Môi trường

Những "Cánh đồng không rác thải" ở Kim Thành

VY HIỀN 13/06/2024 15:00

Mô hình “Cánh đồng không rác thải” trên địa bàn huyện Kim Thành (Hải Dương) đã giúp nâng cao ý thức của người dân trong bảo vệ môi trường ruộng đồng.

z5524580706318_71a7e8300c0e800a2213ad5cbbb5e6c2(1).jpg
Việc thu gom chai lọ, vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật vào các bể chứa đã trở thành thói quen của nhiều nông dân ở xã Đồng Cẩm (Kim Thành)

Sạch đồng, sạch ruộng

Rác thải nilon, bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật… tất cả đều được thu gom thay vì vứt bừa bãi ở kênh mương, đầu ruộng. Đây là hình ảnh dễ thấy ở nhiều cánh đồng xã Đồng Cẩm. Trước đây, một số cánh đồng ở xã này tràn ngập bao bì thuốc bảo vệ thực vật thì nay như được hồi sinh nhờ mô hình "Cánh đồng không rác thải".

Xã Đồng Cẩm là một trong những vùng trồng rau màu lớn của huyện Kim Thành. Mỗi mùa vụ, lượng chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật thải ra ngoài môi trường rất lớn. Không có nơi thu gom, tập kết rác thải nên nông dân thường vứt rác bừa bãi trên cánh đồng. Hằng tháng, những thành viên trong đội thu gom rác thải của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp phải đi từng bờ ruộng, lặn lội ở từng con mương để thu gom nhưng cũng chỉ thu gom được một phần. Tháng 9/2023, mô hình "Cánh đồng không rác thải" được xây dựng ở 2 thôn Quảng Bình và Minh Tiến với 33 bể thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Trong năm nay, địa phương phấn đấu xây dựng mô hình "Cánh đồng không rác thải" ở 4 thôn còn lại.

Dọc các tuyến đường bê tông nội đồng ở xã Kim Tân cũng không còn tình trạng bao bì, vỏ chai lọ thuốc bảo vệ thực vật vứt bừa bãi như trước. Ông Đồng Văn Thao, Chủ tịch Hội Nông dân xã Kim Tân cho biết, mô hình "Cánh đồng không rác thải" được xây dựng ở 3 trong tổng số 4 thôn với gần ¾ diện tích đất nông nghiệp của xã. Ngoài đi thu gom các loại rác theo định kỳ, các thành viên còn tuyên truyền, vận động người dân trong xã thu gom vỏ chai, bao bì bỏ đúng nơi quy định; khảo sát các tuyến đường nội đồng để đặt thùng chứa vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật phù hợp. Đến nay, xã đã lắp đặt 26 thùng chứa rác ở những vị trí thuận lợi để người dân sau khi phun thuốc bảo vệ thực vật tự bỏ rác vào thùng. “Từ sau khi mô hình được xây dựng, nông dân có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường. Kênh mương, ruộng đồng cũng gần như không còn chai lọ, vỏ thuốc trừ sâu, rác thải nilon các loại. Khi các cống bê tông đầy sẽ được vận chuyển ra bãi rác để xử lý”.

z5524581716289_5216e74a0fe5bc2e997a5baa86eb6f76-4914ffc7ae356f025f35f19314c155f8(1).jpg
Kênh mương, ruộng đồng không còn rác thải nilon, vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật tràn lan như trước

Mô hình “Cánh đồng không rác thải nilon, bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật”, được Hội Nông dân huyện Kim Thành thí điểm thực hiện từ năm 2022 tại các xã Kim Xuyên và Bình Dân. Đây cũng là công việc đột phá của hội trong năm 2023. Đến nay, toàn huyện đã xây dựng được 15 mô hình tại 13 trong tổng số 18 xã, thị trấn của huyện. Nhờ những mô hình này, khoảng 80 – 90% rác thải nilon, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật tại các cánh đồng được thu gom giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Huyện phấn đấu đến năm 2025, 100% số xã đều xây dựng thành công mô hình “Cánh đồng không rác thải”. Kim Thành là một trong những địa phương đi đầu ở Hải Dương trong phong trào xây dựng mô hình "Cánh đồng không rác thải ".

Thay đổi nhận thức

Ngày càng nhiều những cánh đồng không rác thải được xây dựng ở Kim Thành. Điều này chứng tỏ nhận thức của người dân được nâng cao. Hơn nửa năm sau khi mô hình được xây dựng, bà Nguyễn Thị Luy ở thôn Minh Tiến, xã Đồng Cẩm đã quen việc bỏ chai lọ thuốc bảo vệ thực vật vào bể chứa. Bà Nguyễn Thị Luy chia sẻ: “Nhà tôi có 3 sào trồng màu nên mỗi vụ lượng bao bì thuốc bảo vệ thực vật tương đối nhiều. Khi chưa có bể thu gom rác, tôi thường bỏ vỏ thuốc vào túi nilon và để đầu ruộng. Nhưng từ khi có bể, chúng tôi đều vứt vỏ thuốc vào bể. Kênh mương, ruộng đồng sạch sẽ hơn trước nhiều”.

z5523962241436_94d68af470e2553527d773159781ada3(1).jpg
Mô hình "Cánh đồng không rác thải" ở xã Cổ Dũng được thực hiện ớ cả 3 thôn của xã

Xác định môi trường là một trong những tiêu chí quan trọng để nâng cao chất lượng cuộc sống nông thôn nên Hội Nông dân xã Cổ Dũng đã triển khai xây dựng mô hình “Cánh đồng không rác thải” ở cả 3 thôn với tổng diện tích hơn 90 ha. Chưa đầy 1 năm thực hiện, ý thức của người dân được nâng cao rõ rệt. Vỏ bao, vỏ chai thuốc được thu dọn, phân loại và đưa đến nơi xử lý tập trung.

Ông Nguyễn Khắc Điệu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cổ Dũng cho biết, khi mới triển khai mô hình, nhiều người dân chưa thực hiện đúng quy định, phun thuốc và phun xong thì vứt vỏ bao, chai lọ ngay dưới chân mình. Nhưng cán bộ hội, chi hội đã kiên trì vừa thực hiện mô hình, vừa vận động nông dân. Mưa dầm thấm lâu, các hộ bắt đầu thực hiện tốt việc thu gom rác thải. Hiện ở mỗi đầu khu ruộng đều đặt thùng chứa rác, người dân đã có ý thức bỏ vỏ bao bì vào thùng. Sau mỗi vụ, vỏ thuốc sẽ được thu gom và xử lý theo quy trình với rác thải độc hại.

Để nâng cao ý thức của người dân trong bảo vệ môi trường, ngoài tuyên truyền, tập huấn cho người dân thì cán bộ Hội Nông dân huyện và xã thường xuyên đi kiểm tra, giám sát các hành vi gây ô nhiễm môi trường của tập thể, cá nhân và đề nghị cơ quan chức năng xử lý nghiêm nếu phát hiện có vi phạm. Đồng thời, biểu dương những mô hình làm tốt, góp ý với những mô hình chưa hiệu quả.

Ông Phạm Văn Toán, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Kim Thành khẳng định: “Mô hình Cánh đồng không rác thải đã góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong bảo vệ môi trường, đồng thời hướng nông dân phát triển sản xuất gắn với bảo vệ môi trường bền vững, sản phẩm nông nghiệp bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm”.

VY HIỀN
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những "Cánh đồng không rác thải" ở Kim Thành
    ss