Ông Lê Xuân Thọ (96 tuổi), cán bộ tiền khởi nghĩa, nhà ở phố Tam Giang (TP Hải Dương) vẫn nhớ như in quãng đời hoạt động cách mạng đầy hiểm nguy nhưng tự hào của mình.
Cán bộ tiền khởi nghĩa Lê Xuân Thọ cùng vợ hồi tưởng lại thời khắc hào hùng ngày khởi nghĩa ở Bình Giang
Dấu ấn sâu đậm nhất đối với ông Thọ là sự kiện tham gia cướp chính quyền ở huyện Bình Giang vào tháng 8.1945.
Dấu ấn khó phai
Quê gốc tại làng vàng bạc Châu Khê, xã Thúc Kháng (Bình Giang), sinh ra ở Hà Nội, ông Thọ được ăn học và sớm có lý tưởng yêu nước. Năm 1944, ông xin vào làm công nhân một nhà máy sửa chữa ô tô ở Hà Nội. Trong quá trình làm việc, ông giác ngộ cách mạng và tham gia Việt Minh với nhiệm vụ giao thông liên lạc.
Ông Thọ kể: "Do tình hình chiến sự, tháng 3.1945 tôi cùng gia đình về tản cư tại thôn Châu Khê. Vì đã tham gia Việt Minh từ khi còn ở Hà Nội nên về quê tôi nhanh chóng bắt nhịp với phong trào cách mạng tại địa phương. Là một tri thức trẻ, tôi được giao làm giao thông liên lạc Việt Minh và lực lượng tự vệ của thôn".
Sau ngày Nhật đảo chính Pháp 9.3.1945, cơ sở quần chúng và tổ chức Việt Minh ở huyện Bình Giang phát triển nhanh chóng. Nhận chỉ thị của cấp trên, ông Thọ cùng các cán bộ Việt Minh tích cực vận động người dân đấu tranh, phá các kho thóc, chống thuế, chống thóc tạ của địch để cứu đói. Dưới sự lãnh đạo của Việt Minh, hàng nghìn người được huy động đi phá kho thóc của Nhật, lấy thóc ở nhà nhiều tên hào lý cứu đói cho dân. Đáp ứng đúng yêu cầu, nguyện vọng, nhân dân trong huyện càng hăng hái, tích cực tham gia cách mạng. Người dân nhiều nơi công khai mang cờ, khẩu hiệu, luyện tập quân sự.
Ông Thọ nhớ lại: "Càng gần ngày khởi nghĩa, không khí chuẩn bị giành chính quyền ở huyện Bình Giang càng khẩn trương. Tối 18.8.1945, tôi nhận được mật lệnh của tổ chức, sáng mai ta sẽ hành động. Các đoàn Việt Minh và tự vệ các xã trong huyện sẽ tập trung biểu dương lực lượng kéo vào huyện đường. Mặc dù đã tham gia làm liên lạc của Việt Minh, tiếp nhận và chuyển đi nhiều tin quan trọng song chưa bao giờ tôi thấy hồi hộp cộng với phấn chấn như lần này".
Như kế hoạch đã định, sáng hôm sau, ông Thọ dậy sớm chuẩn bị rồi ra chỗ tập kết. Đúng 9 giờ sáng 19.8.1945, huyện Bình Giang như vỡ òa bởi dòng người ùn ùn từ Phủ đi lên, từ Tân Hưng, Lý Đỏ kéo ra, từ Ngọc Cục, Trạch Xá kéo đến. Rồi không ai bảo ai, tất cả hướng theo lá cờ đỏ sao vàng phía trước rầm rập tiến bước. Đoàn của ông Thọ hòa vào dòng người đông đúc diễu qua phố rồi vào huyện. Vừa đi mọi người vừa giơ tay hô vang khẩu hiệu: "Việt Minh muôn năm", "Nhân dân ta vùng lên cướp lấy chính quyền", "Đả đảo bọn phát xít tay sai". Đoàn quân cách mạng đi đến đâu, nhân dân hùa theo đến đó tạo nên sức mạnh như vũ bão. Trong tay không có vũ khí song tinh thần sục sôi cao độ. Do có sự chuẩn bị chu đáo nên buổi biểu dương lực lượng diễn ra thuận lợi. Dưới lá cờ đỏ sao vàng vừa được kéo lên, đồng chí Vũ Duy Tiêu thay mặt Việt Minh huyện tuyên bố giành chính quyền cách mạng và giải thích trước đông đảo người dân các chính sách của Mặt trận Việt Minh. "Sau đó, chúng tôi cùng lực lượng tự vệ kéo vào huyện đường thu giữ giấy tờ sổ sách, giải thích chính sách khoan hồng của Việt Minh cho nha lại, lính cơ và tạo điều kiện cho họ đi theo cách mạng hoặc về với gia đình. Nhân dân náo nức trong niềm hân hoan vô bờ", ông Thọ kể.
Sau giành chính quyền, Ban Cán sự Việt Minh huyện Bình Giang đã họp cử ra Ủy ban Cách mạng lâm thời. Là người trẻ tuổi, ông Thọ được giao đảm nhiệm phụ trách công tác thanh niên của huyện. Nhận nhiệm vụ, nhiều ngày sau đó ông Thọ cùng anh em tỏa về các xã tuyên truyền sự kiện giành chính quyền thắng lợi ở Bình Giang và vận động nhân dân ủng hộ Việt Minh, ủng hộ cách mạng.
Một lòng theo cách mạng
Nỗ lực trong công tác, cuối năm 1946 ông Thọ vinh dự được kết nạp vào Đảng. Ông được giao đảm trách nhiều cương vị như tổ trưởng tuyên truyền, phái viên Huyện ủy Bình Giang, huyện ủy viên phụ trách dân vận.
Trong quá trình hoạt động cách mạng, ông Thọ từng bị bắt, tù đày. Năm 1949, theo sự điều động của cấp trên, ông về làm Bí thư Ban Cán sự hậu phương, Trưởng Tiểu ban đảng vụ TP Hải Phòng. Năm sau, quân Pháp tiến hành càn quét, tổ công tác của ông gồm 9 người bị địch vây hãm nửa tháng trong hang núi ở huyện Thủy Nguyên. Khi bị bắt, vừa lên khỏi hang, ông và các đồng đội bị chúng đánh chết đi sống lại song nhất quyết không khai báo. Trong ngục, ông vẫn tìm cách liên lạc với tổ chức, duy trì hoạt động và được cử làm Bí thư Chi bộ nhà tù Đoạn Xá (TP Hải Phòng). Sau cuộc tổ chức cho hơn 100 tù nhân vượt ngục, chúng liệt ông vào hàng cầm đầu, bị tra tấn dã man trong nhiều ngày. Có lúc chúng tưởng ông đã chết, đem bỏ ra sân đợi đi chôn. Hôm sau thấy ông còn sống, chúng đưa về nhà thương dưỡng bệnh rồi năm 1950 đày ra Côn Đảo. Ông bị nhốt ở xà lim chuồng cọp số 7 với nhiều chiến sĩ cộng sản. Nhưng xiềng xích của giặc không khuất phục được ý chí người cộng sản. Cái chết cận kề, trong ngục ông Thọ và các đồng chí vẫn tổ chức sinh hoạt Đảng, học văn hóa. Đến tháng 8.1954, ông được thả tự do theo hình thức trao đổi tù binh trong tình trạng sức khỏe kiệt quệ do tê phù và lao phổi. Với phẩm chất kiên trung, ra tù ông được phân công về nhận nhiệm vụ tại Khu ủy Tả ngạn rồi về tỉnh công tác trong ngành ngân hàng. Ông đảm nhiệm vị trí Trưởng chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hải Dương cho đến lúc nghỉ hưu.
NGỌC HÙNG