Nhiều yêu cầu mới đối với cán bộ

19/10/2017 11:50

<b>Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp phải chuẩn hoá về chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, tin học, ngoại ngữ tương ứng với tiêu chuẩn của từng chức danh.</b><br>


Đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy trình bày tờ trình của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng và năng lực lãnh đạo của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đến năm 2025 và những năm tiếp theo

Yêu cầu cụ thể về chuyên môn, ngoại ngữ, lý luận chính trị

Đây là  một trong những mục tiêu cụ thể được đặt ra trong dự thảo Nghị quyết của Ban Chấp hành đảng bộ tỉnh về nâng cao chất lượng và năng lực lãnh đạo của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đến năm 2025 và những năm tiếp theo. Tờ trình được đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy trình bày tại hội nghị lần thứ 10, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI.

Theo đó, tiêu chuẩn đối với một số chức danh được quy định cụ thể như sau:

Đối với cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý:có trình độ chuyên môn tốt nghiệp đại học chính quy, trường hợp nếu bậc đại học không được đào tạo chính quy thì sau đó phải được nâng cao trình độ ở bậc thạc sĩ trở lên; có trình độ lý luận chính trị cao cấp hoặc cử nhân. Đến năm 2020, cán bộ đương chức hoặc dự nguồn sinh từ năm 1980 trở lại đây phải có trình độ ngoại ngữ bậc 4 khung năng lực ngoại ngữ dùng cho Việt Nam.

Đối với đội ngũ cán bộ thuộc diện ban thường vụ cấp ủy cấp huyện và tương đương, lãnh đạo sở, ban, ngành và tương đương quản lý:Phải có trình độ chuyên môn tốt nghiệp đại học và trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên. Đến năm 2020, cán bộ đương chức hoặc dự nguồn sinh từ năm 1980 trở lại đây phải có trình độ ngoại ngữ bậc 3 khung năng lực ngoại ngữ dùng cho Việt Nam.

Đối với đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã (bí thư, phó bí thư; chủ tịch, phó chủ tịch HĐND; chủ tịch, phó chủ tịch UBND, ủy viên ban thường vụ): Đến nhiệm kỳ 2020-2025 và những nhiệm kỳ tiếp theo, 100% có trình độ chuyên môn tốt nghiệp đại học và trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên.

Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ

Dự thảo Nghị quyết cũng quy định : Trong một nhiệm kỳ,100% số cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp được đào tạo đạt chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ theo vị trí việc làm; hàng năm được cập nhật kiến thức mới theo quy định và bồi dưỡng kỹ năng về lãnh đạo, quản lý; 100% cán bộ quy hoạch cấp ủy được học lớp bồi dưỡng cán bộ dự nguồn của cấp ủy cùng cấp. Hoàn thành 100% chỉ tiêu đào tạo ở nước ngoài theo đề án của Trung ương; mỗi năm cử 5-10 cán bộ trẻ trong quy hoạch chức danh Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý (dưới 35 tuổi) đi đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng quản lý… theo mục tiêu ở nước ngoài bằng nguồn ngân sách tỉnh.

Hàng năm, 100% cán bộ trong quy hoạch được rà soát đánh giá, bổ sung quy hoạch những đồng chí đủ tiêu chuẩn,đồng thời kiên quyết đưa ra khỏi quy hoạch các trường hợp không còn đủ điều kiện, tiêu chuẩn.

Cán bộ được bố trí các chức danh chủ chốt cấp tỉnh (Bí thư Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND, UBND tỉnh) nói chung phải kinh qua  lãnh đạo chủ chốt cấp huyện (bí thư, phó bí thư thường trực, chủ tịch UBND).

Đến nhiệm kỳ 2020-2025, 100%  huyện, thành phố, thị xã được bố trí ít nhất 1 trong 3 chức danh chủ chốt (bí thư, phó bí thư thường trực, chủ tịch UBND) không phải là người địa phương. Phấn đấu đến nhiệm kỳ 2025 - 2030, cơ bản bố trí bí thư cấp ủy và chủ tịch UBND cấp huyện không phải là người địa phương. Bố trí bí thư huyện ủy kiêm chủ tịch UBND huyện ở những nơi có điều kiện.

 Cán bộ lãnh đạo cấp sở, ngành và tương đương thuộc khối nhà nước cấp tỉnh, cán bộ lãnh đạo cấp phòng và tương đương thuộc khối nhà nước cấp huyện, giữ chức vụ từ 5 năm trở lên (tối đa không quá 10 năm) được xem xét bố trí công tác khác phù hợp; trong đó có ít nhất 50% được điều động, luân chuyển sang công tác ở khối đảng, MTTQ, đoàn thể cùng cấp. Cán bộ hiện giữ chức vụ lãnh đạo từ 5 trở lên (tối đa không quá 10 năm) ở cơ quan khối đảng, MTTQ, đoàn thể cấp tỉnh, cấp huyện được xem xét điều động, luân chuyển sang khối nhà nước cùng cấp.

Cán bộ lãnh đạo cấp phòng trong các cơ quan đảng, MTTQ, đoàn thể, cơ quan hành chính nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh phải được luân chuyển và định kỳ chuyển đổi vị trí công tác theo quy định của Trung ương, của tỉnh.

 Đến năm 2020, có trên 20% số xã, phường, thị trấn và đến năm 2025, có trên 30% số xã, phường, thị trấn được bố trí cán bộ luân chuyển từ cấp huyện hoặc từ các xã, phường, thị trấn khác về giữ các chức vụ bí thư, phó bí thư thường trực hoặc chủ tịch; đến nhiệm kỳ 2020 - 2025 có từ 30% - 50% bí thư đảng ủy kiêm chủ tịch UBND cấp xã.

Đến nhiệm kỳ 2020-2025, cấp uỷ các cấp phấn đấu đổi mới không dưới 1/3 tổng số cấp uỷ viên so với đầu nhiệm kỳ 2015-2020, đảm bảo cơ cấu 3 độ tuổi trong cấp uỷ và lãnh đạo chủ chốt các cấp; tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp uỷ không dưới 15%, tỷ lệ cán bộ trẻ tham gia cấp ủy không dưới 10%; Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ban thường vụ cấp ủy cấp huyện nhất thiết phải có ít nhất 1 đồng chí là cán bộ nữ; phấn đấu có 1 cán bộ trẻ. Các cơ quan, đơn vị có tỷ lệ nữ từ 30% trở lên, phải có cơ cấu cán bộ là nữ tham gia lãnh đạo, quản lý. Lãnh đạo cấp ủy, HĐND, UBND các cấp, nhất thiết phải có cán bộ nữ.

Dự thảo Nghị quyết đề ra 3 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu gồm : đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng đối với công tác tổ chức cán bộ ; thực hiện đồng bộ và nâng cao chất lượng các khâu của công tác cán bộ và tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, giáo dục, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức, phong cách, lối sống cho đội ngũ cán bộ.

Trước đó, tờ trình về về thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII về "Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" do đồng chí Phạm Xuân Thăng trình bày cũng nêu bật kết quả thực hiện Nghị quyết và thực trạng đội ngũ cán bộ của tỉnh.

  NGUYÊN ANH

(0) Bình luận
Nhiều yêu cầu mới đối với cán bộ