Có những vụ bạo lực gia đình khiến gia đình tan nát, đau đớn hơn nhiều người vợ đã phải bỏ mạng vì thói vũ phu của người chồng...
Tập huấn về kỹ năng làm việc với các đối tượng có nguy cơ gây bạo lực gia đình cao cho cán bộ làm công tác gia đình
Tỉnh ta là địa phương đi tiên phong trong công tác phòng chống bạo lực gia đình. Tuy nhiên, trong thời gian qua, tình hình bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp, đòi hỏi phải có những giải pháp hữu hiệu hơn.
Nhiều vụ việc đau lòngTheo Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), thời gian qua, bạo lực gia đình (BLGĐ) vẫn luôn là vấn đề nổi cộm, với những diễn biến phức tạp. Các vụ BLGĐ thường bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân như: mâu thuẫn kinh tế, người chồng mắc vào tệ nạn rượu chè, cờ bạc, nghiện hút và các nguyên nhân khác như ngoại tình, ghen tuông, đôi khi nảy sinh từ những mâu thuẫn nhỏ nhặt, không đáng có trong cuộc sống…
Gia cảnh khó khăn nên chị Nguyễn Thị T. ở Chí Linh được anh em họ hàng tạo điều kiện cho vay tiền đi xuất khẩu lao động. Từ đó kinh tế gia đình chị dần khấm khá, trả được nợ nần, tích cóp được vốn liếng. Những tưởng sau khó khăn gian khổ, gia đình chị T. sẽ có cuộc sống hạnh phúc. Ai dè trong thời gian chị đi lao động, chồng chị ở nhà bồ bịch. Lúc về nước, nhìn cảnh chồng rơi vào vòng tay người đàn bà khác, chị đứt từng khúc ruột. Đã thế, chồng chị còn ngang nhiên công khai mối quan hệ ngoài luồng, hắt hủi, đánh đập chị thậm tệ. Thương con, chị cố nhẫn nhịn cho gia đình êm ấm nhưng thói vũ phu của chồng ngày một gia tăng. Cuối cùng bế tắc, chị đành ngậm ngùi viết đơn ly hôn.
Mặc dù đã có tuổi, ông H. ở Kinh Môn thường xuyên uống rượu. Mỗi lần say rượu, ông lại về nhà lải nhải chửi vợ. Người vợ nhẫn nhịn thì ông lại kiếm cớ đánh đập. Họ hàng nhiều lần khuyên giải, nhưng ông chỉ thay đổi được một thời gian ngắn sau lại đâu đóng đấy.
Theo thống kê của các địa phương, từ năm 2009 đến nay, trung bình mỗi năm tỉnh ta xảy ra gần 300 vụ BLGĐ. Riêng từ đầu năm đến nay đã xảy ra gần 100 vụ BLGĐ. Nạn nhân các vụ BLGĐ chủ yếu là phụ nữ, chiếm trên 80%. Dù ở bất kỳ hình thức nào, BLGĐ cũng gây nguy hại đến sức khỏe và tinh thần đối với người khác. Đặc biệt, nhiều vụ BLGĐ dẫn đến hậu quả chết người.
Ngày 29-3, do mâu thuẫn, Vũ Trung Hiếu là cán bộ thanh tra Kho bạc Nhà nước tỉnh đã đạp liên tiếp vào vợ là chị Vũ Thị Minh, cán bộ Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển chi nhánh Hải Dương tại nhà riêng ở phường Tứ Minh (TP Hải Dương). Khi thấy chị Minh ngất, Hiếu đã bế lên giường rồi gọi hàng xóm đưa vợ đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Đến 16 giờ 25 cùng ngày, chị Minh đã chết. Kết quả giám định của công an cho thấy chị Minh bị gãy 13 xương sườn, tim bị vỡ tâm thất phải, màng phổi bị rách... Giải thích về hành động bạo lực của mình tại cơ quan điều tra, Hiếu khai rằng vì đã cấm vợ mặc váy ngắn khi đi ra ngoài nhưng vợ không nghe, lại còn trêu đùa cợt nhả. Vì đang có men rượu trong người, Hiếu nổi cơn ghen, không kiềm chế được bản thân nên đánh vợ. Nỗi đau từ vụ án này chưa nguôi thì chưa đầy 2 tháng sau trên địa bàn TP Hải Dương lại diễn ra một vụ việc rúng động dư luận khác cũng liên quan đến BLGĐ. Khoảng 2 giờ ngày 25-5, tại xã Thượng Đạt (TP Hải Dương), Nguyễn Chí Tưởng đã sát hại dã man vợ là bà Đàm Thị Nhung. Nguyên nhân do sau khi kết hôn (tháng 12-2013), Tưởng và bà Nhung thường xuyên mâu thuẫn. Bà Nhung đã nhiều lần đánh và chửi mắng Tưởng. Ngày 24-5, Tưởng lại bị bà Nhung chửi và tát nên Tưởng nảy sinh ý định sát hại vợ. Đến khoảng 2 giờ ngày 25-5, lợi dụng lúc vợ ngủ say, Tưởng dùng dây cắm vào ổ điện nối với tuốc nơ vít rồi đâm vào ngực và đùi của nạn nhân cho đến chết. Đó là những lời cảnh tỉnh đau lòng về hậu quả của BLGĐ.
Cần giải pháp hữu hiệu hơnTỉnh ta luôn coi trọng thực hiện các giải pháp nhằm xóa bỏ BLGĐ. Ngay từ khi Luật Phòng chống BLGĐ có hiệu lực, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động cuộc thi tìm hiểu Luật Phòng chống BLGĐ, gặp gỡ, biểu dương các gia đình tiêu biểu, mở nhiều đợt tập huấn cho các cán bộ làm công tác gia đình từ tỉnh đến cơ sở. Từ năm 2011, tỉnh ta đã triển khai đường dây "nóng" tư vấn về phòng chống BLGĐ thường trực 24/24 giờ trong ngày. Mỗi năm, đường dây tiếp nhận trên 500 cuộc gọi yêu cầu tư vấn, trợ giúp. Hội Phụ nữ tỉnh xây dựng 186 “địa chỉ tin cậy” về phòng chống BLGĐ tại 12 huyện, thị xã, thành phố nhằm giúp các nạn nhân bị bạo hành tạm lánh, hạn chế những rủi ro về sức khỏe, tính mạng. Đặc biệt, sau mô hình can thiệp phòng chống BLGĐ điểm ở xã Kỳ Sơn (Tứ Kỳ) triển khai năm 2008, đến nay, toàn tỉnh đã nhân rộng được 205 mô hình “Phòng chống BLGĐ” và mô hình “Đề án tuyên truyền, giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình Việt Nam”. Các mô hình này sinh hoạt mỗi tháng một lần, lồng ghép sinh hoạt văn hóa, văn nghệ với tuyên truyền chính sách về hôn nhân gia đình, Luật Phòng chống BLGĐ, các kỹ năng ứng xử, giữ gìn hạnh phúc gia đình…
Bà Nguyễn Thị Phương, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Tuy đã triển khai nhiều giải pháp nhưng hiệu quả của các giải pháp này vẫn còn hạn chế. Hầu hết các cơ quan chức năng coi đây là việc riêng của mỗi gia đình chứ không phải của cộng đồng. Trong khi đó, kiến thức chuyên môn của cán bộ làm công tác gia đình hạn chế, còn chưa nhận diện được BLGĐ. Hoạt động của các mô hình câu lạc bộ hiệu quả chưa cao, phần lớn tập trung vào mảng văn hóa, văn nghệ, coi nhẹ các kỹ năng ứng xử, đối phó với BLGĐ. Nổi cộm là nhận thức sai lệch của người dân trước BLGĐ. Tâm lý “xấu chàng, hổ ai”, “đóng cửa bảo nhau” dẫn đến người bị bạo hành có tư tưởng nhịn nhục, không muốn đứng lên tố cáo. Trên địa bàn tỉnh hiện có rất nhiều các địa chỉ tin cậy để giúp đỡ chị em bị bạo hành, song số lượng người tìm đến không nhiều. Tâm lý “đèn nhà ai nấy rạng” khiến người dân làm ngơ, im lặng khi chứng kiến các vụ BLGĐ trong cộng đồng. Một nguyên nhân sâu xa khác khiến BLGĐ trong tỉnh ta diễn biến phức tạp do tư tưởng bất bình đẳng giới, trọng nam khinh nữ còn nặng nề, thói gia trưởng có cơ hội nảy sinh. Đây cũng là nguyên nhân khiến tình trạng mất cân bằng giới tính ở tỉnh ta đứng hàng đầu cả nước.
Để giải quyết căn bản BLGĐ cần trách nhiệm và sự vào cuộc của toàn xã hội. Trong đó các cấp ủy đảng, chính quyền cần thay đổi nhận thức về công tác phòng chống BLGĐ, kiện toàn, bổ sung hoàn chỉnh bộ máy quản lý nhà nước về công tác này. Tổ chức tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức về gia đình, xây dựng gia đình, phòng chống BLGĐ. Tổ chức sàng lọc các đối tượng có nguy cơ gây BLGĐ cao trong cộng đồng để có biện pháp giáo dục, theo dõi, xử trí kịp thời. Nhân rộng các mô hình hiệu quả về phòng chống BLGĐ. Đặc biệt, mỗi người dân phải nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc phát hiện, ngăn ngừa, tố cáo các hành vi BLGĐ.
NGỌC HÙNG