Tháng 8 heo may, trời chuyển mùa cũng là lúc trái thị chuyển màu. Ấy là mùa thị chín.
Ngày xưa, ở đầu làng tôi có cây thị cổ. Gọi là cổ vì lúc tôi sinh ra, gốc thị đã to đến vài cánh tay mới ôm xuể. Tôi nghe bà nội kể, ngày bà theo ông về làm dâu đã có cây thị to ở đầu làng. Tháng 8 heo may, trời chuyển mùa cũng là lúc trái thị chuyển màu. Ấy là mùa thị chín. Thời gian thấm thoát trôi đi, cứ mỗi độ thu về, sắc nắng ngả màu vàng cũng là lúc ký ức tuổi thơ ùa về theo mùa thị chín.
Cây thị cổ sừng sững ngay đầu làng. Cành lá sum suê. Không biết bao nhiêu thế hệ thanh thiếu niên, trẻ thơ, trong đó có cả tôi đã gắn bó tuổi thơ mình với cây thị cổ. Năm này qua năm khác, mùa này qua mùa khác, những đứa trẻ tha thẩn chơi dưới gốc thị rồi cứ thế lớn lên, chứng kiến từng mùa hoa thị nở, mùa thị chín. Từ những trái thị non lấp ló trong vòm lá, cho đến một ngày chợt sang thu, dưới ánh nắng vàng rực sắc thu xuyên qua tán thị, quả thị chuyển màu vàng, bước vào mùa thị chín với bao kỷ niệm êm đềm bên gia đình, bạn bè, làng xóm.
Nhớ những trưa hè, đám trẻ con chúng tôi trốn nhà đi nhảy dây, đánh khăng… đều ở dưới gốc thị đầu làng ấy. Rồi có hôm mưa bão về, cây thị xoè tán lá rộng lớn, đứng chắn gió. Bão tan, những cành thị già cỗi, sâu mọt bị gió đánh tơi tả, quả non, quả chín rụng đầy gốc. Các mẹ, các bà ra gốc thị nhặt cành, quét lá về phơi khô để đun. Nhặt những quả thị chín mang về để trong nhà cho thơm. Những quả xanh thì đám trẻ chúng tôi lấy chơi chắt, chơi chuyền. Ngày mùa, bố đi cày đồng xa, trưa nắng, về đến đầu làng ngả chiếc cày, ngồi nghỉ dưới gốc thị, chờ trâu tắm mát dưới sông rồi mới về nhà.
Thường thì cứ cuối hè, sau một trận mưa bão lớn là lúc chuyển mùa. Nắng thu nhuộm màu vàng rực rỡ, ấy cũng là mùa thị chín. Hương thị ngào ngạt toả đi khắp nơi. Mâm cỗ trông trăng được các cô, các mẹ bày ở sân kho, không thể thiếu những trái thị thơm. Vừa phá cỗ, trông trăng, đám trẻ còn được các cô, các mẹ dạy đan rọ thị bằng dây chuối khô. Đến lúc phá cỗ, chia phần, những quả thị được những đứa trẻ đựng trong rọ chuối mang về treo lên đầu giường. Hương thị thơm ngan ngát.
Tuổi thơ êm đềm, hạnh phúc của những đứa trẻ làng chúng tôi cứ thế lớn lên cùng bao mùa thị chín. Rồi chúng tôi đi học xa nhà. Ngày trở về, con đường làng đất đỏ đã được thay bằng đường trải nhựa, rộng hơn, bằng phẳng và không còn lầy lội khi mưa về. Thế nhưng, cây thị cổ đầu làng đã không còn. Mẹ bảo: Ngày họp dân lấy ý kiến làm đường, biết phải phá bỏ cây thị, cả làng tiếc lắm nhưng đành thuận theo để con đường mới được hoàn thành, có như vậy, việc đi lại của bà con mới đỡ vất vả hơn.
Giờ đây, mỗi mùa thị chín, dù cây thị của làng không còn nữa, nhưng chắc chắn trong ký ức của những đứa trẻ thời ấy như tôi vẫn còn in hình bóng cây thị cổ sần sùi bên cổng làng. Cũng như luôn nhớ về một thời xưa ấy với cuộc sống nơi miền quê bình yên, nơi tình làng nghĩa xóm tuy bình dị nhưng luôn chan hoà, yêu thương.
THU XUÂN