Xây dựng Đảng

Những điểm mới quan trọng của Quy chế bầu cử trong Đảng

THANH LAN 14/12/2024 05:45

Đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy trả lời phỏng vấn Báo Hải Dương về những điểm mới quan trọng trong Quy chế bầu cử trong Đảng mới ban hành.

00:00

truong-ban-tctu.jpg
Đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy tại Hội nghị lần thứ 22 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII

Ngày 10/10/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng ký Quyết định số 190-QĐ/TW ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng (sau đây gọi tắt là Quy chế 190) thay thế Quy chế bầu cử trong Đảng theo Quyết định số 244-QĐ/TW, ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (gọi tắt là Quy chế 244).

Phóng viên Báo Hải Dương phỏng vấn đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy về những điểm mới quan trọng trong Quy chế bầu cử trong Đảng.

- Thưa đồng chí, Quy chế 190 về bầu cử trong Đảng có những điểm mới quan trọng nào?

- Quy chế 190 gồm 7 chương, 36 điều, giảm 2 điều so với quy chế cũ. Nội dung của một số chương có những sửa đổi, bổ sung đầy đủ, cụ thể hơn. Trong đó có một số điểm mới về nhiệm vụ của cấp uỷ triệu tập đại hội, các tổ chức điều hành và giúp việc đại hội trong công tác bầu cử; quy định về ứng cử, đề cử, bầu cử, danh sách bầu cử, phiếu bầu cử.

- Đề nghị đồng chí phân tích cụ thể những điểm mới liên quan đến công tác bầu cử tại đại hội?

- Chương II của Quy chế 190 gồm 5 điều quy định về nhiệm vụ của cấp ủy triệu tập đại hội, các tổ chức điều hành và giúp việc đại hội trong công tác bầu cử có sửa đổi, bổ sung thêm một số nội dung.

Cụ thể, cấp uỷ triệu tập đại hội được bổ sung thêm nhiệm vụ: “Chuẩn bị số lượng, danh sách và nhân sự đoàn chủ tịch, chủ tịch đại hội, đoàn thư ký, thư ký đại hội, ban thẩm tra tư cách đại biểu để trình đại hội xem xét, biểu quyết thông qua”. Quy chế sửa đổi, bổ sung khoản 1 như sau: “Chuẩn bị đề án nhân sự đại biểu dự đại hội cấp trên; đề án nhân sự cấp uỷ, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư, uỷ ban kiểm tra, chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra, phó chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra và các điều kiện để tổ chức hội nghị ban chấp hành lần thứ nhất bầu ban thường vụ, bí thư, phó bí thư, uỷ ban kiểm tra, chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra cấp mình theo quy định”.

dai-hoi-chi-bo.jpg
Quy chế bầu cử trong Đảng có nhiều điểm mới. Trong ảnh: Các đại biểu bầu cử tại Đại hội Chi bộ thôn Kinh Dương, xã Hiệp Cát (Nam Sách)

Đoàn chủ tịch, chủ tịch đại hội được bổ sung thêm nhiệm vụ: “Bảo đảm sự lãnh đạo của cấp ủy cấp trên trực tiếp và chỉ đạo thực hiện đúng đề án nhân sự ban thường vụ cấp ủy, bí thư, phó bí thư cấp ủy đã được cấp có thẩm quyền thông qua cho đến khi bầu được ban thường vụ, bí thư, phó bí thư cấp ủy khóa mới”.

Ban thẩm tra tư cách đại biểu của đại hội cũng được bổ sung một số nhiệm vụ như: Xét báo cáo của cấp uỷ triệu tập đại hội về việc chấp hành nguyên tắc, thủ tục, tình hình và kết quả bầu cử đại biểu; những vấn đề có liên quan đến tư cách đại biểu. Xem xét, kết luận các đơn, thư khiếu nại, tố cáo về tư cách đại biểu do cấp uỷ các cấp giải quyết; báo cáo với đoàn chủ tịch để trình đại hội xem xét, quyết định về những trường hợp không được công nhận tư cách đại biểu, những trường hợp có đơn xin rút khỏi danh sách đại biểu và việc chuyển đại biểu dự khuyết thành đại biểu chính thức đã được triệu tập. Báo cáo với đại hội kết quả thẩm tra tư cách đại biểu để đại hội xem xét, biểu quyết công nhận.

Quy chế mới bổ sung quy định về ban kiểm phiếu. Trưởng ban kiểm phiếu điều hành hoạt động của ban kiểm phiếu, phân công nhiệm vụ cho các thành viên; chịu trách nhiệm trước đoàn chủ tịch, chủ tịch đại hội về hoạt động của ban kiểm phiếu.

- Cùng với những nội dung trên, việc ứng cử, đề cử, danh sách trích ngang theo Quy chế 190 có gì mới, thưa đồng chí?

Chương III của Quy chế 190 có 8 điều, từ điều 9 đến điều 16 quy định về nội dung này.

Quy chế mới quy định: "Ủy viên ban thường vụ ứng cử để được bầu làm chủ nhiệm ủy ban kiểm tra của cấp ủy cấp mình (trừ các trường hợp quy định tại điều 11 của Quy chế này)". Trong khi quy chế cũ chỉ quy định “Cấp ủy viên ứng cử để được bầu vào uỷ ban kiểm tra cấp uỷ cấp mình”.

Quy chế bầu cử mới bổ sung thêm 2 loại tài liệu trong “hồ sơ ứng cử viên” gồm: “Kết luận tiêu chuẩn chính trị của cấp uỷ có thẩm quyền theo quy định” và “Bản sao các văn bằng, chứng chỉ về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị (có xác nhận của cơ quan, đơn vị quản lý cán bộ hoặc của cấp có thẩm quyền)”.

Quy chế 190 làm rõ hơn quy định về số dư và danh sách bầu cử. Việc đại hội (hội nghị) thảo luận, biểu quyết lập danh sách. Cụ thể: “Người ứng cử, người được đề cử mà không được cấp uỷ triệu tập đại hội đề cử phải bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định và phải được từ trên 30% tổng số đại biểu (đảng viên) dự đại hội (hội nghị) đồng ý giới thiệu mới được đưa vào danh sách để đại hội (hội nghị) xem xét, quyết định”.

Quy định chung về số dư đối với trường hợp bầu lấy số lượng từ 1 - 6 người thì danh sách bầu cử có số dư tối đa là 1 người. Còn Quy chế 244 quy định: “Trường hợp cần bầu lấy số lượng 1 người thì danh sách bầu cử là 2 người; bầu lấy số lượng 2 người thì danh sách bầu cử là 3 người; bầu lấy số lượng từ 3 người trở lên thì danh sách bầu cử có số dư tối đa không quá 1/3 số lượng cần bầu”.

Danh sách trích ngang của các ứng cử viên trong Quy chế 190 quy định: "Từ Đại hội Đảng bộ cơ sở trở lên, trước khi tiến hành bỏ phiếu chính thức, đoàn chủ tịch đại hội cung cấp danh sách trích ngang của các ứng cử viên (xếp thứ tự như danh sách bầu cử) để đại biểu nghiên cứu trước”. Quy chế 244 trước đây chỉ quy định danh sách trích ngang của các ứng cử viên từ đại hội cấp huyện và tương đương trở lên.

- Xin cảm ơn đồng chí!

THANH LAN
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những điểm mới quan trọng của Quy chế bầu cử trong Đảng