Chúng tôi thường gọi sân vận động TP Hải Dương là Bãi-nơi bọn trẻ con thành phố thỏa thích vui chơi và cũng là nơi diễn ra nhiều trận đấu thu hút rất đông khán giả.
Ngày ấy cách đây cũng trên dưới 30 năm, bọn trẻ con và cả đám thanh niên khu Tuy An, Tuy Hòa chúng tôi không ai gọi sân bóng đá của thị xã Hải Dương bấy giờ là sân vận động thành phố như ngày nay. Nó có tên khá đơn giản là Bãi.
Cứ mỗi buổi chiều, sau những giờ tan học bọn trẻ trong khu phố lại í ới rủ nhau vào Bãi. Vào Bãi có thể để đá bóng nhưng cũng có thể chỉ để chơi đuổi bắt, chui vào hầm dưới các khán đài trốn tìm, hoặc chỉ đơn giản là ra bãi cỏ nằm nói chuyện phiếm...
Đường vào Bãi cũng thật đặc biệt. Có rất nhiều cổng nhưng thường thì các bác bảo vệ chỉ mở cổng chính đối diện với Công an tỉnh Hải Dương và cũng chỉ mở vào cuối mỗi buổi chiều. Với bọn trẻ chúng tôi, muốn vào lúc nào cũng được và chẳng bao giờ đi cổng chính, đơn giản vì xung quanh Bãi có quá nhiều chỗ có thể trèo vào được từ các ngõ nhỏ ở hai con phố Tuy Hòa, Tuy An.
Nhớ hồi đó, Hải Dương cũng có đội bóng đá trẻ đá ở giải A2 (tương đương với giải hạng nhất quốc gia bây giờ). Chúng tôi thường xuyên vào Bãi xem các anh tập luyện. Sau này khi hết thời bao cấp, đội bóng giải thể.
Lại nhớ, hồi đó giải A1 toàn quốc (như giải V.League bây giờ) thỉnh thoảng có trận được tổ chức trên sân vận động thị xã. Ngày đó, Ban tổ chức chưa áp dụng thể thức sân nhà, sân khách như bây giờ nên hằng năm vẫn có các trận đấu của giải vô địch quốc gia được tổ chức tại đây. Mỗi khi có trận đấu, khán giả từ các huyện kéo lên xem đông nghịt dù không có đội nhà thi đấu. Thế mới biết người Hải Dương nói riêng, cũng như người Việt Nam nói chung hâm mộ bóng đá thật.
Những trận đấu như thế, các chú công an thường kiểm soát rất gắt các khu vực có thể trèo tường vào. Nhưng chúng tôi lại có cách khác. Thường thì trận đấu bắt đầu vào 15 giờ, nhưng 12 giờ, sau khi ăn cơm trưa xong, chúng tôi đã trèo vào Bãi, rồi chui vào hầm khán đài ngồi chờ đến gần giờ thi đấu mới chui ra xem.
Tôi gần như không bỏ lỡ trận đấu nào tổ chức ở Bãi. Nhất là những trận đấu của các đội thanh niên phường Trần Phú và đội Trường phổ thông cơ sở Võ Thị Sáu mỗi năm do Thị đoàn Hải Dương tổ chức. Ngày ấy, hầu hết bọn con trai các khu phố quanh Bãi đều mê và biết chơi bóng đá. Vì thời đấy, trẻ con học ít lắm, ngày chỉ một buổi, lại cũng không có nhiều trò chơi, giải trí như điện thoại, game hay internet... như bây giờ. Trẻ con trên phố sáng đi học, chiều về sau khi học bài xong thì có thể đi đá bóng đến xẩm tối khi bố mẹ cầm roi đi tìm về ăn cơm mới vội vàng chạy về nhà.
Bãi ngày thường được chia làm hai sân. Phần sân giáp với chùa Đông Thuần mặc định dành cho thanh thiếu niên các phố Tuy Hòa, Tuy An, Ngân Sơn, Bùi Thị Cúc đá. Còn bên giáp với Trường Võ Thị Sáu thì là khu vực sân của thanh niên các phố Phạm Ngũ Lão, Đồng Xuân, Hoàng Văn Thụ, Đội Cấn...
Có một chuyện cũng hết sức ấn tượng với tôi. Năm đó, hình như cũng dịp 30/10 - Ngày giải phóng thị xã Hải Dương, UBND thị xã tổ chức mít tinh trên Bãi. Học sinh chúng tôi được huy động đi xếp chữ trên khán đài. Trong phần lễ, Ban tổ chức dựng sẵn một khán đài rất to và cao. Thật bất ngờ, Bác Hồ với hình ảnh bình dị thường thấy mặc áo đại cán, mũ cát trắng xuất hiện trên khán đài, giơ tay vẫy chào nhân dân. Chúng tôi ai cũng vui mừng, cùng reo lên gọi to "Bác Hồ, Bác Hồ"! Tối hôm ấy, tôi hớn hở khoe với mẹ rằng hôm nay con được gặp Bác Hồ và Bác về thăm Hải Dương. Đến lúc nghe mẹ giải thích, Bác đã mất lâu rồi, đấy là nghệ sĩ người ta đóng, tôi mới ngớ ra. Về sau biết đấy là bác nghệ sĩ Tiến Hợi - người rất có duyên với các vai đóng Bác Hồ.
Có một lần, đang chơi ở phố chợt mọi người rủ nhau vào Bãi. Tôi vội chạy vào ngõ Văn Chỉ để trèo vào Bãi. Lần đầu tiên được nhìn tận mắt máy bay trực thăng đỗ giữa Bãi mà thấy thật sung sướng.
Thấm thoát đã mấy chục năm tôi rời xa phố Tuy Hòa. Bây giờ, hằng tuần vẫn vào Bãi đá bóng, tập chạy. Mặt sân đã được cải tạo bằng cỏ nhân tạo để cho thuê. Thấy so với ngày xưa Bãi giờ thật nhỏ bé. Chợt nghĩ, những năm gần đây bóng đá Việt Nam phát triển rất nhanh, đặc biệt có nhiều cầu thủ là người con xứ Đông đã trở thành cầu thủ xuất sắc, đóng góp cho nền bóng đá nước nhà như Tiến Linh, Hoàng Đức, Văn Thanh, Văn Toàn, Đức Chiến, Việt Hưng... nhưng vẫn cảm thấy thiếu thiếu cái gì đó. Mơ đến một ngày, Hải Dương sẽ có một sân vận động thật to, đẹp, đẳng cấp quốc tế. Và sẽ có một câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp để là nơi nuôi dưỡng ước mơ chơi bóng cho trẻ em cả tỉnh. Và mỗi buổi chiều cuối tuần có những ông bố, bà mẹ có thể dắt tay con trai đi xem đội bóng quê nhà thi đấu.
NGHIÊM XUÂN TUẤN