Cụm công nghiệp Nhân Quyền (Bình Giang) không có chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật dẫn tới nhiều bất cập trong quá trình hoạt động, gây khó khăn trong công tác quản lý nhà nước.
Công ty TNHH Ilsung Việt Nam ở cụm công nghiệp Nhân Quyền được giao 2 ha đất, nhiều hơn so với quy hoạch (ảnh cộng tác viên cung cấp)
Do không có đơn vị đầu tư hạ tầng kỹ thuật và trực tiếp quản lý nên cụm công nghiệp (CCN) Nhân Quyền (Bình Giang) tồn tại nhiều bất cập.
CCN này nằm ở xã Nhân Quyền, được Chủ tịch UBND tỉnh quyết định thành lập từ năm 2016 với quy mô hơn 42 ha, đến đầu tháng 7 tỷ lệ lấp đầy đạt 85,65%. Hiện CCN có 5 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực cơ khí, may, sản xuất đèn LED, khung thép, xăng dầu.
CCN Nhân Quyền chia thành 2 khu A và B. Theo quy hoạch đã được phê duyệt, mỗi lô đất có diện tích từ 1-1,5 ha. Song thực tế nhiều doanh nghiệp lại được giao diện tích lớn hơn quy hoạch khiến quy hoạch cũ bị phá vỡ. Đơn cử như Công ty TNHH Koyo Machine Việt Nam được giao 2,4 ha, Công ty TNHH Ilsung Việt Nam được giao 2 ha. Việc giao đất cho các doanh nghiệp thuê không đúng quy hoạch đã ảnh hưởng đến việc bố trí giao thông trong cụm.
Khi Công ty TNHH Koyo Machine Việt Nam xây dựng tường bao trên diện tích đất đã thuê thì doanh nghiệp thuê đất phía trong là Công ty TNHH một thành viên Thương mại xuất nhập khẩu Tuyên Vinh không có đường đi để triển khai dự án. Ông Vũ Kim Tuyên, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thương mại xuất nhập khẩu Tuyên Vinh cho biết: "Việc hạ tầng CCN không được đầu tư đồng bộ rất khó khăn cho doanh nghiệp vào sau. Công ty chúng tôi không có đường để vào thực hiện dự án dẫn đến quá hạn".
CCN không có chủ đầu tư hạ tầng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đầu tư dự án vào CCN phải tự xây dựng hạ tầng. Đây vừa là áp lực với doanh nghiệp, vừa là lý do khiến hạ tầng CCN lộ cộ, thiếu tính kết nối. Khi nảy sinh những vấn đề phức tạp trong CCN cũng khó giải quyết.
Công ty TNHH một thành viên Young Hoa Vina đã gửi đơn kiến nghị đến UBND xã Nhân Quyền, UBND huyện Bình Giang về việc Công ty TNHH Ilsung Việt Nam thường xuyên xả thải gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của công nhân. Hai công ty này nằm cạnh nhau trong CCN Nhân Quyền. Theo phản ánh của công nhân, Công ty TNHH Ilsung Việt Nam chuyên sản xuất đèn LED, thường xuyên xả bụi sơn màu trắng có mùi hôi, khét. Khi cơ quan chuyên môn dùng thiết bị chuyên dùng để thu, phân tích mẫu khí thải thì các dây chuyền sản xuất có phát sinh khí thải (các buồng sơn tĩnh điện) của công ty lại đang ngừng hoạt động. Sau đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã thành lập đoàn kiểm tra, hiện chưa có kết quả chính thức. Tuy nhiên, Công ty TNHH Ilsung Việt Nam đã bị Trưởng Công an huyện Bình Giang ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính do không phân loại, không lưu giữ chất thải rắn và không thu gom, lưu giữ chất thải nguy hại theo quy định vào cuối tháng 6.2022.
Thực tế tại CCN Nhân Quyền cho thấy, thiếu chủ đầu tư hạ tầng dễ xảy ra tình trạng "cha chung không ai khóc" hoặc mạnh ai nấy làm. Dù đã đi vào hoạt động được 7 năm nhưng hệ thống đường giao thông, điện chiếu sáng công cộng, các công trình phục vụ chung cho hoạt động của toàn bộ CCN thiếu thốn, chắp vá. Vướng mắc lớn nhất hiện nay tại CCN này là chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung nên việc xả thải của doanh nghiệp không được kiểm soát chặt chẽ, có thể gây ô nhiễm môi trường bất cứ lúc nào. Theo lãnh đạo Phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Bình Giang, theo quy định, UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư dự án trong CCN, Sở Công thương là đơn vị quản lý các CCN trong khi CCN nằm trên địa bàn huyện. Do đó, khi CCN phát sinh vấn đề phải có sự phối hợp để xử lý. Việc tiếp cận, làm việc để kiểm tra, giám sát doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với các cơ quan chuyên môn cấp huyện còn khó khăn.
Theo Phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công thương), những bất cập khi chưa có chủ đầu tư không phải là câu chuyện của riêng CCN Nhân Quyền mà đó là khó khăn chung của 28 CCN chưa có chủ đầu tư trong toàn tỉnh. Nếu như CCN có chủ đầu tư, có đơn vị quản lý trực tiếp thì đơn vị đó có trách nhiệm đầu tư cơ sở hạ tầng, quản lý hoạt động chung của cụm, tổ chức hoạt động dịch vụ của cụm gồm điện, giao thông, cây xanh, vệ sinh... để phục vụ cho các doanh nghiệp hoạt động. Còn đối với CCN không có chủ đầu tư hạ tầng thì doanh nghiệp buộc phải tự thực hiện. Mặt khác, chủ đầu tư hạ tầng sẽ là đầu mối để giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp không phải kiến nghị nhiều cấp, nhiều ngành như hiện nay.
PV