Phong tục cúng tiễn Táo quân dịp cuối năm rất được coi trọng và cần chuẩn bị chu đáo. Khi lau dọn bàn thờ, gia chủ cần khấn lạy để thành tâm xin phép.
Việc lau dọn bàn thờ được thực hiện vào ngày 23 tháng Chạp
Tục cúng ông Công ông Táo (thần Bếp) vào ngày 23 tháng Chạp là truyền thống văn hóa lâu đời của người dân Việt Nam.
Trong cuốn "Cơ sở Văn hóa Việt Nam" (xuất bản năm 1999), giáo sư Trần Ngọc Thêm cho biết Thổ Công là vị thần coi sóc, định đoạt phúc họa cho cả nhà. Tới ngày 23 Tết, ông Công ông Táo sẽ cưỡi cá chép bay về trời để bẩm báo về những việc tốt xấu trong năm của gia đình.
Theo tác giả Minh Đường trong cuốn "Nghi lễ dân gian – Nghi lễ cúng gia tiên", thông qua sự báo cáo của thần Bếp, Ngọc Hoàng sẽ có quyết định thưởng - phạt khác nhau cho mỗi nhà. Vì vậy, phong tục cúng tiễn Táo quân dịp cuối năm rất được coi trọng và chuẩn bị chu đáo.
Lưu ý về thời gian
Năm nay, ngày tiễn ông Công ông Táo rơi vào thứ 7, ngày 14/1. Các gia đình sẽ cùng thực hiện nghi thức bao sái, dọn dẹp bàn thờ và khu vực cúng kiếng, đồng thời lau dọn toàn bộ nhà cửa để đón năm mới - với ngụ ý mong đón tài lộc và cầu mọi sự hanh thông.
Trong truyền thống dân gian, việc dọn dẹp bàn thờ vào dịp này cần tuân theo những quy tắc nghiêm ngặt, đảm bảo không phạm vào những điều kiêng kỵ.
Theo chuyên gia phong thủy Nguyễn Song Hà (Viện nghiên cứu bảo tồn Văn hóa và phát triển phương Đông), thông thường người dân sau khi cúng ông Công ông Táo mới rút tỉa chân nhang, lau dọn bàn thờ.
Theo đó, sau khi cúng tiễn (diễn ra trước 12h trưa 23 tháng Chạp), khi các vị thần đã bay về trời để báo cáo chuyện trong năm, các gia đình mới được phép bắt đầu việc lau dọn. Khoảng thời gian này được cho là thời điểm thích hợp nhất, khi việc xê dịch và lau chùi không ảnh hưởng đến thờ cúng.
Việc cúng tiễn cũng có thể được tiến hành sớm hơn từ ngày 17 tháng Chạp.
Nếu các gia đình làm lễ cúng đúng vào ngày 13/12 âm lịch thì sau đó nên để bàn thờ an yên. Chờ đến sáng 24 hoặc ngày 25, gia chủ mới nên thực hiện rút tỉa chân hương. Nghi thức rút tỉa chân hương cần thực hiện vào ban ngày, tránh xê dịch vào đêm tối.
Những điều không nên
Theo dân gian, thực hiện nghi thức dọn dẹp bàn thờ ngày cuối năm cần tránh phạm vào điều kiêng kỵ, nếu phạm phải có thể khiến gia đình gặp trắc trở, năm mới khó khăn.
Người thực hiện việc lau dọn cần tắm rửa sạch sẽ, ăn mặc chỉnh tề (tránh mặc quần đùi, áo cộc, trang phục hớ hênh), kiêng ăn các món hôi tanh. Trước khi làm lễ, gia chủ nên thắp hương và khấn thành tâm để xin phép.
Theo các chuyên gia phong thủy, việc lau dọn bàn thờ nên được tiến hành từ cao đến thấp, chú ý không khiến bát hương hay các tượng thờ cúng bị dịch chuyển. Nếu trong quá trình lau dọn, có sự cố khiến bát hương bị xô lệch, gia chủ phải khấn sám hối và đưa về vị trí ban đầu.
Lưu ý, vật dụng lau chùi bàn thờ phải là khăn mềm sạch, nước sạch, chậu riêng và nước pha ngũ vị hương. Dùng khăn mềm và nước sạch để lau.
Khi tiến hành rút tỉa chân hương, một tay tỉa nhẹ nhàng, tay còn lại giữ cố định bát hương để tránh làm xê dịch. Chân hương được rút từng ít một và đặt lên giấy hoặc khăn sạch. Lau bát hương, bài vị cần dùng khăn sạch và ẩm, pha ngũ vị hương, phun rượu pha gừng giã nhỏ và lau nhẹ nhàng.
Theo Zing