Đông đúc, vui vẻ - những hội làng đầu xuân ở các làng quê Hải Dương với sức hút truyền thống đang kéo du khách tìm về nguồn cội ngày càng nhiều hơn.
Lưu truyền văn hóa dân gian
Năm nay lễ khai hội đình làng Tân Cờ (thôn Tân Cờ, xã Cẩm Phúc, Cẩm Giàng) diễn ra vào thứ hai 19/2 (mùng 10 tháng giêng). Ông Lê Đức Cương (ở thôn Hoàng Hòa, xã Cẩm Điền) thu xếp công việc từ sớm để về quê dự hội. Ông Cương cho biết, chỉ trừ do đau ốm hoặc bận quá, còn lại năm nào ông cũng về quê Cẩm Phúc dự hội. “Đây là dịp tôi gặp gỡ, trò chuyện giao lưu với bạn bè, bà con lối xóm mà bình thường ít có cơ hội gặp. Về hội, tôi như được trở về với tuổi thơ khi được cùng mọi người hào hứng tham gia các trò chơi dân gian như đánh cờ, kéo co, bóng đá...”, ông Cương nói.
Hai ngày cuối tuần 17-18/2 (mùng 8-9 tháng giêng), bà Trương Thị Thúy (ở phường Tân Bình, TP Hải Dương) cũng đưa các cháu nội, ngoại về quê dự lễ hội truyền thống chùa Tùng Sơn (ở khu dân cư số 6, phường Phú Thứ, Kinh Môn). Trong hai ngày dự hội, các cháu bà Thúy được xem các tiết mục nghệ thuật truyền thống như hát chèo, cải lương, chầu văn... ; được xem lễ khai bút và ăn cơm chay tại chùa. “Những năm trước, lễ hội thường vào ngày các cháu phải đi học nên tôi không đưa về dự cùng được. Đây là lần đầu tiên các cháu được tham gia lễ hội truyền thống của quê hương nên cháu nào cũng vui vẻ, háo hức”, bà Thúy cho biết.
Chị Nguyễn Thị Hồng ở thôn Dưỡng Thái, xã Phúc Thành (Kim Thành) năm nay ngoài 40 tuổi và đã gần 30 lần dự lễ hội quần thể di tích đình – đền – chùa Dưỡng Thái. Chị Hồng cho biết, năm nào đến với hội làng chị cũng thấy rõ nét văn hóa truyền thống vẫn được nuôi dưỡng, gìn giữ qua những nghi lễ, trò chơi dân gian. "Hội làng cũng chính là dịp để gắn kết cộng đồng dân cư, làng xã, để mỗi người thêm gần nhau hơn, biết trân quý giá trị lịch sử, văn hóa", chị Hồng cho biết.
Gìn giữ
Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, mỗi năm Hải Dương có 818 lễ hội truyền thống ở tất cả 12 huyện, thị xã, thành phố. Các lễ hội có quy mô lớn nhỏ khác nhau nhưng phần lớn là hội làng và chủ yếu được tổ chức vào mùa xuân. Hội làng có hai phần lễ và hội, gắn liền với tín ngưỡng, cuộc sống lao động, đấu tranh chống giặc ngoại xâm và với thiên tai của con người, thường diễn ra ở đình, chùa, đền, miếu hoặc nơi linh thiêng thờ Phật, thờ những người có công với nước, những ông tổ nghề, những vị thành hoàng có công với làng. “Mỗi hội làng mang một ý nghĩa, một sắc thái riêng, nhưng tựu chung đều thể hiện niềm tin vào tâm linh, ngưỡng vọng, tưởng nhớ về tổ tiên, người có công với làng, với nước và mong muốn một năm mưa thuận gió hòa. Hội làng còn là dịp gắn kết tình cảm cộng đồng và trao truyền các giá trị vǎn hóa giữa các thế hệ”, ông Tăng Bá Hoành, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Hải Dương cho biết.
Tại các hội làng, bên cạnh phần lễ là phần hội với nhiều hoạt động đặc sắc như múa, hát giao duyên, diễn xướng sân khấu cổ truyền; các cuộc thi tài, đấu trí như bơi chải, đấu vật, đấu võ, thi nấu cơm, cờ tướng và các trò chơi như đánh đu, bịt mắt bắt vịt, bịt mắt bắt dê, đập niêu, kéo co… Trong đó, nhân dân vừa là người tổ chức, người chơi, người xem đồng thời là các nghệ sĩ tham gia trình diễn, sáng tác, thưởng thức và hưởng thụ. Tham gia các hội làng, người dân có dịp gặp gỡ, giao lưu, trò chuyện với nhau sau những ngày lao động vất vả. Do đó, hội làng có sức hấp dẫn với tất cả mọi người, từ người già tới trẻ nhỏ.
Những năm trước, tại các lễ hội truyền thống, dù lớn hay nhỏ cũng vẫn xảy ra những hiện tượng đáng buồn như: tổ chức rình rang, kéo dài; mê tín dị đoan, ăn mày, chen lấn; xô đẩy, rải tiền lẻ, đốt vàng mã tràn lan; cờ bạc, rượu chè; ăn mặc phản cảm…
Để “gạn đục, khơi trong”, ngoài việc thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương, các ngành chức năng và chính quyền địa phương đã chú trọng quản lý và tổ chức lễ hội. Các địa phương thực hiện nghiêm việc bảo đảm an ninh trật tự; xây dựng và tuyên truyền nhân dân thực hiện văn minh lễ hội... Do đó, những mặt trái tại các lễ hội truyền thống cũng như hội làng của Hải Dương dần bị đẩy lùi. “Ngoài yếu tố lịch sử, văn hóa, xã hội, ngày nay, hội làng còn là cơ hội để phát triển du lịch, kích cầu tiêu dùng. Do đó, các địa phương cần quan tâm hơn nữa đến việc quản lý, tổ chức lễ hội để sao cho hội làng vẫn thực sự là nhu cầu của đời sống tinh thần, văn hóa, tín ngưỡng phục vụ người dân địa phương”, ông Hoành nói.
HẠNH DUYÊN - HÀ VY