Trên mảnh đất văn vật này còn có những hạng mục di tích lịch sử văn hóa giá trị liên quan đến một nhân vật thời hậu Lê được tôn là bà chúa Me đang bị lãng quên.
Nhà lưu giữ với hai tấm bia đá cổ liên quan đến bà chúa Me
Phục Lễ, xã Vĩnh Hồng (Bình Giang) là một ngôi làng cổ. Nơi đây có ngôi đình thờ thành hoàng làng Nguyệt Thái công chúa, thời Hùng Vương, tương truyền có công âm phù nhà Trần đánh giặc Chiêm Thành, được các triều đại phong kiến ban 8 sắc phong, xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2010. Nhưng trên mảnh đất văn vật này còn có những hạng mục di tích lịch sử văn hóa giá trị liên quan đến một nhân vật thời hậu Lê được tôn là bà chúa Me đang bị lãng quên.
Ông Vũ Xuân Bắc, một bậc cao niên dòng họ Vũ, thôn Phục Lễ cho biết: “Bà chúa Me là tôn hiệu mà nhân dân trong vùng dành cho bà Vũ Thị Ngọc Nguyên, Thái phi của chúa Trịnh Cương (1686-1729)”. Theo gia phả của dòng họ Vũ ở thôn Phục Lễ và một số tài liệu như Trịnh Thị Ngọc phả, Danh tướng Việt Nam thì bà Vũ Thị Ngọc Nguyên, tên tục là Vũ Thị Tông, con gái cụ Vũ Tất Tố làm quan thời hậu Lê. Khi lớn lên, do có tài năng và xinh đẹp hơn người nên được chúa Trịnh Cương lấy làm vợ, phong là Chiêu Nghi. Bà sinh được hai người con sau này là chúa Trịnh Giang và Trịnh Doanh. Bà là người từng nuôi dưỡng Lê Ý Tông hoàng đế khi còn nhỏ; từng nhiếp chính lập chúa, phò vua, điều binh khiển tướng để dẹp các cuộc khởi nghĩa bảo vệ nhà Lê - Trịnh. Bà được chúa Trịnh Giang phong làm Quốc Thánh mẫu, cho xây phủ đệ và nhà từ đường tại Mi Thử, Đường An (nay là Phục Lễ). Sau phủ đệ bị nghĩa quân Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ đốt phá. Bà mất ngày 21-9 âm lịch, không rõ năm.
Hiện ở Phục Lễ vẫn còn khu đất mà nhân dân gọi là Phủ Chúa. Đó là một khu gò khá rộng, nằm ở rìa làng. Nhà dân ở đây khi đào sâu xuống khoảng 40 cm cũng đã từng gặp móng đá. Tại đây có lăng mộ được nhân dân gọi là lăng bà chúa. Ông Vũ Đức Thư, Bí thư Chi bộ thôn cho biết: Chưa xác định được đây có phải là mộ bà chúa Me hay không nhưng nghe các cụ kể lại ngôi mộ có từ lâu rồi. Mộ từng bị kẻ gian đào trộm. Con cháu dòng họ Vũ đã chuyển hài cốt vào một chiếc chum lớn chôn lại vị trí cũ. Năm 2010, dòng họ Vũ tổ chức xây lại khang trang.
Gắn với khu lăng bà chúa còn có khu ngự giội bên cạnh đình. Ở đây có hồ rộng trên 2 sào. Bên bờ hồ có hai phiến đá lớn xếp chồng thành bậc, mỗi phiến dài trên 2 m, rộng gần 1,5 m, dày 0,5 m. Tương truyền đây là nơi bà chúa tắm nên được gọi là khu ngự giội. Hai phiến đá này nằm trong mảnh đất của gia đình anh Vũ Đức Hưng. Vợ anh Hưng cho biết, nghe những chuyện xưa truyền lại, vợ chồng chị đã xây ngôi miếu nhỏ trên nền đất để hương khói. Cùng với khu ngự giội, trên cánh đồng làng Phục Lễ còn có ao chúa rộng trên 3 sào. Ở đây cũng có hai phiến đá lớn như ở khu ngự giội. Ao chúa được cho là nơi vãn cảnh của bà chúa ngày xưa.
Đặc biệt, ở Phục Lễ có một di tích quan trọng gắn với bà chúa Me là nhà bia với hai tấm bia đá cổ. Công trình này cũng đã được Bảo tàng tỉnh đưa vào danh sách cổ vật và ghi chép về người được thờ là bà Vũ Thái Phi. Ngôi nhà bia này có kiến trúc cổ kính, độc đáo, nằm cách lăng bà Chúa khoảng 200 m, trên bờ ao của gia đình ông Nguyễn Văn Thạch. Trông xa, nhà bia giống như kiến trúc ngôi miếu cổ, mái xây vòm như mộ Hán, thế kỷ thứ II từng tìm được ở xã Ái Quốc (TP Hải Dương). Nhà bia xây tường gạch dày hơn 1m, có 5 cửa gồm: 1 cửa chính và 4 cửa bố trí ở hai đầu hồi và mặt sau. Các cửa đều cuốn vòm, trong đó cửa chính rộng trên 90 cm, cao 1,5 m. Các cửa còn lại có kích cỡ như cửa chính nhưng chỉ cao khoảng 1,2 m. Các cửa đều không có cánh. Phía trong nhà khá hẹp: một chiều 3,5m, một chiều 2,2m, lưu giữ 2 tấm bia lớn hình trụ vuông. Một tấm bia ghi nội dung: trưởng công chúa sinh từ bi (sinh từ trưởng công chúa). Bài ký trên bia ghi về Vương phủ đệ nhất cung tần Chiêu Nghi họ Vũ, tên húy là Ngọc Huấn, tên Phật hiệu là Huệ Trưởng Kiên Cố Thượng Đại Bồ Tát. Rất có thể cung tần Chiêu Nghi Vũ Ngọc Huấn và Thái phi Vũ Thị Ngọc Nguyên là một. Điều này rất cần được nghiên cứu làm rõ. Thông tin về trưởng công chúa Trịnh Thị Ngọc Giang cũng được ghi trong văn bia. Văn bia ghi niên đại năm 1679 (Vĩnh Trị tứ niên), cách nay 333 năm. Tác giả bài ký trong văn bia là Tiến sĩ, Đông các Đại học sĩ đệ nhị anh Hồ Sỹ Dương. Tấm bia này cao hơn 1,8 m, nóc bia gồm 4 mái vòm. Mỗi mái khắc hình 1 con vật trong bộ tứ linh (long, ly, quy, phượng). Tấm bia thứ 2 là Phụng tự chi bia (bia phụng sự việc thờ cúng) ghi nội dung, quy chế thờ cúng nhân vật được lập sinh từ. Tấm bia này có niên đại năm Chính Hòa 17 (1696). Tác giả là Tiến sĩ Lê Phủ, chức Kim tử vinh lộc đại phu, Tham tụng, Thượng thư Hình bộ tri Trung thư giám, tước Lai sơn tử. Tấm bia này là khối đá vuông, hai cạnh 63 cm, hai cạnh 65 cm, cao 1,75 m. Các mặt bia, mái vòm chép chữ Hán Nôm. Chúng tôi từng khảo sát nhiều văn bia thời Lê Trung Hưng, nhưng chưa từng gặp kiểu kiến trúc vừa đẹp, vừa lạ mắt, cổ kính như nhà bia và bia ở đây.
Một di tích lịch sử có cổ vật là 2 tấm bia đá, nhà bia còn khá nguyên vẹn về kiến trúc nghệ thuật, những cứ liệu trong bia ghi về một người phụ nữ giữ chức vụ Chiêu Nghi (theo sách từ điển chức quan Việt Nam, Chiêu Nghi là trọng quan trong triều, chỉ đứng sau Tể tướng, cha được phong tước Quận công), lại được lập sinh từ, được hai người có học vị tiến sĩ nho học, có chức vụ phẩm hàm thuộc đại quan trong triều soạn văn bia đủ thấy vị thế và công lao của người được thờ phụng. Với các thông tin trên, theo quy định trong Luật Di sản văn hóa, di tích đã hội tụ tiêu chuẩn của một di sản văn hóa. Thế nhưng hiện nay ngôi nhà bia vẫn bị quên lãng, chỉ được dòng họ và thôn tự đứng ra bảo vệ.
Các ngành chức năng cần nghiên cứu, bảo tồn, đưa ra những ứng xử đúng đắn, tránh nguy cơ các công trình bị xâm hại hoặc mai một, đổ nát đáng tiếc.
VĂN LỘC - NGỌC HÙNG