“Đúng! Chúng ta có thể chấm dứt bệnh lao” là chủ đề Ngày Thế giới phòng, chống lao 24/3 năm nay. Đối với Hải Dương, việc tiến tới chấm dứt bệnh lao đang được ngành y tế và cả hệ thống chính trị, người dân vào cuộc song vẫn có những rào cản nhất định.
Tiềm tàng nguy cơ mắc lao tại cộng đồng
Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 11 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu, đồng thời đứng thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới (theo WHO Global TB Report 2023). Hải Dương nằm trong 20 tỉnh, thành phố của cả nước vẫn lưu hành mầm bệnh lao. Với dân số trên 1,9 triệu người nên mầm bệnh tiềm tàng trong cộng đồng, nhiều người dân chưa được phát hiện mắc bệnh đang là nguy cơ phát sinh nguồn lây. Thực tế tại các cơ sở khám chữa bệnh, qua khám sàng lọc các bệnh thông thường khác vẫn phát hiện những ca mắc lao tại cộng đồng.
Ông N. H. Đ., xã Ngọc Liên (Cẩm Giàng) đang điều trị tại Khoa Nội 3 (Lao-HIV- Kháng thuốc) Bệnh viện Phổi Hải Dương do mắc lao. Ông Đ. cho biết: “Tự nhiên tôi mất tiếng, ho... nên ra Trạm Y tế xã khám và phát hiện nghi mắc lao. Sau đó tôi đã được giới thiệu lên Bệnh viện Phổi điều trị...”. Đây là một trong số khá nhiều bệnh nhân mắc lao tại cộng đồng không hề biết mình mang mầm bệnh do chỉ nghĩ ho, sốt, ốm thông thường.
Thanh Hà là một trong những huyện thực hiện tốt chương trình chống lao tại cộng đồng. Trung bình mỗi năm trên địa bàn huyện phát hiện trên 60 người mắc lao. Trong số này khoảng 60% do Trung tâm Y tế và các Trạm Y tế xã phát hiện qua xét nghiệm đờm dương tính. Số bệnh nhân còn lại do người dân nghi ngờ chủ động đi các bệnh viện tuyến trên điều trị.
Thống kê của Bệnh viện Phổi Hải Dương, năm 2023, toàn tỉnh mới có 0,7% số người dân được xét nghiệm sàng lọc bệnh lao. Qua sàng lọc đã phát hiện và đưa vào quản lý điều trị lao các thể 1.091 ca bệnh, trong đó lao phổi có bằng chứng vi khuẩn là 655 người (nguồn lây chính cho cộng đồng). Con số người dân được xét nghiệm vẫn còn khiêm tốn, đối tượng mắc bệnh lao được quản lý trên cũng chưa thể bao quát và thống kê đầy đủ số người mắc lao tại cộng đồng trên địa bàn tỉnh.
Cùng với tình trạng mắc lao còn tiềm tàng trong cộng đồng, hiện xu thế mắc lao ngày càng trẻ hóa, tình trạng người bệnh lao tự ý bỏ điều trị, người bệnh mắc lao kháng thuốc do không tuân thủ phác đồ đang là thách thức trong chiến đấu với bệnh lao, đồng thời đây là những nguồn lây tiềm tàng cho người lành khác. Toàn tỉnh hiện đang quản lý 46 người mắc lao kháng thuốc (7 bệnh nhân kháng đơn thuốc, 3 bệnh nhân tiền siêu kháng thuốc, siêu kháng thuốc và số còn lại là lao kháng đa thuốc). Những bệnh nhân kháng thuốc này nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ là nguồn lây nguy hiểm cho cộng đồng.
Rào cản trong quản lý và điều trị lao
Bệnh nhân mắc bệnh lao những năm gần đây có xu hướng trẻ hóa. Bệnh nhân trong độ tuổi lao động, sinh viên thường xuyên không có mặt tại địa phương. Thậm chí có trường hợp bệnh nhân không tuân thủ đúng việc điều trị bệnh như uống thuốc lệch giờ; mệt, tự nghỉ uống thuốc...
Một số người mắc lao là đối tượng cao tuổi, người neo đơn còn thiếu sự quản lý, hỗ trợ. Đội ngũ cán bộ y tế cơ sở mỏng, kiêm nhiệm nhiều việc, không chuyên trách về công tác phòng chống lao nên không thực hiện giám sát thường xuyên bệnh nhân điều trị tại nhà. Phác đồ điều trị bệnh lao với thời gian khá dài dẫn tới nhiều người bệnh không tuân thủ tuyệt đối khi điều trị, bỏ tái khám hoặc điều trị không đúng lịch hẹn.
Một số người mắc lao kèm mắc các bệnh lý mạn tính khác như: đái tháo đường, tăng huyết áp, viêm phổi tắc nghẽn mạn tính nên điều trị nhiều loại thuốc cùng với thuốc lao tiềm tàng xuất hiện tác dụng phụ. Sau thời gian điều trị triệu chứng bệnh giảm tuy nhiên việc xét nghiệm mẫu bệnh phẩm (đờm) gặp nhiều khó khăn… Tâm lý một số người mắc bệnh lao còn e dè, mặc cảm nên muốn giấu bệnh. Đặc biệt nhiều bệnh nhân mắc HIV, người điều trị Methadone không hợp tác trong khám sàng lọc phát hiện bệnh…
Cùng với hoạt động khám chủ động phát hiện sớm bệnh nhân lao phổi tại cộng đồng và tại các cơ sở chống lao trên địa bàn để cắt đứt nguồn lây và kết hợp với việc quản lý điều trị tốt người bệnh lao luôn được xem là khâu then chốt tạo nên sự thành công của Chương trình chống lao quốc gia trên địa bàn tỉnh. Sự nỗ lực của ngành y tế là chưa đủ mà còn cần phải có sự tham gia chỉ đạo, hỗ trợ mạnh mẽ của toàn hệ thống chính trị và người dân trên địa bàn tỉnh. Mặt khác cũng cần quan tâm về nguồn kinh phí bố trí cho hoạt động khám sàng lọc lao tại cộng đồng, bố trí nguồn kinh phí cho cán bộ phụ trách chương trình chống lao tại các xã, thị trấn ...