Nhiều người trẻ ngại làm việc nhà

24/04/2016 09:17

Ít tham gia hoặc không biết làm việc nhà đã khiến một bộ phận giới trẻ không chỉ lười biếng, có tính ỷ lại mà còn ảnh hưởng đến việc hình thành kỹ năng sống của chính họ.



Các bậc cha mẹ nên rèn luyện cho con cái thói quen làm việc nhà từ sớm

Cưng chiều con quá mức

Đã xa gia đình 2 năm nhưng Nguyễn Thị Thu T., sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương quê ở huyện Thanh Miện mới chỉ biết nấu cơm và rửa bát. "Hôm nào để cho T. quay thịt hay rán trứng là chắc chắn sẽ bị hỏng nồi hoặc chúng em phải ăn đồ cháy", bạn Trần Thu Hà ở cùng phòng trọ với T. cho biết. Mỗi lần Hà đi học về muộn, T. cũng không thể tự mình nấu hết bữa cơm mà phải đợi bạn về làm giúp một số món. Có khi Hà về quê đột xuất, T. đành phải ăn cơm quán.

Trịnh Phương M. là sinh viên năm thứ ba Học viện Ngân hàng, quê ở phường Quang Trung (TP Hải Dương). Mỗi lần về nghỉ, thay vì giúp mẹ làm việc nhà, M. lại dành phần lớn thời gian cho việc ngủ nướng, chơi game hoặc lướt “phây” trong phòng riêng. Thậm chí đến giờ ăn cơm, M. phải đợi mẹ gọi mới xuống, quần áo của M. cũng đều do mẹ giặt. Có lẽ do M. là con út nên được bố mẹ và anh chị quá cưng chiều. Hơn nữa, nhà lại đông người nên nhiều khi M. tự cho rằng: "Mình không làm sẽ có người khác làm, rồi cũng xong. Mình có làm hay không thì cũng không có vấn đề gì, chẳng ảnh hưởng đến ai". Bà Trần Thị N. mẹ của M. cho biết: "Có lần, các anh chị nhà bác tới chơi mà nó cứ đóng chặt cửa ngủ trên phòng, không xuống chào hỏi cũng chẳng nấu cơm, dọn dẹp, chuyện trò với ai".

Những trường hợp như trên không còn hiếm gặp và thường rơi vào những gia đình khá giả. Nguyên nhân chính do các bậc cha mẹ bao bọc, cưng chiều con quá mức. Đôi khi sợ con học hành vất vả, muốn con tập trung học hoặc nghĩ con làm cũng không được như ý mình nên bà Phạm Thị Hiền ở phố Vũ Hựu (TP Hải Dương) lại làm cố cả phần của con. Có những lúc bà thấy hoang mang, không biết khi các con có cuộc sống riêng sẽ như thế nào? Hai con gái của bà từ nhỏ đến lớn chưa một lần biết cầm chổi quét nhà. Tuy nhiên, về lâu dài chính những suy nghĩ đó của các bậc cha mẹ như bà Hiền đã khiến các bạn trẻ coi việc nhà không phải việc của mình. Ngoài ra, cuộc sống hiện đại với sự đầy đủ về vật chất đã khiến các bạn trẻ dành quá nhiều thời gian vào những trò chơi công nghệ thay vì phụ giúp gia đình. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất vẫn là ý thức rèn luyện, tính tự giác của một số bạn trẻ còn hạn chế.    

Rèn thói quen từ sớm

Với hy vọng sẽ trang bị cho con kỹ năng sống tự lập trước khi bắt đầu cuộc sống xa gia đình, bà Trần Thị N. từng đầu tư cả chục triệu đồng cho bạn Trịnh Phương M. tham gia khóa đào tạo về kỹ năng sống tại Hà Nội. Sau khóa học, M. đã có một số thay đổi nhưng cũng chỉ được 1-2 tháng đầu rồi mọi việc lại trở về như cũ. Gia đình bà N. vẫn loay hoay không biết làm cách nào để có thể giúp con có được những kỹ năng cần thiết khi va vấp cuộc sống. Đây cũng là thực trạng chung của nhiều gia đình khác.

Theo thạc sĩ Cao Thị Thu Hằng, phụ trách Khoa Tâm lý giáo dục, Trường Cao đẳng Hải Dương, lười biếng làm việc nhà có thể hình thành thói quen ỷ lại, thụ động ngay cả trong học tập cũng như trong cuộc sống. Vì thế, khi phải tự lập, các bạn trẻ sẽ gặp nhiều khó khăn, bế tắc. Không những vậy, các bạn dễ trông chờ sự hỗ trợ của người khác, không biết sẻ chia, trân trọng những giá trị cuộc sống, khó hòa nhập, nguy hiểm nhất là có tính ích kỷ, tôn sùng chủ nghĩa cá nhân. Các bậc cha mẹ phải đặc biệt quan tâm giáo dục để hình thành tính tự lập cho con em mình ngay từ khi còn bé, từ những việc nhỏ như vệ sinh cá nhân, tắm rửa, giặt giũ, nấu cơm, quét nhà, tự học... Khi các bạn trẻ chủ động tham gia các công việc của gia đình cũng là quá trình các bạn xây dựng cho mình lối sống lành mạnh, hoàn thiện kỹ năng sống.

LÊ HƯƠNG


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhiều người trẻ ngại làm việc nhà