Những bệnh nhân vô thừa nhận

06/10/2019 13:52

Nhiều năm nay, Bệnh viện Tâm thần Hải Dương đón nhận không ít người không rõ tên tuổi, quê quán cũng như người thân về điều trị.

Bệnh nhân vô thừa nhận luôn được đội ngũ y, bác sĩ trong bệnh viện quan tâm

Giúp họ vượt qua bệnh tật, khó khăn, thiếu thốn, các y, bác sĩ ở bệnh viện đã trở thành những người thân săn sóc cho họ hằng ngày. 

Bất hạnh

Tôi đến Bệnh viện Tâm thần Hải Dương vào một buổi chiều cuối tháng 9. Theo chân một bác sĩ Khoa 4 đến khu vực điều trị cho bệnh nhân nam.

Bệnh nhân ở đây có vẻ ít nói, không gào thét, điên loạn như tôi tưởng tượng trước khi gặp họ. Họ nhìn tôi với ánh mắt tò mò, ngây ngô. Sát phía góc tường có một bệnh nhân lầm lũi ngồi một mình.

Anh được gọi là bệnh nhân vô thừa nhận bởi chỉ có một thân một mình ở bệnh viện này, không người thân thích, không rõ địa chỉ, quê quán. Có thể vì ngại tiếp xúc với người lạ nên anh khá rụt rè trước lời hỏi thăm của tôi và chỉ đáp lại bằng những cái gật đầu hờ hững.

Nhờ kiên trì hỏi han nên khoảng cách giữa tôi và bệnh nhân được rút ngắn lại. Anh đã cởi mở hơn khi tôi hỏi về quê quán, người thân của anh. Bệnh nhân nói rằng rất nhớ nhà, nhớ quê. 

Tôi tò mò hỏi: 

- Nếu có người nhà tới đón thì anh có về không?

- Có. Các cô có thể dẫn tôi về nhà được không? 

Giọng buồn buồn anh nói không hiểu sao lại đi lang thang tới đây rồi muốn có một công việc để làm. Bác sĩ đứng ngay cạnh bên nói nhỏ với tôi: “Những lúc tỉnh táo anh ta vẫn thường nói vậy”. Câu chuyện không đầu không cuối này khiến tôi nghẹn ngào.

Đầu tháng 7 vừa qua, Công an phường Ngọc Châu (TP Hải Dương) đưa đến Bệnh viện Tâm thần Hải Dương một nam thanh niên gầy gò, gương mặt ngây ngô, trên người không mang theo bất cứ loại giấy tờ tùy thân nào.

Anh đi lang thang rồi vào nhà dân, thấy có dấu hiệu của người mắc bệnh tâm thần nên họ đưa đến cơ quan công an. Lúc mới nhập viện, hỏi tên tuổi, quê quán nhưng bệnh nhân chỉ lặp lại duy nhất một từ "yêu", không nhớ nổi nhà ở đâu, đường về ra sao? Bác sĩ chẩn đoán anh này bị rối loạn tâm thần nên đưa tới phòng cấp cứu.

Sau gần 1 tháng điều trị, khi sức khỏe, trí nhớ đã cải thiện hơn, bệnh nhân kể có quen một người tên Thắng và nhớ cả số điện thoại của anh này vì họ đã từng làm việc chung.

Liên hệ theo số điện thoại của anh Thắng thì được biết người thanh niên đó tên là Hà Văn Yêu (26tuổi), người dân tộc Mường, quê ở tỉnh Yên Bái. Hoàn cảnh gia đình anh Yêu đặc biệt khó khăn, bố già yếu, anh trai đi làm ăn xa, còn em trai đã bị bán sang Trung Quốc.

Bệnh viện đã tìm cách thông báo cho người nhà bệnh nhân nhưng bị gia đình từ chối đưa về chăm sóc.

Đây không phải là những bệnh nhân vô thừa nhận đầu tiên của Khoa 4, Bệnh viện Tâm thần Hải Dương. Từ đầu năm đến nay, khoa đã tiếp nhận tới 4 bệnh nhân có hoàn cảnh như vậy.

Khoảng 3-4 năm trước, có một bệnh nhân vô thừa nhận khá đặc biệt điều trị tại đây. Đó là một phụ nữ tóc tai bù xù, gương mặt thẫn thờ, không rõ tên tuổi, quê quán nên trong hồ sơ bệnh án được ghi là "vô danh". Bệnh nhân được một người đàn ông đưa đến cổng bệnh viện rồi bỏ đi. Khi vào đây, người phụ nữ này bị kích động, không hợp tác.

Điều trị được một thời gian, các bác sĩ mới có thể ngồi trò chuyện, khai thác thông tin. Tuy nhiên, lúc thì chị khai tên tuổi, quê quán thế này, lúc lại nói khác. Phải mất đến 2 năm, khi sức khỏe đã ổn định chị mới nhớ tên là Liên, quê ở Quảng Ninh. Sau đó, bệnh viện đã liên hệ cho chính quyền địa phương, gia đình bệnh nhân và cử người đưa bệnh nhân về nhà.

Vất vả chăm sóc

Điều trị cho người bệnh tâm thần vốn đã vất vả nhưng với bệnh nhân tâm thần vô thừa nhận lại càng khó khăn gấp nhiều lần. Bác sĩ Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Khoa 4 cho biết riêng bệnh nhân vô thừa nhận phải điều trị bằng phương pháp đặc biệt của chuyên ngành tâm thần.

Vì quá khứ của họ là một khoảng trống, lại không có người thân nên rất khó khai thác tiền sử bệnh. Đôi khi phải “giả vờ” thành người bệnh để cùng nói cười với họ.

Để chữa trị thuận tiện hơn, bệnh viện quyết định chuyển bệnh nhân vô thừa nhận ở cùng phòng với các bệnh nhân tâm thần khác. “Hễ ai đến thăm người thân của mình khi biết hoàn cảnh của những bệnh nhân này đều cảm thông, cho cả thức ăn, hoa quả. Đây là những việc làm giúp họ gợi nhớ ít nhiều hình ảnh về những người thân”, ông Sơn nói. 

Những bệnh nhân vô thừa nhận không có người nhà đến chăm sóc nên các điều dưỡng phải lo lắng từng bữa ăn, giấc ngủ đến vệ sinh cá nhân cho họ, thậm chí kiêm luôn cắt tóc, cắt móng tay, móng chân.

Vì những người tâm thần thường ngại tiếp xúc chỗ đông người, lười vệ sinh cá nhân nên có bệnh nhân phải nài nỉ mới chịu tắm rửa, thay quần áo.

Nhiều lần bệnh viện phải huy động tới 3 điều dưỡng mới đưa được một bệnh nhân đi tắm. Những ngày đầu, các điều dưỡng được phân công chăm sóc những bệnh nhân này rất ái ngại.

Bệnh nhân thường chống đối bằng nhiều cách như đập phá đồ đạc, la hét, thậm chí bỏ trốn. Thế nhưng một thời gian sau các điều dưỡng càng quan tâm, dành tình cảm đặc biệt cho họ và nhận ra rằng dù không nhớ gì nhưng trong sâu thẳm nhiều bệnh nhân vô thừa nhận vẫn có những cảm nhận mơ hồ về người thân, gia đình. 

Nỗ lực tìm lại người thân

Các bệnh nhân vô thừa nhận thường được các địa phương, công an đưa tới, đi lang thang đến viện hoặc bị gia đình bỏ rơi. Với phương châm “Cứu người trước, tìm người nhà sau”, khi bệnh nhân dần ổn định sức khỏe thì việc tìm người thân cho họ là nhiệm vụ quan trọng của cán bộ, nhân viên bệnh viện.

Bác sĩ Sơn cho biết thêm công việc này không đơn giản vì lúc mới vào viện họ đều mất khả năng nhận thức. Có người bệnh nói cả chục lần mà không lần nào trùng khớp hoặc chỉ cần đề cập tới người thân lại có hành động cào cấu, cắn xé. Năm 2017, có một phụ nữ đi lang thang tới viện nhưng bị câm và rối loạn tâm thần.

Sau hơn 1 tuần điều trị, các bác sĩ đăng tải thông tin bệnh nhân lên mạng xã hội Facebook và được người nhà ở huyện Kim Thành đến nhận. Song không phải ai cũng may mắn như vậy, có bệnh nhân chờ đợi người thân trong vô vọng và đau đớn hơn là dù tìm được người thân nhưng vẫn bị ruồng bỏ.

Anh Đỗ Trọng Mười, điều dưỡng Khoa 4 đã có 3 năm trực tiếp chăm sóc các bệnh nhân vô thừa nhận chia sẻ: "Ngoài lo cho sinh hoạt hằng ngày của những bệnh nhân này, chúng tôi còn phải dành thời gian tâm sự để lấy thông tin của họ.

Ban đầu chỉ là những câu hỏi bâng quơ tạo sự gần gũi, sau đó là những chuyện gợi lại trí nhớ của họ như về nơi họ sinh ra, những kỷ niệm mà họ đã trải qua, điều đó có thể đúng hoặc sai, miễn là họ còn muốn nhắc tới. Như vậy sẽ dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm thân nhân cho họ”.

Càng tìm hiểu thì càng thấy nội tâm những bệnh nhân vô thừa nhận phức tạp. Có những bệnh nhân dù đã nhớ ra nhưng không nói vì không muốn nhắc lại ký ức đau buồn trước kia. Các bác sĩ và điều dưỡng phải nắm bắt tâm lý bệnh nhân để tránh những kích động, gây tổn thương cho người bệnh. 

Ông Nguyễn Việt Hòa, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hải Dương cho biết: Ngoài nhờ các phương tiện thông tin đại chúng, bệnh viện cũng phối hợp với các cơ quan chức năng để tìm kiếm người thân cho những bệnh nhân vô thừa nhận, giúp họ sớm đoàn tụ với gia đình, vơi bớt những bất hạnh trong cuộc đời. Với những trường hợp này, bệnh viện phải đứng ra chi trả tất cả tiền ăn, giường bệnh, thuốc men...

Bệnh viện còn bố trí các khoa luân phiên thay nhau điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân. Từ năm 2018 đến nay, đơn vị đã tiếp nhận gần 10 bệnh nhân tâm thần vô thừa nhận ở cả trong và ngoài tỉnh. Những bệnh nhân như vậy không đến tập trung mà ở rải rác các thời điểm trong năm.

Có người ở đây 1 tuần, 1 tháng nhưng có những người tới vài năm. Hiện bệnh viện vẫn còn 1bệnh nhân vô thừa nhận đang điều trị. Những người bệnh khác sau điều trị ổn định, xác định rõ nhân thân đã được gia đình đón về hoặc chuyển lên Trung tâm Bảo trợ xã hội Hải Dương để chăm sóc. 

THẢO NGUYỄN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những bệnh nhân vô thừa nhận