Những chính sách như quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN-Nhật Bản; Quy định mới về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức... sẽ có hiệu lực từ tháng 3.2023.
Ảnh minh họa. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
Những chính sách liên quan đến hoạt động kinh tế của cả nước như quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN-Nhật Bản; Quy định mới về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức; Hướng dẫn mới về quản lý tài chính đối với VCCI... sẽ có hiệu lực kể từ tháng 3.2023.
Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN-Nhật Bản
Ngày 23.12.2022, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư số 37/2022/TT-BCT quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN-Nhật Bản (AJCEP).
Thông tư quy định, hàng hóa được coi là có xuất xứ của một nước thành viên nếu hàng hóa đó: Có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại nước thành viên đó; đáp ứng các quy định trong trường hợp sử dụng nguyên liệu không có xuất xứ; được sản xuất toàn bộ tại nước thành viên đó chỉ từ nguyên liệu có xuất xứ của một hay nhiều nước thành viên.
Bên cạnh đó, Thông tư cũng nêu rõ quy định hàng hóa có xuất xứ thuần túy. Theo đó, hàng hóa được coi là có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại một nước thành viên trong các trường hợp sau:
1. Cây trồng và các sản phẩm từ cây trồng được trồng và thu hoạch, hái hoặc thu lượm tại nước thành viên đó. Cây trồng là tất cả các loại thực vật, bao gồm quả, hoa, rau, cây, rong biển, nấm và thực vật sống.
2. Động vật sống được sinh ra và nuôi dưỡng tại nước thành viên đó. Động vật sống theo quy định tại khoản này và khoản 3 Điều này là tất cả các loại động vật sống, bao gồm động vật có vú, chim, cá, động vật giáp xác, động vật thân mềm, loài bò sát, vi khuẩn và virus.
3. Các sản phẩm thu được từ động vật sống tại nước thành viên đó.
4. Sản phẩm thu được từ săn bắn, đánh bẫy, đánh bắt, thu lượm hoặc săn bắt tại nước thành viên đó.
5. Khoáng sản và các chất sản sinh tự nhiên khác chưa được liệt kê từ khoản 1 đến khoản 4 Điều này, được chiết xuất hoặc lấy ra từ đất, vùng biển, đáy biển hoặc dưới đáy biển của nước thành viên đó.
6. Sản phẩm đánh bắt từ vùng biển, đáy biển hoặc dưới đáy biển bên ngoài lãnh hải của nước thành viên đó, với điều kiện là nước thành viên đó có quyền khai thác vùng biển, đáy biển và dưới đáy biển đó theo pháp luật và quy định của nước thành viên đó và theo pháp luật quốc tế. Không một quy định nào trong Hiệp định này ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của các nước thành viên theo pháp luật quốc tế, kể cả theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển.
7. Hải sản và các sản phẩm từ biển khác đánh bắt bằng tàu của nước thành viên đó từ ngoài vùng biển của bất kỳ nước thành viên nào.
8. Sản phẩm được chế biến và/hoặc được sản xuất ngay trên tàu chế biến của nước thành viên đó chỉ từ các sản phẩm được quy định tại khoản 7.
9. Các vật phẩm được thu lượm ở nước thành viên đó nhưng không còn thực hiện được chức năng ban đầu hoặc không thể sửa chữa hay khôi phục được và chỉ có thể vứt bỏ, lấy làm phụ tùng hoặc làm nguyên liệu thô, hoặc sử dụng vào mục đích tái chế.
10. Phế thải và phế liệu thu được từ quá trình sản xuất hoặc gia công, bao gồm khai thác, sản xuất nông nghiệp, chế tạo, tinh chế, thiêu đốt và xử lý chất thải hoặc có nguồn gốc từ việc tiêu dùng tại nước thành viên đó và chỉ dùng để tiêu hủy hoặc tái chế nguyên liệu thô.
11. Hàng hóa thu được hoặc được sản xuất tại nước thành viên đó chỉ từ các sản phẩm được quy định từ khoản 1 đến khoản 10.
Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 1.3.2023.
Trình tự thay đổi địa điểm đặt trụ sở chi nhánh của tổ chức tín dụng phi ngân hàng
Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 27/2022/TT-NHNN ngày 31.12.2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về phân cấp giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực thành lập và hoạt động ngân hàng.
Thông tư 27/2022/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 53/2018/TT-NHNN ngày 31.12.2018 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về mạng lưới của tổ chức tín dụng phi ngân hàng.
Trụ sở Ngân hàng Nhà nước. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Trình tự thay đổi địa điểm đặt trụ sở chi nhánh của tổ chức tín dụng phi ngân hàng quy định tại Thông tư 53/2018/TT-NHNN được sửa đổi tại Thông tư 27/2022/TT-NHNN như sau:
Tổ chức tín dụng phi ngân hàng lập 1 bộ hồ sơ gửi Ngân hàng Nhà nước chi nhánh nơi đặt trụ sở chi nhánh. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ, trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh có văn bản yêu cầu tổ chức tín dụng phi ngân hàng bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.
Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ theo quy định, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh nơi đặt trụ sở chi nhánh có văn bản gửi tổ chức tín dụng phi ngân hàng chấp thuận hoặc không chấp thuận việc thay đổi địa điểm đặt trụ sở chi nhánh; trường hợp không chấp thuận, văn bản gửi tổ chức tín dụng phi ngân hàng phải nêu rõ lý do.
Trường hợp thay đổi địa chỉ đặt trụ sở chi nhánh do thay đổi địa giới hành chính (không thay đổi địa điểm đặt trụ sở chi nhánh), tổ chức tín dụng phi ngân hàng có văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh xác nhận thay đổi địa chỉ đặt trụ sở chi nhánh. Văn bản đề nghị của tổ chức tín dụng phi ngân hàng phải gửi kèm các tài liệu chứng minh về việc thay đổi địa chỉ nêu trên.
Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của tổ chức tín dụng phi ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh nơi đặt trụ sở chi nhánh có văn bản gửi tổ chức tín dụng phi ngân hàng xác nhận việc thay đổi địa chỉ đặt trụ sở chi nhánh.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ 1.3.2023.
Quy định mới về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức
Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 04/2023/TT-BTC ngày 19.1.2023 hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội, có hiệu lực thi hành từ ngày 19.3.2023.
Thông tư 04/2023/TT-BTC quy định rõ về tiếp nhận tiền công đức, tài trợ. Theo đó, mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để phản ánh việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội theo hình thức chuyển khoản, phương thức thanh toán điện tử.
Đối với quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích đồng thời là cơ sở tôn giáo: Người đại diện cơ sở tôn giáo tự quyết định và chịu trách nhiệm về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động lễ hội, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, pháp luật về di sản văn hóa và pháp luật khác có liên quan.
Quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích đồng thời là cơ sở tín ngưỡng: Người đại diện cơ sở tín ngưỡng tự quyết định và chịu trách nhiệm về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động lễ hội, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, pháp luật về di sản văn hóa và pháp luật khác có liên quan.
Quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích thuộc sở hữu tư nhân: Chủ sở hữu di tích tự quyết định và chịu trách nhiệm về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động lễ hội, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, pháp luật về di sản văn hóa và pháp luật khác có liên quan.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 19.3.2023.
Phí thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường từ 6-61 triệu đồng
Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 07/2023/TT-BTC ngày 2.2.2023 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường do cơ quan trung ương thực hiện thẩm định.
Người nộp phí là các tổ chức, cá nhân đề nghị cơ quan có thẩm quyền ở trung ương thực hiện thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường.
Con đường rợp cây xanh ở Đồng Nai. (Ảnh minh họa: Hồng Đạt/TTXVN)
Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc cơ quan nhà nước được Bộ Tài nguyên và Môi trường giao thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường tổ chức thu phí thẩm định theo quy định tại Thông tư này.
Tổ chức thu phí phải nộp 100% tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước. Nguồn chi phí trang trải cho hoạt động thẩm định, thu phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu phí theo chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.
Trường hợp tổ chức thu phí là cơ quan nhà nước được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí thì được trích để lại 70% tổng số tiền phí thu được để chi cho hoạt động thẩm định, thu phí và nộp 30% tổng số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20.3.2023.
Hướng dẫn mới về quản lý tài chính đối với VCCI
Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 10/2023/TT-BTC ngày 8.2.2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 133/2015/TT-BTC hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính đối với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Thông tư số 10/2023/TT-BTC sửa đổi, bổ sung quy định về "Thanh toán kinh phí ngân sách nhà nước" (Điều 20) như sau:
Việc thanh toán kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ đối với VCCI thực hiện theo hình thức rút dự toán, Kho bạc Nhà nước kiểm soát chi. Mã đơn vị quan hệ ngân sách cấp cho các chi nhánh, văn phòng đại diện, các đơn vị trực thuộc VCCI và Ủy ban chuyên trách quan hệ với Đài Loan (UBĐL) theo quy định tại Thông tư số 185/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn đăng ký, cấp và sử dụng mã số đơn vị có quan hệ với ngân sách.
Cơ quan VCCI tại Hà Nội, các chi nhánh, văn phòng đại diện, các đơn vị trực thuộc VCCI và UBĐL thực hiện thủ tục mở tài khoản, đăng ký mẫu dấu chữ ký tại Kho bạc Nhà nước theo quy định tại Nghị định số 11/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước và Thông tư số 18/2020/TT-BTC.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 27.3.2023.
Theo TTXVN