Nhớ lũy tre làng

30/05/2013 11:13

Năm 20 tuổi tôi vào quân ngũ, rồi thành sĩ quan và công tác xa quê. Hơn 10 năm đã trôi qua và cũng từ đó hằng năm tôi chỉ có thể về quê đôi ba lần hoặc tranh thủ ghé thăm nhân những chuyến công tác. Tâm trạng của người con xa quê hương, xa nơi có mẹ có cha, có họ hàng thân thuộc, xa nơi sinh ra và lớn lên, nơi gắn bó với bao kỷ niệm ngọt ngào của thuở thơ ấu, nơi có mối tình đầu ngượng ngùng không dám sẻ chia... mỗi lần về ấy lại xốn xang, bồi hồi khó tả. Mỗi lần về qua, nhiều cảm nhận vui nhưng cũng không thiếu những gì đó buồn buồn khó nói.

Vui vì quê mình đổi thay từ đường làng, ngõ xóm ra đến cánh đồng, vui vì cuộc sống của người dân quê tôi không còn cảnh lam lũ, bởi những mái nhà mái bằng đã mọc lên thay cho những gian nhà cấp 4 vẹo vọ xưa kia. Quê tôi không còn cảnh đèn dầu, chõng tre mà đêm đến điện sáng khắp nhà ra đường, lối ngõ, không còn thấy những điệu ru buồn thấu ruột gan trong những đêm trăng vắng lặng.

Vui nhiều lắm nhưng lòng cũng buồn nhiều lắm, nỗi buồn dễ hiểu bởi: không còn cảnh quê quen thuộc thủa thiếu thời, không còn những con đường đất với những chiều đi chân trần mát rượi đã đi vào tiềm thức. Giếng nước, ao làng dần dần biến mất, không gian vui chơi của con trẻ chẳng còn. Trong miên man buồn, tôi chợt nhớ đến những lũy tre xanh. Xưa tre được người dân trồng khắp nơi. Tre làm dậu, tre giữ bờ ao. Tre làm nhà, làm chuồng trại. Tre gần gũi với người dân trong từng vật dụng như quang gánh, rổ, rá, thúng, mủng. Tay tre mềm làm lạt, bẹ măng làm nón, lá tre và thân tre khô làm mồi đun... Trên chim hót, dưới lũ trẻ chơi đùa với những trò vui như chơi bi, chơi cù, chơi đáo, chơi khăng, còn là nơi hóng mát giữa những trưa hè oi ả, nơi ngồi đợi bà đi chợ về có bánh giò, bánh đúc. Hình ảnh lũy tre làng vào cả trong những giấc mơ tuổi thơ.

Nay buồn vì tre không còn nữa, khắp làng đi mãi cũng không tìm đâu thấy nữa những bóng tre xanh. Nhìn lũ trẻ quê không có chỗ chơi, suốt ngày dán mắt vào màn hình ti-vi, nhiều em mắt cận, tay yếu mềm mà thấy tội nghiệp.

Vẫn biết cuộc sống phải phát triển theo hướng hiện đại, nhưng không lẽ trong sự phát triển cứ phải mất đi những nét truyền thống. Lòng buồn, tôi tự nhiên thốt lên: Ôi! Nhớ lắm lũy tre làng.

Tản văn của Bùi Văn Mạnh

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhớ lũy tre làng