Là mảnh đất có bề dày lịch sử, xứ Đông còn gìn giữ hàng nghìn di tích lịch sử, di sản văn hóa có giá trị trong các thời kỳ dựng nước và giữ nước.
Chỉ tính riêng các di tích lịch sử, di sản văn hóa liên quan đến thời Hùng Vương đã có cả một kho tàng lớn.
Trống đồng phát hiện tại thôn Hữu Chung, xã Hà Thanh (Tứ Kỳ), di vật tiêu biểu cho văn hóa thời
Hùng Vương trên địa bàn Hải DươngDi tích lịch sử phong phúĐình Cả thuộc phường Việt Hòa (TP Hải Dương) là nơi tôn thờ đức thánh Khai Thiên Thể Đạo, người có công giúp Hùng Vương thứ 18 dẹp giặc. Công trình nằm ở trung tâm khu dân cư với kiến trúc kiểu chữ đinh gồm 5 gian đại bái và hai gian hậu cung khang trang, to đẹp. Theo các bậc cao niên, đình trước kia được khởi dựng vào thời hậu Lê, trùng tu vào thời Nguyễn. Năm 1947, đình bị thực dân Pháp phá huỷ. Năm 2010, chính quyền và nhân dân khôi phục lại đình như ngày nay.
Về đình Cả những ngày đầu tháng 3 âm lịch, chúng tôi được hòa vào không khí náo nức chuẩn bị cho ngày khai hội truyền thống mồng 10-3. Anh Hồ Văn Thoan, cán bộ văn hóa phường Việt Hòa cho biết: Năm nay, ngoài lễ hội truyền thống, nhân dân Việt Hòa còn có thêm niềm vui là đón bằng công nhận đình Cả là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Đây cũng là sự kiện nhân dân Việt Hòa hướng về ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. Lễ hội sẽ có các hoạt động: tế mở cửa đình, rước kiệu thánh quanh khu dân cư, lễ đón bằng, cùng một số trò chơi dân gian.
Những người cao tuổi đình Hàn Bơi, phường Cẩm Thượng (TP Hải Dương) những ngày này cũng đang sắm hương hoa, lau rửa đồ tế tự. Đình Hàn Bơi cũng thờ tướng Khai Thiên Thể Đạo và mở hội vào dịp 10-3 âm lịch. Trong lễ hội cổ truyền nhân dân ở đình Cả và đình Hàn Bơi cùng tổ chức lễ rước ra bến sông Phương Độ sau đó tổ chức thi bơi chải giữa hai làng để tái hiện lại chiến công đánh thủy của tướng quân xưa. Năm nay, lễ hội đình Hàn Bơi không tổ chức lễ rước, các trò chơi dân gian, song vẫn tổ chức mở cửa đền để nhân dân và du khách thập phương về tế lễ.
Hướng về Ngày Quốc giỗ, trong dịp mồng 10-3 âm lịch, trên địa bàn tỉnh còn diễn ra hàng chục lễ hội tại các di tích lịch sử như: lễ hội đình Bảo Sài thờ Tiên Dung công chúa, con gái vua Hùng Vương 18 và Chử Đồng Tử, lễ hội đền Sượt, lễ hội đình Đinh Văn Tả (đều ở TP Hải Dương), lễ hội đình Huề Trì (Kinh Môn) thờ Thiện Nhân, Thiện Khánh, 2 chị em sinh đôi cùng tham gia cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng…
Thời kỳ Hùng Vương tỉnh ta thuộc bộ Dương Tuyền, một trong 15 bộ của nhà nước Văn Lang - Âu Lạc. Cùng với chiều dài lịch sử là nhiều di tích tôn thờ những nhân vật thời Hùng Vương đang hiện hữu tại các miền quê. Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trên địa bàn tỉnh ta có 100 di tích thờ các nhân vật thời kỳ Hùng Vương. Tiêu biểu phải kể đến đình Chí Linh, xã Nhân Huệ cùng 27 di tích khác ở Chí Linh thờ thần Cao Sơn, vị thần thuộc nội tộc Tản Viên thời Vua Hùng thứ 18; di tích thờ tam vị đại vương họ Phan, tướng thời Hùng Vương thứ 6 ở làng Cao Xá, xã Thái Hòa (Bình Giang)… Có thể tiểu sử các nhân vật được thờ chỉ là truyền thuyết, song hệ thống các di tích và những sinh hoạt văn hóa lễ hội đã minh chứng cho một thời kỳ dựng nước hào hùng trong lịch sử và có sức sống lâu dài trong cộng đồng người Hải Dương ta.
Nhiều di vật quýLà vùng đất cổ, cùng với di tích, các lễ hội ở Hải Dương còn phát lộ hàng loạt di vật đồ đồng thời Đông Sơn. Theo các tài liệu lịch sử, Văn hóa Đông Sơn là nền văn hóa từng tồn tại ở một số tỉnh miền Bắc và Bắc Trung bộ mà trung tâm là khu vực Đền Hùng vào thời kỳ đồ đồng và đồ sắt sớm. Đây là thời kỳ nhà nước Văn Lang của các Vua Hùng và nhà nước Âu Lạc của An Dương Vương đã phát triển. Di vật đầu tiên là trống đồng Hữu Chung được phát hiện tháng 5-1961 khi người dân đào đất đóng gạch ở bờ sông Luộc, thôn Hữu Chung, xã Hà Thanh (Tứ Kỳ). Ông An Văn Mậu, Phó giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: “Trống cao 67cm, đường kính mặt 82cm, đường kính chân 83cm, trọng lượng 75 kg, hoa văn phong phú. Sau khi khai quật, hiện vật hầu như còn nguyên vẹn và đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh. Trống Hữu Chung thuộc văn hóa Đông Sơn, có niên đại khoảng thế kỷ IV trước công nguyên (TCN). Đây là di vật tiêu biểu cho văn hóa thời Hùng Vương trên địa bàn tỉnh ta”. Cùng với đó là 2 trống đồng được phát hiện ở độ sâu 3m tại khu vực Mả Gạo, thôn Du Tái, xã Tiền Tiến (Thanh Hà) năm 1976. Sau khi khai quật được đặt tên là trống làng Gọp, xác định có niên đại cuối thế kỷ I TCN. Mới đây nhất là phát hiện trống đồng và thạp đồng ở thôn Hoàng Lại, xã An Lương (Thanh Hà) tháng 10-2005. Hai di vật đồ đồng trên được xác định có niên đại thuộc nền văn hóa Đông Sơn cách nay khoảng 2000 năm.
Những di chỉ Đồi Thông (xã Lê Ninh), Nhẫm Dương (xã Duy Tân, Kinh Môn), Dược Sơn (xã Hưng Đạo, Chí Linh) được phát hiện cũng là minh chứng cho kho di vật phong phú thời Hùng Vương ở tỉnh ta. Ở di chỉ Đồi Thông tìm được nhiều mũi tên, rìu và giáo đồng, niên đại khoảng đầu thiên niên kỷ thứ nhất TCN. Di chỉ Nhẫm Dương phát hiện công cụ, vũ khí bằng đá, đồng thuộc văn hóa tiền Đông Sơn và Đông Sơn. Di chỉ Dược Sơn phát hiện một bộ sưu tập đồ đồng gồm 1 chậu đồng có hoa văn tương tự trên trống đồng Đông Sơn và 5 nhạc đồng (còn gọi nhạc voi).
Cùng với đó, các di sản mộ táng La Đôi, Hợp Tiến (Nam Sách), Thượng Vũ (Kim Thành), Đông Quan, Tân Hưng (TP Hải Dương), mộ Kiệt Thượng (Chí Linh)… cũng là loại hình di sản văn hóa khá phong phú thuộc văn hóa Đông Sơn. Các ngôi mộ có hiện vật tùy táng bằng đồng như: rìu, dao găm, giáo, khiên dày đặc hoa văn văn hóa Đông Sơn. La Đôi được coi là nghĩa địa cổ thời văn hóa Đông Sơn.
Có một di sản thời Hùng Vương đến nay vẫn hiện hữu trong cuộc sống hiện đại và trở thành quốc hồn, linh vật của dân tộc Việt, đó là bánh chưng, bánh dày. Tại lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm nay, Hội thi gói bánh chưng, giã bánh dày tỉnh Hải Dương lần thứ IV đã được tổ chức tưng bừng cùng với hội vật, hội thi pháo đất. Sau hội thi, các sản vật truyền thống đã được thành kính dâng trời đất, tổ tiên.
Hòa cùng không khí ngày Giỗ Tổ, những ngày này, ở tỉnh ta lại từng bừng diễn ra các lễ hội, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao. Hai đội nghệ nhân gói bánh chưng phường Thanh Bình (TP Hải Dương) và đội giã bánh dày xã An Lạc (Chí Linh) cũng đã chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực đến với Đền Hùng để tham dự hội thi gói bánh chưng, giã bánh dày toàn quốc. Đó chính là tấm lòng thành kính của con cháu Hải Dương hướng về Đất Tổ.
NGỌC HÙNG