ cháu lại lẳng lặng bỏ đi. Người thân trong gia đình cũng chẳng có ai đến thăm hỏi, chăm sóc bé.

Dù hết lòng, hết sức cứu chữa nhưng do bệnh tình quá nặng cháu T. đã không thể qua khỏi sau hơn 2 tuần điều trị tích cực. Cháu được bệnh viện đứng ra lo hậu sự.

“Khi nhập viện, người mẹ cũng đã tỏ ý với chúng tôi rằng, nếu cứu được cháu thì làm giúp thủ tục cho cháu làm con nuôi hay đưa cháu vào Trung tâm Bảo trợ xã hội vì bản thân chị ấy không có khả năng nuôi con. Người mẹ ở bệnh viện được 1-2 ngày đầu rồi bỏ đi lúc nào không ai hay. Chúng tôi đã liên hệ số điện thoại chị ấy để lại nhưng cũng không được”, bác sĩ Mai kể lại.

Dù đã liên hệ với nhiều cơ quan chức năng nhưng chúng tôi vẫn chưa thể có số liệu đầy đủ về số trường hợp trẻ em bị bỏ rơi mỗi năm trong tỉnh.

Chỉ biết rằng từ đầu năm đến nay, ở các huyện Ninh Giang, Tứ Kỳ, Bình Giang, Thanh Miện, Nam Sách hay Kim Thành, người dân đều “nhặt” được những đứa trẻ sơ sinh bị bỏ rơi ven đường.

Thậm chí, người ta còn để chúng ở tận bờ đê, ngay cạnh bãi rác... những nơi mà các sinh linh bé nhỏ phải đối mặt với nguy hiểm bất cứ lúc nào. Có nhiều lý do nhưng thật khó có thể cảm thông cho hành động như vậy của những người may mắn được làm mẹ, làm cha.

Mỗi người đều có một cuộc đời và lựa chọn khác nhau, chỉ mong rằng khi chối bỏ đi thiên chức của mình, họ sẽ trao cơ hội để những đứa trẻ vô tội gặp được những người thực sự yêu thương chúng.

HẠO NHIÊN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những đứa trẻ đến từ... ven đường