Ghi nhận tại một số ngân hàng lớn ở Hải Dương, trong ngày 1/7 rất nhiều người dân không thể cài đặt sinh trắc học trên ứng dụng ngân hàng điện tử.
Hôm nay 1/7, ngày đầu tiên quy định xác thực sinh trắc học trên ứng dụng ngân hàng khi chuyển tiền theo Quyết định 2345/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực. Theo đó, người dân muốn giao dịch chuyển khoản từ ứng dụng ngân hàng với số tiền trên 10 triệu đồng/lần giao dịch hoặc trên 20 triệu đồng/ngày phải xác thực thông tin sinh trắc học.
Ghi nhận của phóng viên Báo Hải Dương tại một số ngân hàng lớn trên địa bàn TP Hải Dương, từ đầu giờ sáng 1/7 đã có rất đông người dân xếp hàng chờ hỗ trợ cài đặt sinh trắc học. Đa phần người dân do không thể tự cài đặt tại nhà nên phải đến nhờ sự hướng dẫn, hỗ trợ từ ngân hàng.
Lỗi phổ biến trong quá trình cài đặt tại nhà ở khâu kết nối thông tin từ căn cước công dân gắn chip với điện thoại thông minh. Ngoài ra, không ít người do không để ý thông báo từ hệ thống ngân hàng nên không biết đến thông tin phải cài đặt sinh trắc học.
Do lượng người dân cài đặt sinh trắc học quá đông, tính chung cả Hải Dương và các tỉnh, thành phố khác trên cả nước nên trong ngày 1/7 ứng dụng điện tử của nhiều ngân hàng bị lỗi truy cập. Không ít người gặp tình cảnh cài đi cài lại "5 lần 7 lượt" vẫn không thành công.
Đại diện các ngân hàng khuyến cáo, người dân nếu chưa có nhu cầu chuyển tiền vượt quá 10 triệu đồng/ lần giao dịch hoặc không quá 20 triệu đồng trong tổng số giao dịch một ngày có thể đợi xác thực sinh trắc học trong những ngày tiếp theo, tránh tình trạng quá tải hệ thống.
Đặc biệt, các ngân hàng khuyến cáo người dân về tình trạng giả danh cán bộ ngân hàng để cài đặt sinh trắc học. Các đối tượng liên hệ khách hàng qua gọi điện, nhắn tin, kết bạn qua các mạng xã hội (Zalo, Facebook…) để hướng dẫn thu thập thông tin sinh trắc học. Sau đó yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, hình ảnh căn cước công dân, hình ảnh khuôn mặt khách hàng để được hỗ trợ. Đối tượng có thể đề nghị người dân truy cập vào đường link nào đó để tải, cài đặt ứng dụng hỗ trợ thu thập sinh trắc học, hoặc có thể yêu cầu cuộc gọi video để thu thập thêm giọng nói, cử chỉ. Sau khi lấy được thông tin của nạn nhân, các đối tượng tiến hành chiếm đoạt tiền trong các tài khoản ngân hàng và sử dụng thông tin của khách hàng vào các mục đích xấu.
Các ngân hàng không liên hệ trực tiếp với khách hàng để hướng dẫn thu thập sinh trắc học. Người dân tuyệt đối không cung cấp mã OTP, mật khẩu ngân hàng số... cho bất kỳ ai, kể cả nhân viên ngân hàng; cần cảnh giác, không truy các đường link lạ qua chat, SMS hoặc email gửi đến điện thoại để tránh nguy cơ bị lừa đảo, đánh cắp thông tin. Người dân có thể đến trực tiếp các ngân hàng để được hỗ trợ.
Theo Quyết định 2345 nói trên và tham khảo từ một số ngân hàng, việc cài đặt sinh trắc học chỉ thực hiện một lần. Do vậy, sau khi cài đặt sinh trắc học, nếu người dân bị lộ lọt thông tin về tài khoản ngân hàng, hoặc điện thoại có cài đặt ứng dụng ngân hàng điện tử rơi vào tay kẻ gian thì vẫn phải đối mặt nguy cơ bị đánh cắp tiền trong tài khoản.
Để bảo đảm an toàn, sau khi cài đặt thành công sinh trắc học, người dân có thể lựa chọn mốc số tiền giao dịch (5 triệu đồng/giao dịch, 10 triệu đồng/giao dịch… tùy ngân hàng) để yêu cầu xác thực. Với giao dịch chạm mốc số tiền đã chọn, ứng dụng ngân hàng sẽ yêu cầu xác thực sinh trắc học.
HÀ KIÊN