Nhộn nhịp dịch vụ mùa vải

07/06/2018 22:26

Các dịch vụ phục vụ cho hoạt động thu hoạch vải đang khá tất bật, góp phần thúc đẩy quả vải tiêu thụ nhanh, thuận lợi.


Trung bình mỗi ngày cơ sở sản xuất đá của bà Hoàng Thị Nguyệt ở xóm 
10, thôn Lại Xá (xã Thanh Thủy)  sản xuất 700 cây nước đá.

Gia đình ông Nguyễn Văn Nhân ở xã Thanh Thủy chuyên thu mua vải vận chuyển vào TP Hồ Chí Minh tiêu thụ. Thời tiết mùa hè nóng bức nên để giữ được mẫu mã đẹp, ông phải sơ chế, đóng gói cẩn thận.  Vải sau khi thu mua sẽ được rửa qua bằng nước đá lạnh, sau đó đóng vào thùng xốp. Trong mỗi thùng xốp lại đặt 1 viên đá lạnh lớn.

Trước đây, để mua những vật liệu này, ông phải đặt ở TP Hải Dương hay Hà Nội mang về. Thời gian gần đây, một số cửa hàng, các cơ sở sản xuất trên địa bàn xã đã cung cấp những mặt hàng này nên ông không còn phải đi xa nữa. Chi phí, thời gian cũng giảm. 

Một trong những mặt hàng được người dân sử dụng nhiều trong mùa vải đó là túi nilon, thùng carton, thùng nhựa, mền ủ đá. Anh Tùng, chủ cửa hàng tạp hóa Tùng Ngọc, ở xã Thanh Thủy cho biết: "Một vụ vải, gia đình tôi bán khoảng 30 tấn túi nilon cho khách hàng và 4.000-5.000 thùng đựng vải các loại. Túi có nhiều loại, dùng để đóng đá, đóng vải, đều đựng được từ 5 kg/ túi trở lên. Những gia đình gửi biếu họ hàng thường chọn thùng carton, còn thương lái thường chọn các thùng nhựa để đựng được nhiều hơn. 1 thùng carton có giá 20.000 đồng, còn thùng nhựa 180.000 đồng/thùng".

Để mẫu mã quả vải bền đẹp, việc rửa qua nước đá rất quan trọng. Vì thế, nhu cầu sử dụng đá lạnh trên địa bàn huyện rất lớn. Mỗi ngày cơ sở của bà Hoàng Thị Nguyệt ở xóm 10, thôn Lại Xá (xã Thanh Thủy) sản xuất 700 cây đá, trung bình 45 kg/cây. Số đá này bà giao cho các cơ sở thu mua vải trong xã. "So với sản xuất đá cho ăn uống, sản xuất đá dùng sơ chế vải đơn giản hơn nhiều. Nguồn nước được lấy từ giếng khoan, sau đó đưa vào máy làm đá là xong. Mặc dù số lượng lớn như vậy nhưng vẫn không đủ cung cấp đâu", bà Nguyệt cho biết.

Khi chưa vào vụ vải, Công ty TNHH một thành viên Xốp Phúc Cường của bà Phạm Thị Mười ở xã Trường Thành chỉ sản xuất 1 ca, còn hiện nay công ty phải sản xuất 3 ca thì mới đủ hàng cung cấp cho khách. Cùng với đó, lượng công nhân làm việc trong công ty cũng tăng lên đáng kể. Bà Mười cho biết: "Cứ đến vụ vải là chúng tôi lại phải tuyển thêm công nhân lao động thì mới làm hết công việc, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Hiện nay, công ty của tôi đang có 40 lao động làm việc với mức thu nhập từ 4-5 triệu đồng/người/tháng".

Theo Phòng Kinh tế- Hạ tầng huyện Thanh Hà, trên địa bàn huyện có 5 cơ sở sản xuất nước đá, 1 công ty sản xuất thùng xốp, ngoài ra còn nhiều cửa hàng bán các loại thùng, túi nilon đựng vải, mền bông phủ đá, một số cửa hàng ăn uống phục vụ các hoạt động thu mua vải. Để không xuất hiện tình trạng tăng giá, huyện yêu cầu các cơ sở sản xuất cam kết bán hàng đúng giá quy định. Đối với những cơ sở có nhu cầu thuê mặt bằng hoặc các thủ tục liên quan phục vụ cho việc sản xuất, phòng sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để hoạt động. Huyện cũng yêu cầu các cơ sở ăn uống phải bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, tránh xảy ra ngộ độc.

Sự đa đạng, phong phú các loại hình dịch vụ sẽ góp phần tăng hiệu quả kinh tế của quả vải khi đưa ra thị trường tiêu thụ.

 THANH HÀ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhộn nhịp dịch vụ mùa vải