Những cựu thanh niên xung phong sau năm 1975: Nghèo khó, bệnh tật đeo bám

19/07/2020 09:41

So với các cựu thanh niên xung phong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cựu thanh niên xung phong sau năm 1975 còn nhiều thiệt thòi.


Đoàn Thanh niên phường An Lưu (Kinh Môn) thăm, tặng quà cựu thanh niên xung phong Nguyên Thanh An 

Cuộc sống khó khăn

Theo cán bộ Hội Cựu thanh niên xung phong (TNXP) phường An Lưu (Kinh Môn) về thăm bà Nguyễn Thanh An ở khu dân cư Lưu Hạ, chúng tôi không khỏi chạnh lòng khi thấy hoàn cảnh của bà. Cô gái TNXP ngày nào còn trẻ trung, hừng hực khí thế lên đường phục vụ Tổ quốc nhưng nay phải sống một mình cô quạnh, bệnh tật đeo bám.

Năm 1978, bà An cùng hàng chục thanh niên địa phương vào Tây Nguyên làm nhiệm vụ khắc phục hậu quả chiến tranh. 4 năm sau, bà trở về quê hương. Do bị ảnh hưởng bởi những trận sốt rét rừng nên khi trở về bà An yếu hơn những người con gái khác, chân tay run rẩy, người gầy gò. Bởi thế nên không có người hỏi cưới, bà An đành ở một mình. Hôm nào khỏe, bà đi mò cua bắt tép, rau mắm qua ngày. Ngôi nhà bà ở chỉ rộng hơn chục mét vuông, mái ngói đã xiêu vẹo, ngày mưa dột khắp nơi. Trong nhà chỉ có một chiếc giường cũ ọp ẹp. Bà An bảo chưa được hỗ trợ chế độ gì sau khi làm nhiệm vụ về. "Tôi rất mong các cấp, các ngành quan tâm cho chúng tôi đỡ thiệt thòi", bà An nói.

Ông Phùng Văn Nhí, Chủ tịch Hội Cựu TNXP thị xã Kinh Môn cho biết địa phương còn 24 nữ cựu TNXP sau năm 1975 không chồng, không con, hoàn cảnh nhiều khó khăn. Người nào còn sức khỏe thì đi làm thuê khắp nơi, người nào yếu chỉ quanh quẩn ở nhà, kiếm bữa ăn còn khó khăn.

Ngày đó, bà Nguyễn Thị Hồng ở thôn Đoàn Phú, xã Thanh Tùng (Thanh Miện) cũng lên đường vào khu vực biên giới phía Tây Nam để khai hoang, mở đường, đào hào. Nhưng đến nay bà vẫn chưa được nhận chế độ gì. Cũng như bà An, bà Hồng ốm đau quanh năm. "Giờ đã ngoài 60 tuổi, cái quý nhất là sức khỏe. Tôi và nhiều đồng đội mong được cấp thẻ bảo hiểm y tế để đi khám bệnh, mua thuốc cho đỡ tốn kém", bà Hồng nói. Theo hướng dẫn của các cấp Hội Cựu TNXP, bà Hồng đã nhiều lần làm đơn đề nghị hỗ trợ nhưng chưa được. 

Chậm giải quyết chế độ

Theo Hội Cựu TNXP tỉnh, sau năm 1975 toàn tỉnh có hơn 6.000 đoàn viên thanh niên làm nhiệm vụ khắc phục hậu quả chiến tranh biên giới phía Tây Nam và phía Bắc. Nếu như lực lượng cựu TNXP thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Mỹ đã được hưởng chế độ trợ cấp một lần và hưởng bảo hiểm y tế thì các cựu TNXP sau năm 1975 vẫn chưa có. Ông Vũ Thanh Sa, Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh cho biết đến nay việc giải quyết chế độ cho TNXP sau năm 1975 ở tỉnh ta chậm nhất trong toàn quốc. Trong khi đó, nhiều người đã qua đời vì tuổi cao sức yếu, bệnh tật, còn phần lớn cũng ở tuổi xế chiều. 

Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg quy định về chế độ trợ cấp một lần, chế độ bảo hiểm y tế, mai táng phí đối với một số đối tượng trực tiếp tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, Lào sau ngày 30.4.1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc. Theo đó, những TNXP tập trung sau ngày 30.4.1975 tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế đã về gia đình, hiện không thuộc diện hưởng chế độ hưu trí, chế độ mất sức lao động hằng tháng thuộc diện được hỗ trợ theo Quyết định 62. Mức trợ cấp bằng 2,5 triệu đồng, nếu có từ đủ 2 năm trực tiếp tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế trở xuống; từ năm thứ ba trở đi cứ mỗi năm được cộng thêm 800.000 đồng. 

Sau khi có Quyết định 62, UBND tỉnh đã giao UBND cấp huyện tổ chức xét duyệt theo quy định; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp nhận hồ sơ do cấp huyện chuyển đến và gửi văn bản đến các sở, ngành để xác minh. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh sau khi nhận được văn bản của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thì cung cấp thông tin hoặc xác minh về địa bàn, thời gian xảy ra chiến sự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, đến nay việc này vẫn còn vướng mắc. Các cấp Hội Cựu TNXP đã nhiều lần gửi văn bản hướng dẫn cho hội viên kê khai lý lịch, thời gian đi làm nhiệm vụ kinh tế, quốc phòng ở khu vực biên giới Tây Nam và phía Bắc nhưng vẫn chưa bảo đảm yêu cầu của các cơ quan chức năng. Nhiều đơn vị TNXP chưa được công nhận phiên hiệu nên hội viên chưa đủ thủ tục cần thiết để được xét duyệt. Một số nơi cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm giải quyết chính sách cho cựu TNXP.

Ngày 13.7, tại lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống lực lượng TNXP Việt Nam và 15 năm thành lập Hội Cựu TNXP tỉnh, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy Triệu Thế Hùng đã giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Tỉnh đoàn, Hội Cựu TNXP tỉnh phối hợp, sớm tham mưu cho tỉnh giải quyết những tồn đọng trong chính sách đối với cựu TNXP. Các sở, ngành chuyên môn, các cấp hội, Đoàn Thanh niên cần có một mẫu kê khai chuẩn để hội viên làm hồ sơ chính xác.  

MINH HUYỀN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những cựu thanh niên xung phong sau năm 1975: Nghèo khó, bệnh tật đeo bám