Nhìn lại một năm thắt chặt chi tiêu

02/01/2012 07:51

Nhìn lại gần một năm thực hiện, Chương trình hành động của UBND tỉnh đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.


Lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn luôn được ưu tiên đầu tư vốn từ ngân sách nhà nước.
Trong ảnh: Xây dựng trạm bơm Hiệp Lễ (Ninh Giang)

Những tháng đầu năm 2011 thị trường có nhiều biến động, chỉ số giá tiêu dùng liên tục tăng cao, lãi suất ngân hàng cao, hàng hóa của nhiều doanh nghiệp sản xuất bị tồn đọng. Ngày 24-2-2011, Chính phủ đã ra Nghị quyết số 11/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Nhằm hiện thực hóa Nghị quyết, UBND tỉnh đã có Chương trình hành động số 243A/CTr-UBND ngày 28-2-2011. Nhìn lại gần một năm thực hiện, Chương trình hành động của UBND tỉnh đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Ngay sau khi Nghị quyết 11 được triển khai, các tổ chức tín dụng trong tỉnh đã tập trung thực hiện tốt sự chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về quy định trần lãi suất huy động vốn, giảm dư nợ tín dụng, nhất là dư nợ tại lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng... Bà Nguyễn Thị Bài, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho biết: Để kiềm chế tăng trưởng tín dụng dưới 20%, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh yêu cầu các tổ chức tín dụng trên địa bàn nâng cao năng lực, thu hút tối đa mọi nguồn vốn nhàn rỗi trong các tổ chức, dân cư. Tiếp tục phát triển dịch vụ thẻ, thanh toán không dùng tiền mặt. Cùng với các giải pháp huy động vốn tại chỗ, các tổ chức tín dụng căn cứ kế  hoạch kinh doanh xây dựng từ đầu năm để điều chỉnh cơ cấu đầu tư phù hợp, chú ý tăng tỷ trọng dư nợ trực tiếp phục vụ sản xuất, kinh doanh, giảm dư nợ cho vay bất động sản, chứng khoán. Chú trọng cho vay các dự án có hiệu quả, có khả năng trả nợ cao. Nâng cao chất lượng thẩm định các dự án. Thực hiện cho vay ngoại tệ để các đơn vị  nhập khẩu nhập các mặt hàng thiết yếu, máy móc phục vụ sản xuất trong nước… Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã sớm chỉ đạo các tổ chức  tín dụng trên địa bàn thực hiện lộ trình giảm lãi suất cho vay để giảm bớt khó khăn về lãi suất cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Bố trí nguồn vốn để đáp ứng yêu cầu vay vốn đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, cho vay hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Sau gần 1 năm quyết liệt thực hiện các giải pháp, cơ cấu tín dụng đã tập trung ưu tiên phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh, phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa; dư nợ cho vay phi sản xuất, nhất là lĩnh vực bất động sản, chứng khoán đã giảm mạnh. Đến cuối năm 2011, tổng dư nợ cho vay toàn nền kinh tế đạt khoảng 28.150 tỷ đồng (tăng 15,6% so với cuối năm 2010), trong đó, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chiếm hơn 45% tổng dư nợ, cho vay phi sản xuất giảm xuống còn 10% so với 14,6% vào thời điểm tháng 2-2011. Đặc biệt, thực hiện chủ trương giảm lãi suất, từ tháng 8-2011, các tổ chức tín dụng đã đồng loạt giảm lãi suất cho vay, mức giảm trung bình từ 2 - 4%/năm so với đầu năm.

Cùng với chính sách tiền tệ, cắt giảm đầu tư công cũng đã đạt kết quả tích cực, góp phần tăng hiệu quả của đồng vốn. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, năm 2011, tổng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước năm 2011 được HĐND tỉnh thông qua, UBND tỉnh phê duyệt là 1.103 tỷ đồng. Phần lớn các dự án đã có kế hoạch đấu thầu, lựa chọn nhà thầu xây dựng và khởi công trước khi có Nghị quyết 11 của Chính phủ. Vì vậy, đối với các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và thuỷ lợi là các dự án được bố trí theo yêu cầu phòng, chống lụt, bão, khắc phục hậu quả thiên tai cấp bách và liên quan trực tiếp đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn được tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện theo kế hoạch vốn đã giao. Các dự án thuộc các lĩnh vực giao thông, giáo dục, y tế, thể thao, văn hoá... tỉnh có kế hoạch bố trí vốn, điều chỉnh tiến độ cho phù hợp với tính chất, tầm quan trọng của từng dự án. Đối với các dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách tỉnh, đã rà soát và thực hiện cắt giảm, điều chuyển hơn 17, 5 tỷ đồng cân đối ngân sách địa phương để thanh toán khối lượng đã hoàn thành cho một số dự  án thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và vệ sinh môi trường hoàn thành trong năm 2011 nhưng chưa bố trí đủ vốn. Giãn tiến độ 3 dự án là dự án Cầu Hàn, nhà làm việc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và dự án Khu hành chính tập trung của tỉnh. Trong đó, dự án Cầu Hàn giãn tiến độ nhưng không cắt giảm vốn, 2 dự án còn lại giãn tiến độ, đồng thời cắt giảm hơn 11 tỷ 400 triệu đồng. Cùng với việc đình, hoãn, giãn tiến độ một số dự án công trình chưa thực sự cần thiết, các sở, ban, ngành của tỉnh cũng nghiêm túc thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên, tạm dừng mua sắm các phương tiện, thiết bị để thực hiện các giải pháp của Chính phủ. Cụ thể, đối với các khoản chi mua ô-tô, thiết bị văn phòng ký hợp đồng sau ngày 24-2-2011, ngành tài chính, kho bạc đã thống nhất với các đơn vị tạm dừng giải ngân mua sắm. Giảm tối đa chi phí điện nước, điện thoại, văn phòng phẩm, xăng, dầu, hội thảo, hội nghị, sơ kết, tổng kết, đi công tác nước ngoài... Tính đến cuối năm 2011, toàn tỉnh đã tiết kiệm chi thường xuyên được gần 20 tỷ đồng. Trong đó, tiết kiệm chi cấp tỉnh hơn 7 tỷ đồng, cấp huyện hơn 7 tỷ đồng, còn lại ở cấp xã.

Có thể nói Nghị quyết 11 của Chính phủ cũng như Chương trình hành động của UBND tỉnh đã đi vào cuộc sống, được các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, cộng đồng các doanh nghiệp và người dân đón nhận. Đặc biệt, nhờ sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp, mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh đã thành công, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng chậm lại, kinh tế trong tỉnh tiếp tục ổn định và tăng trưởng, công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm đạt kết quả tích cực, người nghèo, gia đình chính sách, nông dân được quan tâm, hỗ trợ... Đây cũng chính là kết quả đồng thời cũng là tiền đề để tỉnh ta tiếp tục thực hiện tốt việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội trong năm 2012.

TRƯƠNG HÀ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhìn lại một năm thắt chặt chi tiêu