Từ ngày 1/9/2023, tỉnh Quảng Ninh và Hải Dương thực hiện chuyển đổi địa giới hành chính ở các khu vực xâm canh, xâm cư.
Tuy đây là việc làm cần thiết để thuận tiện quản lý và phát triển kinh tế của các địa phương, song thực hiện chuyển đổi như thế nào cho hợp tình hợp lý vẫn còn là những câu chuyện dài.
Những ngày gần đây, cứ sau buổi đồng áng bà con xóm 7, thôn Trạm Lộ, xã Bạch Đằng, thị xã Kinh Môn, Hải Dương lại xôn xao câu chuyện sắp trở thành người Quảng Ninh ngay tại cánh đồng. Xóm 7 hay còn được gọi với cái tên xóm Trại Chẹm có 55 hộ gia đình. Từ 1/9/2023, cả xóm sẽ chuyển địa giới hành chính về tỉnh Quảng Ninh. Tuy vậy, một phần trong xóm sẽ chuyển về xã Nguyễn Huệ phần còn lại chuyển về xã Thuỷ An (cùng thuộc thị xã Đông Triều).
Cách biệt với xã Bạch Đằng (thị xã Kinh Môn) một con sông, trước đây, người dân Trại Chẹm có công việc lên xã đều phải qua đò. Khi biết tin cả xóm sẽ được chuyển hành chính không ai không vui mừng, mừng vì từ nay sẽ thoát cảnh ngăn sông cách đò. Thế nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang khi giờ đây Trại Chẹm chẳng còn là một mối, người sẽ sang Thuỷ An người phải về Nguyễn Huệ.
Xét về vị trí địa lý, về chỗ ở, ai ở chỗ nào vẫn ở nguyên chỗ ấy, dân Trại Chẹm vẫn là hàng xóm. Tuy nhiên, khi thủ tục hành chính khác nhau sẽ kéo theo thói quen sinh hoạt, nề nếp sản xuất thay đổi. Đây cũng là nỗi âu lo của bà con cả xóm, lo vì có thể sẽ không còn được sinh hoạt đoàn thể cùng một mối như trước.
Được bà con trong xóm tín nhiệm coi như trưởng xóm suốt 20 năm nay, bà Nguyễn Thị Tấm (62 tuổi) bồi hồi nhớ lại những năm tháng đã qua: “Bố mẹ tôi từ Bạch Đằng sang đây xâm canh từ năm nào thì tôi không nhớ, chỉ nhớ tôi đã sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này. Những năm tháng còn khó khăn, cuộc sống nhiều trắc trở, nhưng người dân Trại Chẹm vẫn tối lửa tắt đèn có nhau”.
Trước những năm 2000, ở Trại Chẹm chưa có điện, đường xá đi lại còn khó khăn. Mọi việc lớn nhỏ người dân nơi đây đều chung lưng góp sức.
Bà Nguyễn Thị Hường (một người dân Trại Chẹm) kể: “Xóm này tuy dân không đông nhưng sống rất đoàn kết và tình cảm. Đến nay, tuy chưa thể gọi là sướng nhưng cuộc sống đã dần ổn định, cả xóm chẳng còn ai nghèo. Giờ nghe tin phải chia làm đôi, mỗi nửa về một xã không ai là không buồn. Cũng chỉ mong có chuyển đi đâu thì cả xóm vẫn về một mối để chúng tôi được tiếp tục cũng nhau sinh sống, cùng nhau sản xuất, tối lửa tắt đèn vẫn có nhau”.
Ngậm ngùi nhìn con mương chạy dọc cánh đồng Trại Chẹm, bà Tấm lại kể: “Đường mương tưới tiêu này và trạm bơm đều do cả xóm góp sức, góp của làm nên. Cánh đồng này cũng chỉ có một con mương và trạm bơm duy nhất phục vụ canh tác sản xuất. Giờ cắt đôi xóm thì nửa phải về Nguyễn Huệ sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp tục canh tác nông nghiệp theo nề nếp cũ”.
Phần lớn nông dân Trại Chẹm vẫn giữ tập quán sản xuất của người Bạch Đằng (Kinh Môn), một năm 2 vụ lúa và xen canh thêm 1 vụ hành tỏi. Từ 1/9 phần Trại Chẹm nhập về Nguyễn Huệ sẽ bị ngăn cách với xã qua thôn Kênh Giang (nay thuộc phường Văn Đức, TP Chí Linh, Hải Dương) - thôn mà đa số người dân làm ngư nghiệp chứ không trồng trọt.
Vì là khu vực xâm canh, xâm cư nên người dân xóm Trại Chẹm rất ủng hộ và vui mừng trước việc 2 tỉnh Quảng Ninh và Hải Dương thực hiện đổi địa giới hành chính. Tuy vậy, niềm vui sẽ trọn vẹn hơn nếu cả xóm cùng được chuyển về một nơi để cuộc không bị xáo trộn, bà con yên tâm canh tác trên mảnh đất mình đã cả đời gắn bó.
Từ 1/9/2023, 94 hộ của thôn Sơn Lộc, xã An Sinh, thị xã Đông Triều sẽ được chuyển địa giới hành chính về phường Hoàng Tiến, TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Do chỉ chuyển một phần thôn nên không tránh khỏi người dân có tâm tư “người đi người ở lại”.
Ông Nguyễn Quốc Hưng là người Quảng Ninh sang đây khai hoang từ năm 1961 cho biết: “Người dân chúng tôi luôn và sẽ chấp hành mọi chính sách của nhà nước. Tuy vậy, mấy chục năm nay mọi thứ sinh hoạt, đóng góp đều về bên Quảng Ninh nay chuyển sang Hải Dương cũng không đành. Lại nói, giờ chuyển thì mọi giấy tờ cá nhân chúng tôi phải làm lại hết. Tất nhiên, bà con đều hoàn toàn nhất trí với chủ trương của tỉnh nhưng thực hiện thế nào, thủ tục hành chính ra sao cho thuận lợi nhất là với những người già cả như chúng tôi để ai cũng vui vẻ”.
Không quan ngại về chuyện giấy tờ như chồng, bà Mạc Thị Hường bùi ngùi nói: “Gần một đời người sinh sống ở đây, bà con lối xóm tối lửa tắt đèn đều có nhau. Giờ tuy nhà vẫn chỗ cũ nhưng hộ khẩu lại về tỉnh khác, biết rằng cuộc sống bây giờ đã khác xưa nhưng chúng tôi không khỏi thấy buồn”.
Không chỉ con người, ngôi nhà số 16 ở thôn Sơn Lộc của gia đình bà Nguyễn Thị Hồng từ ngày 1/9/2023 sẽ nằm trên địa giới của cả 2 tỉnh Quảng Ninh và Hải Dương. Hàng xóm vẫn nói đùa với bà, từ nay đêm bà Hồng ngủ ở Hải Dương tối lại được ăn cơm ở Quảng Ninh.
Khi được hỏi thăm bà Hồng chỉ lo lắng kể: “Tôi cũng muốn sắp xếp được thời gian để lên xã hỏi về số phận ngôi nhà của mình. Tôi có 2 người con, sau này chia đất cho chúng nó tôi không muốn mỗi đứa hộ khẩu ở 1 tỉnh”.
Chung hoàn cảnh với ngôi nhà của bà Hồng, 2 mảnh đất của gia đình chị Phạm Thị Dung sau ngày bàn giao địa giới hành chính mới sẽ có một mảnh thuộc địa giới của tỉnh Hải Dương dù chỉ cách nhau một con đường. Chủ nhân của 2 mảnh đất không khỏi hoang mang vì không biết từ nay mình sẽ thành người Hải Dương hay vẫn được là người Quảng Ninh.
Việc thay đổi địa giới hành chính, việc sát nhập vào rồi lại tách ra nhằm phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới. Tuy vậy, trong quá trình thực hiện lại có chẳng ít những câu chuyện dở khóc dở cười. Qua những câu chuyện như vậy mới thấy tình làng nghĩa xóm, truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, được kết tinh trong quá trình lao động, sinh hoạt vẫn tồn tại ở các vùng nông thôn, chẳng hề bị quá trình đô thị hoá ảnh hưởng.
Theo VOV