Nhà báo Nguyễn Viết Hiện vừa cho ra mắt bạn đọc tuyển tập thơ - tản văn
"Mùa đông cho em". Cuốn sách xinh xắn, nhẹ nhàng dễ đọc dễ nhớ.<br>
Tiếng thơ man mác ý tình Người tinh ý lướt qua các trang sách, nhìn tên bài thơ đã thấy ngay tác giả từng đi qua nhiều vùng quê đất nước: Từ xứ sở quan họ, về đất Cảng Hải Phòng; từ núi mây Yên Tử xuyên sang xứ Lạng, tới miền biên viễn Hà Giang; từ Sa Pa lùi về Mai Châu và dừng lại “một rừng sao chi chít sáng sông Đà”, để rồi vào tận sông Hậu phương Nam… Ở đâu Viết Hiện cũng tìm được nét độc đáo của đất và người miền quê ấy, nên cảnh, tình phong phú, đầy đặn ý thơ…
Thơ Viết Hiện nổi bật nhất là chất tình, man mác chất tình. Anh đã “Khắc họa Hải Phòng” bằng câu thơ nghe da diết “Hoa phượng cháy dọc hai bờ sông Cấm”, để khi chia xa thì đau đáu, bởi “Gậm nhấm nỗi buồn biết gửi vào đâu?".
Lên Mai Châu, ngày rời xóm núi "Nhớ nhung theo suốt đến bạc đầu”.
Còn đây là hình ảnh Hà Giang, mảnh đất địa đầu Tổ quốc, tình cảm được dồn nén: Ta yêu lắm sương rơi Quản Bạ/Gió gầm gào mây núi Yên Minh/Trời Lũng Cú mây mù mờ ảo/Thương em gái Mèo tỉa bắp dưới thung xanh.
Là nhà báo, thơ Viết Hiện ngắn mà đọng, mà da diết. Khi “Qua miền quan họ”, anh bồn chồn trước “Hoa sim tím, nắng tràn trên mái phố”, lên quê nàng Tô Thị thì: Bâng khuâng giữa đất trời/Tháng giêng nghe gió hát/Cánh hoa đào chơi vơi.
Đặc biệt là mùa đông… Anh có "Thơ mùa đông cho em”. Anh muốn giữ những kỷ niệm đẹp “cái thuở cấp ba trường huyện, sớm đi tới trường gió lùa môi em tím…”. Phải chăng anh sợ tan mất những kỷ niệm mùa đông của riêng mình? Cũng trong dòng suy tưởng miên man ấy, Viết Hiện đã một lần trải lòng về một thời sinh viên chuyên ngành ngôn ngữ cùng bạn "chụm mái đầu trên trang sách giữa đêm khuya”, đủ cả giận hờn, khắc khoải.
Những bức họa đồng quêNếu như phần thơ đưa ta qua bốn mùa trên các vùng miền đất nước, thì tản văn lại khá tập trung vào cuộc sống vùng đồng bằng Bắc Bộ. Ấy là những cảnh: Mùa thu, chiều cuối năm, mùa gặt, hoài niệm mùa đông, mùa phượng cháy, trẩy hội Đền Hùng... và chùm tản văn viết về hoa bưởi, hoa cải vàng... Đấy là vùng châu thổ sông Hồng, nơi anh sinh ra và lớn lên.
Có thể nói, viết về đời sống nông dân, văn Nguyễn Viết Hiện mới có đất gieo mầm. Những câu văn nhẹ nhõm, lay động, không lì mòn, dửng dưng sáo rỗng. Đặc biệt là những trang văn hoài niệm về tuổi thơ. Ở đây có nét nhấn nhá, điểm nút, không bị nhòe mờ trước độ dài của 12 tháng. Người ta nhớ một chiều tháng chạp, đây là nút kết của một năm tảo tần, tất bật mưu sinh của con người, nhưng lấp lóa hy vọng phía trước. Khúc giao mùa, ranh giới mùa xuân và mùa hạ. Viết Hiện đã khéo léo dùng phương pháp ẩn dụ, qua trang phục của những cô gái, bằng hình ảnh màu hoa gạo, tiếng chim hót, mùa trẩy hội… và qua những trang sách giáo khoa gọi mùa thi. Cách nói ấy là văn, là trang nhã, có thể coi là những bức họa đồng quê.
Với cách vừa tả vừa kể, xen kẽ với nhận xét… những con chữ dịu dàng, tinh tế, mịn màng như gam màu trong bức tranh lụa về làng quê: “Hoa cải không thơm ngào ngạt như loài hoa khác, nhưng cái mùi hăng hắc ngai ngái của loài hoa nơi đồng nội thì quyến rũ, riêng cái màu vàng thì quả là sự sáng tạo tuyệt đỉnh của thiên nhiên!”. Và anh nhận xét: "Hoa nở rộ cũng là dịp sắp tiễn biệt mùa đông!”. Lại có đêm không ngủ, nhìn hoa bưởi trong vườn: "Ô, dưới trăng thượng tuần chùm hoa bưởi trắng đục mờ ảo hiện ra… đong đưa trong gió xuân đem lại cảm giác thanh bình yên ả”. Từ đấy mà hồi ức về hoa bưởi tuổi hoa niên, ở làng quê An Cầu, Quỳnh Phụ (Thái Bình) có hình ảnh con chim sâu náo động trưa hè...
Là người miền Bắc, khi vào Nam Viết Hiện như ngỡ ngàng trước: "cái nắng hiền hòa đôn hậu, như bản tính con người đất phương Nam ".
Lên Sơn La, anh bỗng phát hiện ra: Hoa ban là "hoa ngọt", vừa là danh từ vừa là tính từ. “Lúc nở rộ, cây ban như chỉ có hoa mà không có lá”. Lại thêm một phát hiện: “Người ở đây coi hoa ban như tờ nông lịch. Họ phát nương khi hoa ban nở, và tra hạt lúc hoa tàn”. Đó là vật tượng trưng ý, tính, sức mạnh của người Tây Bắc.
Bài “Mùa thu trong mắt ai” tràn đầy mỹ cảm. Ngay cả trong đêm Trung thu, tác giả vẫn liên tưởng tới “Những đứa trẻ chân trần, tóc cháy nắng phải lang thang nơi gầm cầu, góc phố để kiếm sống… không dám nghĩ đến đêm Trung thu”. Những dòng văn khiến người đọc bỗng thấy mắt cay sè… Trong “Hoài niệm mùa đông”, ký ức tuổi thơ tác giả có củ khoai, bắp ngô, con cua cháy rụng càng, đã lay động không ít người và khiến mỗi người ngẫm lại tuổi thơ mình. Nó không có những động từ mạnh, ngoa ngữ, nó cứ đằm lại, ngân nga trong lòng người: “Đứng trên sân thượng nhìn về phía chân trời chiều đông bảng lảng, lòng tôi như thắt lại… muốn chạy ngay về làng để được tung tăng trên cánh đồng mùa đông năm nào”.
Tản văn Viết Hiện có cả riêng tư, nghĩa tình, đạo lý.
Tập “Mùa đông cho em” ra mắt bạn đọc khi tác giả vào tuổi gần sáu mươi. Có người bảo: thế là cây hoa muộn nhưng thực ra văn chương không có thời gian.
KHÚC HÀ LINH