Ngoài Cảnh Phúc cung, suối Cheonggye hay Namsan, khi đến Seoul, du khách nên ghé thăm những địa điểm có liên quan đến Hangeul, chữ biểu âm là niềm tự hào của Hàn Quốc.
Hangeul có tên gọi ban đầu là Hunminjeongeum (Huấn dân chính âm). Đây là bảng chữ cái được những nhà ngôn ngữ học đánh giá là hệ thống chữ khoa học, sáng tạo và dễ học với mọi người. Hunminjeongeum là hệ thống chữ biểu âm với 28 mẫu tự, nhưng hiện chỉ còn 24 chữ cái cơ bản, bao gồm 21 nguyên âm và 19 phụ âm. Bấy giờ, khi hệ thống chữ này được sáng tạo ra, nhiều người cho rằng nó có thể ghi lại âm thanh của hạc kêu và gió thổi. |
Tại quảng trường Gwanghwamun có bức tượng của hai nhân vật ảnh hưởng lớn đến lịch sử Hàn Quốc. Người đầu tiên là Yi Sun Shin (Lý Thuấn Thần), vị đô đốc hải quân đã lãnh đạo quân đội Joseon kháng Nhật cứu nước. Danh nhân còn lại chính là vua Sejong (Triều Tiên Thế Tông), người đã cùng các nhân sĩ trong Jiphyeonjeon (Tập Hiền điện) sáng tạo nên Hangeul và truyền bá loại chữ viết này trong dân chúng dưới dạng tài liệu Huấn dân chính âm vào năm 1446. |
Theo Huấn dân chính âm giải lệ, vua Sejong tạo ra chữ viết mới nhằm xóa nạn mù chữ cho người dân Joseon. Trước đó, các văn bản của vương triều Joseon đều được viết bằng Hán tự, nhưng chỉ tầng lớp yangban (quan lại và học giả) mới được học và viết loại chữ này. Do vậy, tầng lớp quý tộc đã phản đối kịch liệt việc vua Sejong tạo ra Huấn dân chính âm vì điều này có thể ảnh hưởng đến sự thống trị của họ. Tuy nhiên, theo thời gian, Hangeul ngày càng phổ biến trong dân chúng, và trở thành biểu tượng quốc gia trong thời kỳ Triều Tiên thuộc Nhật. |
Bức tượng đồng vua Sejong cao 6,2 m và đặt trên bệ cao 4,2 m, với tay trái cầm cuốn sách Huấn dân chính âm. Ngay phía dưới bức tượng này là khu triển lãm có tên gọi "Câu chuyện về vua Sejong". Tại đây, du khách không những hiểu hơn về cuộc đời và sự nghiệp của đức vua, mà có thể ngắm nhìn bản thảo Bài hát của những con rồng bay (bài thơ đầu tiên được viết bằng Hangeul), tài liệu giải thích Hunminjeongeum và một số phát minh quan trọng của vua Sejong như đồng hồ nước, bản đồ thiên văn... |
Bên cạnh đó, du khách nên dạo bước trên con đường trung tâm Hangeul. Cuộc hành trình trải dài từ quảng trường Gwanghwamun đến Sungnyemun, ngang qua nhiều địa điểm nổi tiếng liên quan đến Hangeul, bao gồm Vườn nghệ thuật Sejong, Hiệp hội Ngôn ngữ Hàn Quốc, khu vườn và ngôi nhà của Ju Si Gyeong (người sáng lập Đại học Nữ Ewha và giúp chuẩn hóa ngôn ngữ Hàn Quốc), Hangeul Geulja Madang (nơi lưu giữ 11.172 âm tiết tiếng Hàn)... |
Bảo tàng Hangeul quốc gia nằm ở quận Yongsan (Seoul), được xây dựng vào năm 2014. Trên diện tích hơn 11.000 m2, những hiện vật tại đây giới thiệu về lịch sử hình thành và phát triển của bảng chữ cái Hàn Quốc; những nguyên âm được tượng hình từ hình ảnh trời, đất và con người; cấu trúc ngôn ngữ của tiếng Hàn... Bảo tàng Hangeul quốc gia còn có tầng hầm, khán phòng và phòng triển lãm dành cho du khách không nói tiếng Hàn để luyện tập đọc và viết Hangeul cơ bản. |
Hiện nay, ngày Hangeul trở thành ngày lễ quốc gia ở Hàn Quốc, nhằm kỷ niệm vua Sejong công bố bảng chữ cái tiếng Hàn vào năm 1446. Sự kiện này được tổ chức vào ngày 9.10 hàng năm. |
Theo Zing