Những đồng tiền lẻ

14/04/2013 08:18

Thành và Thắng là đôi bạn thân nhưng sau khi học hết lớp 12, Thắng vào đại học, còn Thành học trung cấp cơ khí, mỗi người theo một nghề nghiệp riêng.



Một hôm, trên đường đi công tác, không may xe của Thắng bị hỏng phải tìm vào một quán ven đường để sửa, không ngờ đó là quán của Thành. Hai người bạn lâu ngày gặp nhau tay bắt mặt mừng. Sau khi hỏi thăm lý do xe hỏng, Thành cười nói: “Chuyện nhỏ! Cậu cứ yên tâm, tớ sẽ sửa cho cậu nhanh thôi”. Nói rồi Thành xắn tay áo lấy đồ nghề sửa xe cho Thắng. Nhoáng một cái, chiếc xe lại nổ bình thường. Đang lúc cả hai còn ngồi uống rượu, một người khách mình mẩy lấm lem bùn đất bước vào: “Anh Thành ơi! Máy của em đang gặt thì bị gãy cái trục này, anh hàn giúp cho em ngay được không?”. “Được! Cậu đem vào đây, tớ xem, nếu hàn được, tớ sẽ hàn cho cậu”. Nói rồi Thành bảo với Thắng: “Cậu đợi mình một lát, mình hàn cho cậu ta xong, hai đứa mình lại nói chuyện tiếp”. “Được rồi, đây cậu xem tớ hàn thế này được chưa?”. “Thế này thì tuyệt vời rồi, em nghĩ nếu anh không hàn được thì em phải vào thị xã mất nửa ngày trời đấy anh ạ! Vậy bao nhiêu tiền em xin gửi”. “Cậu đưa tớ năm nghìn đồng”. “Sao rẻ thế anh?”. “Chỉ có hai mối hàn thôi mà”. Khi người khách về rồi, Thắng nói: “Cậu đúng là! Đang bữa nhậu vui, cậu bỏ dở để đi hàn mà lấy có năm nghìn đồng lẻ, thật chẳng bõ công. Nếu là tớ thì tớ không làm”. “Cậu nên hiểu đây là nhà quê, đồng tiền làm ra khó khăn lắm. Mình làm là giúp họ và lấy xứng đáng với những gì mình bỏ ra, bắt chẹt họ làm gì”. Không che giấu được sự bực mình, trước khi ra về, Thắng nói: “Nghề của cậu suốt ngày đi nhặt từng đồng tiền lẻ thì biết khi nào mới khá lên được”. Bẵng đi 6 năm, Thắng đến tìm cái quán của Thành thì ở đây đã thành một nơi sầm uất. Thắng ngỡ mình đi lạc, liền hỏi người bán bánh mỳ: “Quán anh Thành ngày xưa ở đây nay chuyển đi đâu rồi hả chị?”. Người này chỉ ngôi nhà ba tầng nói: “Đấy là nhà anh Thành”. Thắng gõ cửa bước vào thì thấy trong nhà có khách. Thắng nghe loáng thoáng người khách nói về việc hợp đồng và tiền đặt cọc mấy trăm triệu gì đó. Thấy Thắng vào, người khách đứng dậy chào rồi ra về. Thành vui mừng mời Thắng ngồi và gọi vợ lấy bia ra hai người cùng uống. Đang uống thì một người khách đến nhờ tiện giúp cho anh ta cái trục máy cày. Sau khi ngắm nghía kỹ càng, Thành nói: “Loại thép này không biết trong kho có còn không để tôi tìm xem, nếu có tôi sẽ tiện cho anh". Thắng nghĩ: “Thằng cha này cũng giở quẻ bắt bí để vòi vĩnh tiền của khách đây, cho nên nó mới nhanh giàu đến vậy”. “Tìm được không anh?” - người khách hỏi. “Chưa! Mấy hôm trước tôi để ở đây giờ sao không thấy” - Thành mồ hôi nhễ nhại trả lời. Một lát sau, Thành reo lên: “Đây rồi! Nó nằm ngay đây mà mình không thấy”. Sau khi tiện xong cái trục cho người khách, Thắng nghĩ: “Thế nào thằng cha này cũng chém vài trăm nghìn chứ chả chơi”. Nhưng đến khi khách hỏi tiền thì Thành chỉ lấy 20 nghìn đồng. Thắng ngạc nhiên hỏi: “Cậu vất vả tìm tòi, rồi lại tiện mà lấy có thế thật chẳng bõ công”. Thành cười: “Làm nghề nếu chỉ vì đồng tiền thì dần dần sẽ mất hết khách. Điều quan trọng là chữ tín và cái tâm hành nghề. Hôm nay, người ta đến chỉ tiện hay hàn một món hàng nhỏ nhưng mình làm việc có tâm thì ngày mai họ sẽ đến với mình những món hàng lớn hơn. Như ông khách khi mới vào cậu gặp đó, lần trước anh ta đến đây chỉ mua có một con ốc, vậy mà nay ông ta đến đặt hàng đến cả tỷ đồng và còn đặt cọc trước 500 triệu. Nghề nào cũng vậy, cần phải có cái tâm và biết quý trọng từng đồng tiền lẻ. Chính từ những đồng tiền lẻ đó mới có được những đồng tiền lớn cậu ạ”.

Thắng lúc này mới thấm thía công việc của Thành. Thắng nghĩ: “Thì ra mình kinh doanh thất bại là vì chỉ quan tâm tới những món tiền lớn mà coi thường những đồng tiền lẻ”.

VÕ HOÀNG NAM

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những đồng tiền lẻ