Việc smartphone nóng bất thường, tự cài ứng dụng lạ hoặc mức dùng dữ liệu cao vọt có thể là dấu hiệu cho thấy máy bị dính mã độc.
Smartphone đã trở thành thiết bị không thể thiếu với nhiều người, nhưng cũng là mục tiêu tấn công của hacker. Tương tự trên máy tính, kẻ xấu có thể sử dụng các cách thức khác nhau để lừa người dùng bấm vào liên kết chứa virus, tải mã độc hại hoặc thậm chí âm thầm lây nhiễm mã độc mà người dùng không hề hay biết. Bên cạnh đó, nhiều người dùng sẵn sàng cài ứng dụng bẻ khóa, không rõ nguồn gốc cũng có thể khiến thiết bị gặp sự cố.
Khi nhiễm mã độc, smartphone có nguy cơ bị đánh cắp thông tin cá nhân hay dữ liệu nhạy cảm, sau đó gửi về máy chủ từ xa. Người dùng vẫn có thể tự nhận biết điện thoại của mình có đang bị tấn công hay không thông qua một số dấu hiệu.
Mức sử dụng dữ liệu cao
Một số smartphone cho phép hiển thị lưu lượng mạng trên thanh trạng thái. Nếu không có, người dùng có thể kiểm tra dung lượng mạng đã sử dụng hàng tháng trong phần cài đặt.
Theo hãng bảo mật Norton, khi dữ liệu di động tăng cao hơn thông thường, thiết bị có thể đã bị tấn công và cài mã độc. Điều này là do phần mềm gián điệp hoặc phần mềm độc hại liên tục chạy trên điện thoại và gửi thông tin đến máy chủ từ xa, từ đó lưu lượng dữ liệu bị "ngốn" cao hơn mức bình thường.
Xuất hiện ứng dụng lạ trên màn hình
Nếu trên màn hình điện thoại bỗng xuất hiện ứng dụng lạ, đó có thể là dấu hiệu cho thấy thiết bị đã bị xâm nhập. Kẻ xấu có thể tự cài và gỡ ứng dụng phục vụ cho mục đích của riêng chúng, như quảng cáo, thu thập dữ liệu, phát tán mã độc tống tiền hoặc là một phần của mạng lưới botnet rộng lớn hơn.
Cửa sổ bật lên liên tục
Nếu thường xuyên gặp phải các cửa sổ bật lên trên điện thoại, khả năng rất cao smartphone đã bị cài mã độc. Thông thường, các cửa sổ này hiển thị quảng cáo trái phép, chứa liên kết độc hại đánh lừa người dùng nhấp vào.
Cuộc gọi và tin nhắn lạ
Nếu trong lịch sử cuộc gọi, tin nhắn xuất hiện số liên lạc chưa có trong danh bạ hoặc người dùng chưa bao giờ thực hiện, smartphone có thể đã bị hack. Những cuộc gọi này có thể là hành vi nghe lén, nhưng cũng khiến người dùng mất tiền cước điện thoại.
Nóng, đơ máy
Thông thường, phần mềm gián điệp ghi lại hành vi của người dùng và gửi đến máy chủ nên chiếm rất nhiều tài nguyên smartphone. Không chỉ khiến thiết bị nóng bất thường ngay cả khi không dùng, chúng còn làm cho máy chạy chậm đi, thậm chí gây ra tình trạng treo máy.
Pin tụt nhanh
Mã độc thường sử dụng nhiều tài nguyên để thu thập dữ liệu, ghi lại các thao tác của người dùng bất kể lúc nào, dẫn đến tình trạng nhanh hết pin so với thông thường.
Âm thanh lạ
Khi thực hiện cuộc gọi, nếu nghe thấy tiếng bíp hoặc âm thanh bất thường trong lúc đàm thoại, có thể là dấu hiệu phần mềm nghe lén đang hoạt động. Do đó, cách tốt nhất là không nên tiếp tục cuộc gọi này.
Ngoài ra, âm thanh lạ cũng có thể xuất hiện bất thường dù máy không bật màn hình hay người dùng chạm tay vào. Theo chuyên gia bảo mật, micro có thể đã bị kích hoạt âm thầm.
Cách khắc phục
Để tránh bị cài phần mềm theo dõi, người dùng nên hạn chế ứng dụng không rõ nguồn gốc, chương trình bên ngoài Google Play hay App Store. Hãy truy cập danh sách thiết bị và gỡ những phần mềm đáng ngờ, không dùng đến.
Trong trường hợp nghi ngờ, người dùng có thể cài phần mềm diệt virus. Tuy nhiên, nếu tình trạng vẫn không được cải thiện, nên khôi phục cài đặt gốc để đưa máy về trạng thái xuất xưởng. Dù vậy, một số chương trình gián điệp có thể được cài sẵn và cài sâu trong hệ điều hành của máy, chỉ khi đổi sang thiết bị khác an toàn hơn mới giúp người dùng thoát khỏi vấn đề nghe lén.
Khi phát hiện máy bị can thiệp, người dùng nên đăng xuất tất cả tài khoản, sau đó đổi mật khẩu và thiết lập các biện pháp bảo mật bổ sung.
Theo VnExpress