Các dòng nhạc có phải là một khái niệm hơi buồn cười phải không? Theo lý thuyết, các dòng nhạc có định nghĩa giản đơn rất dễ hiểu, nhưng thực tế thì chúng có phần bị giới hạn.
Beyoncé đã bắt đầu một track nhạc trong album mới Cowboy Carter bằng lời tự thuật của Linda Martell, như trên.
Năm 1970, Linda Martell trở thành nữ nghệ sĩ da màu đầu tiên nếm trải chút thành công trong dòng nhạc đồng quê, dòng nhạc gắn liền với người da trắng.
Không bao lâu, mâu thuẫn với hãng đĩa ghi âm khiến bà rời khỏi làng nhạc, làm nhiều công việc mưu sinh, từ lái xe buýt đến hát đám cưới. Sau khi bà xuất hiện trên album của Beyoncé, người ta ghi nhận lượt stream nhạc Martell tăng lên tới 127.430%!
Hơn 50 năm sau Linda Martell, Beyoncé trở thành người phụ nữ da màu đầu tiên đạt vị trí số 1 tại bảng xếp hạng nhạc đồng quê của Billboard.
Cowboy Carter phát hành không lâu sau khi One Thing At A Time, album đồng quê của Morgan Wallen có tuần thứ 19 đứng đầu Billboard 200, trở thành album đạt thành tích cao nhất kể từ sau 21 của Adele vào năm 2011-2012.
One Thing At A Time là một album đồng quê không thể đồng quê hơn. Chủ nhân của nó là một người da trắng, đến từ Tennessee. Các ca khúc của anh là những câu chuyện về những con người thuộc tầng lớp lao động với chiếc gáy đỏ vì làm việc đồng áng và sinh ra với chai bia trên tay.
Khi đem ra so sánh cùng One Thing At A Time, Cowboy Carter là một thứ gì đó không vừa với bất cứ một định nghĩa nào về đồng quê.
Trước Cowboy Carter, tám năm trước trong album Lemonade, Beyoncé đã có một ca khúc mang hơi hướm đồng quê là Daddy Lessons.
Câu chuyện về những lời răn bảo của người cha dành cho cô con gái được Beyoncé thuật lại trong một không gian âm nhạc như trong một quán rượu nhỏ trên những nẻo đường xa xôi của nước Mỹ trong một đêm vui.
Giọng ca của cô như rượu rót tràn trề trên ly, như ngọn lửa nhảy múa trong lò sưởi.
Cowboy Carter lần này mới thực sự là một cuộc phi mã chu du trong những di sản nhạc đồng quê. Trên bìa album, Beyoncé cầm lá cờ Mỹ ngồi ngược trên lưng bạch mã, và sau âm nhạc cô hát cũng không phải một thứ nhạc đồng quê "xuôi tai" theo kiểu Morgan Wallen.
Show diễn của Beyoncé không chỉ có sự xuất hiện của những huyền thoại như Willie Nelson - giọng ca như được điêu khắc từ những miền quê nước Mỹ hay Dolly Parton - một trong những tên tuổi lớn nhất mà nhạc đồng quê từng sản sinh.
Bữa tiệc mở rộng ra cả những người trẻ tuổi, là Miley Cyrus - cô gái từ Tennessee - đến cả những người ít tên tuổi hơn. Và có lẽ cũng chỉ mình Beyoncé đủ khả năng mời những đại thụ như Stevie Wonder hay Paul McCartney chơi nhạc cho mình.
Không thể kể xiết những giây phút thăng hoa của Beyoncé trong Cowboy Carter, một album mà Stevie Wonder cũng nhìn thấy trước vị thế kinh điển của nó.
Đó là giây phút khi Beyoncé hát một đoạn opera falsetto từ thế kỷ 18 về nỗi cô đơn trong track nhạc Daughter về cảm thức thù hận và ăn năn.
Là giây phút khi cô mang giọng hát sánh như mật vào một track nhạc vui nhộn về đời sống đêm ở miền tây nước Mỹ trong Texas Hold'Em.
Là giây phút cô biến Jolene, bản nhạc kinh điển của Dolly Parton, từ lời nài nỉ của người vợ với tình nhân của chồng thành một lời cảnh cáo, đe dọa, dằn mặt đầy cao ngạo.
Là một người Texas, nhạc miền tây và nhạc đồng quê đã luôn sẵn có trong Beyoncé. Nhưng khi đã ở đỉnh cao quyền lực, cô mới có một album lấy thể loại này làm trọng tâm.
Cô đã phải chiến đấu để làm được điều đó, chống lại định kiến rằng cô "không đủ country", như tâm sự trong American Requiem.
Giờ sẽ chẳng còn ai ngăn cản được Beyoncé nữa. Cô phối lại Blackbird của The Beatles, ca khúc mà McCartney đã viết từ cảm hứng từ phong trào giải phóng người da màu, với những dòng: "Chú chim đen hát giữa đêm tàn, đem đôi cánh gãy học bay, suốt đời mình mi đã chỉ đợi giây phút này để vút cao".
Có lẽ cả đời mình Beyoncé đã đợi giây phút này.
TB (theo Tuổi trẻ)