Năm 2019, Việt Nam đã đón nguyên thủ, lãnh đạo các nước như Mỹ, Triều Tiên, Brunei, Italia, Hà Lan, Australia, Lào, Campuchia… đến thăm.
1. Năm 2019 mở đầu bằng chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un dự Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 diễn ra trong 2 ngày 27-28.2.2019. Ảnh: Lãnh đạo Mỹ-Triều tại Hà Nội. Ảnh: AFP
Việc Việt Nam đứng ra tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 cho thấy sự tin tưởng của lãnh đạo Mỹ-Triều và cộng đồng thế giới vào uy tín và vị thể chính trị của Việt Nam đủ sức đảm đương những sự kiện quan trọng mang tính lịch sử và được quan tâm nhất trong năm 2019. Ảnh: Lãnh đạo Mỹ-Triều bắt tay trước thềm Hội đàm. Ảnh: AP
2. Ngay sau Thượng đỉnh Mỹ-Triều, trong 2 ngày 1-2.3.2019, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Đây được coi là chuyến thăm lịch sử đánh dấu lần đầu tiên sau gần 55 năm một nhà lãnh đạo Triều Tiên thăm chính thức Việt Nam. Ảnh: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng Chủ tịch Triều Tiên duyệt đội danh dự.
Chuyến thăm Việt Nam lần này của Chủ tịch Kim Jong-un là dấu mốc mới, rất quan trọng trong lịch sử quan hệ giữa hai Đảng, hai nước, đồng thời là dịp tốt để lãnh đạo hai nước thông báo cho nhau về tình hình mỗi nước, trao đổi sâu về việc củng cố, phát triển quan hệ song phương cũng như về những vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm. Ảnh: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Triều Tiên nâng cốc chúc mừng quan hệ Việt-Triều.
3. Từ ngày 26-28.3.2019, Quốc vương Brunei Haji Hassanal Bolkiah thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Chuyến thăm nhằm thắt chặt quan hệ hữu nghị, hướng tới kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (1992 - 2022). Ảnh: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Quốc vương Brunei duyệt đội danh dự.
Chuyến thăm là dấu mốc quan trọng mới trong quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác gắn bó giữa hai nước. Hai bên kỳ vọng đưa quan hệ song phương lên một tầm cao mới và đã ra Tuyên bố chung về thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Brunei Darussalam. Ảnh: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp Quốc vương Brunei
4. Ngày 9.4.2019, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Đây là chuyến thăm Việt Nam lần thứ 2 của ông Mark Rutte sau chuyến thăm đầu tiên vào năm 2014, cho thấy Hà Lan rất coi trọng mối quan hệ với Việt Nam. Ảnh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte.
Chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Mark Rutte tuy chỉ kéo dài trong vỏn vẹn 12 tiếng nhưng có lịch trình dày đặc. Trong cuộc hội đàm, hai Thủ tướng đánh giá quan hệ hai nước còn rất nhiều tiềm năng để phát triển sâu rộng hơn nữa và khẳng định hai bên nhất trí nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hà Lan lên Đối tác toàn diện. Ảnh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte trao đổi Bản ghi nhớ giữa 2 nước.
5. Từ ngày 5-6.6.2019, Thủ tướng Cộng hòa Italia Giuseppe Conte tham dự “Đối thoại cấp cao về quan hệ kinh tế Italia –ASEAN lần thứ ba” và thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Thủ tướng Cộng hòa Italia Giuseppe Conte.
Chuyến thăm chính thức Việt Nam và tham dự “Đối thoại cấp cao về quan hệ kinh tế Italia –ASEAN lần thứ ba” của Thủ tướng Giuseppe Conte sẽ là cơ hội quan trọng để Italia thắt chặt quan hệ kinh tế - thương mại với các nước ASEAN; là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp Italia sẽ hiểu rõ hơn về lợi ích hợp tác đầu tư và thương mại với các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam. Ảnh: Hai Thủ tướng tiến hành hội đàm.
6. Từ 22-24.8.2019, Thủ tướng Australia Scott Morrison và Phu nhân đã thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Chuyến thăm diễn ra sau hơn một năm kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược hồi tháng 3.2018. Ảnh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Australia duyệt đội danh dự.
Chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Scott Morrison được kỳ vọng sẽ tạo ra động lực và nền tảng mới cho quan hệ giữa hai nước thúc đẩy giải quyết những vấn đề an ninh chiến lược khu vực và thế giới cùng quan tâm; trong đó có an ninh năng lượng, nguồn nước, biến đổi khí hậu, an ninh an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông. Ảnh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với Thủ tướng Australia trên đường sang Văn phòng Chính phủ để tiến hành hội đàm.
7. Từ ngày 26-28.8.2019 Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad thăm Việt Nam theo lời mời của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc. Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Thủ tướng Mahathir Mohamad kể từ khi ông nhậm chức vào tháng 5.2018. Ảnh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Malaysia duyệt đội danh dự
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai nước có nhiều tiến triển thuận lợi. Quan hệ chính trị ngày càng gần gũi, tin cậy. Hai bên duy trì trao đổi đoàn, triển khai các cơ chế hợp tác song phương hiệu quả. Hai nước phối hợp hiệu quả tại các diễn đàn khu vực, quốc tế, nhất là ASEAN và Liên Hợp Quốc. Ảnh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Malaysia bắt tay trước khi tiến hành hội đàm.
8. Từ ngày 1-3.10, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith và Phu nhân dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Lào thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Đây là chuyến thăm Việt Nam lần thứ ba và chuyến thăm chính thức Việt Nam lần thứ hai của ông Thongloun Sisoulith từ khi nhậm chức năm 2016. Ảnh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith trên đường sang Văn phòng Chính phủ để tiến hành hội đàm.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào đang phát triển mạnh mẽ. Hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường trao đổi các chuyến thăm giữa lãnh đạo cấp cao hai nước bằng nhiều hình thức linh hoạt, phong phú; phối hợp triển khai hiệu quả các thỏa thuận đã đạt được tại Kỳ họp lần thứ 39 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam – Lào (2.2017) và kết quả chuyến thăm hữu nghị chính thức Lào của các Lãnh đạo cấp cao Việt Nam. Ảnh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith bắt tay trước khi tiến hành hội đàm.
9. Trong hai ngày 4-5.10, Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Sen đã thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Campuchia Hun Sen duyệt đội danh dự.
Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Hun Sen diễn ra trong bối cảnh quan hệ đặc biệt giữa Việt Nam và Campuchia không ngừng được vun đắp, phát triển. Hai bên tái khẳng định quyết tâm phát triển quan hệ hai nước lên tầm cao mới trên cơ sở tin cậy chính trị, bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng và ủng hộ lẫn nhau. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Campuchia Hun Sen bắt tay trước khi tiến hành hội đàm.
10. Từ ngày 20-23.1.2019, Đoàn đại biểu cấp cao Thượng viện Australia do ông Scott Ryan, Chủ tịch Thượng viện dẫn đầu sang thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Ảnh: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Thượng viện Australia Scott Ryan bắt tay trước khi tiến hành hội đàm.
Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Chủ tịch Thượng viện Australia Scott Ryan diễn ra trong bối cảnh hai bên nhất trí đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Biên bản ghi nhớ về Hợp tác giữa hai Quốc hội cũng như Chương trình hành động giai đoạn 2016-2019. Ảnh: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Thượng viện Australia Scott Ryan tiến hành hội đàm.
11. Từ ngày 11-14.5.2019, Đoàn đại biểu cấp cao Hội đồng Quốc gia (Thượng viện) Vương quốc Bhutan do Chủ tịch Thượng viện Tashi Dorji dẫn đầu thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Ảnh: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Thượng viện Bhutan Tashi Dorji.
Chuyến thăm của Chủ tịch Thượng viện Tashi Dorji diễn ra trong bối cảnh hai nước mong muốn trong thời gian tới, Quốc hội, Nghị viện hai nước thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt giữa các Ủy ban chuyên môn nhằm chia sẻ thông tin, kinh nghiệm hoạt động nghị viện; đẩy mạnh phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn nghị viện quốc tế, nhất là tại Đại Hội đồng Liên Nghị viện Thế giới (IPU). Ảnh: Chủ tịch Thượng viện Bhutan Tashi Dorji tại cuộc hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
12. Từ ngày 4-8.3.2019, Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào do bà Pany Yathotou - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội – thăm chính thức Việt Nam. Ảnh: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bắt tay Chủ tịch Quốc hội Lào trước khi tiến hành hội đàm.
Chuyến thăm thể hiện tình cảm thân thiết của cá nhân Chủ tịch Quốc hội Lào đồng thời là minh chứng về sự tin cậy của Quốc hội Lào dành cho Quốc hội Việt Nam. Quốc hội Việt Nam nhận thức sâu sắc rằng việc không ngừng củng cố và phát triển quan hệ Việt Nam - Lào là một trong những nhiệm vụ chiến lược, có ý nghĩa sống còn đối với an ninh và phát triển của mỗi nước. Ảnh: Lãnh đạo Quốc hội Việt-Lào chụp ảnh chung sau khi hội đàm
13. Từ ngày 28-30.5, đoàn đại biểu cấp cao Vương quốc Capuchia do Chủ tịch Quốc hội Samdech Heng Samrin dẫn đầu thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Ảnh: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Samdech Heng Samrin.
Hai nhà lãnh đạo bày tỏ vui mừng về quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Quốc hội Việt Nam với Quốc hội Campuchia. Hai bên đã thực hiện tốt các nội dung trong Thỏa thuận hợp tác giữa hai Quốc hội tháng 7.2012, thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao Quốc hội và các cơ quan chuyên môn, nhóm nghị sỹ hữu nghị Quốc hội hai nước. Ảnh: Chủ tịch Quốc hội Samdech Heng Samrin tại cuộc hội đàm.
14. Từ ngày 13-15.11, Chủ tịch Hạ viện Cộng hòa Kazakhstan Nurlan Nigmatulin thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Ảnh: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Hạ viện Cộng hòa Kazakhstan Nurlan Nigmatulin.
Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Chủ tịch Hạ viện Nurlan Nigmatulin và Đoàn đại biểu cấp cao Hạ viện Kazakhstan là mốc quan trọng trong quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam - Kazakhstan. hai bên nhất trí sẽ nghiên cứu khả năng ký Thỏa thuận hợp tác giữa hai cơ quan lập pháp, phát huy cơ chế tham vấn, phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương như: Liên minh Nghị viện Thế giới, Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương, Hội nghị Chủ tịch Quốc hội các nước Á - Âu (MSEAP). Ảnh: Chủ tịch Hạ viện Kazakhstan Nigmatulin tại cuộc hội đàm.
Theo VOV.vn