Giáo dục

Nhiều hạn chế trong thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới

Theo Vienam+ 21/09/2023 22:09

Chậm tiến độ trong thực hiện và lúng túng trong triển khai, thiếu đội ngũ, thiếu cơ sở vật chất là những tồn tại, hạn chế được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ ra trong Nghị quyết số 686/NQ-UBTVQH15.

Nhieu han che trong thuc hien chuong trinh giao duc pho thong moi hinh anh 1
Chương trình giáo dục phổ thông mới đang được triển khai ở cả ba cấp học.

Hàng loạt vấn đề tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới của ngành giáo dục đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ ra trong Nghị quyết số 686/NQ-UBTVQH15 Giám sát chuyên đề về thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Chậm tiến độ 30 tháng

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành, địa phương cũng như toàn ngành giáo dục đã nỗ lực triển khai thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51, tạo chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng, đáng ghi nhận. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông vẫn còn tồn tại, hạn chế.

Cụ thể, kết quả giám sát cho thấy còn 12 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện chưa bảo đảm tiến độ; 18 nội dung được giao nhưng chưa ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện; 21 văn bản có nội dung chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn; 7 văn bản chưa phù hợp về thể thức. Các chiến lược, quy hoạch phát triển giáo dục thời kỳ 2021-2030 chậm được phê duyệt, ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển giáo dục và đào tạo.

Chương trình giáo dục phổ thông mới ban hành chậm 30 tháng so với yêu cầu của Quyết định số 404/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Bộ máy chỉ đạo, tổ chức triển khai xây dựng, thẩm định chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới chưa hợp lý về cơ cấu, thành phần, số lượng, phải thay đổi nhiều lần. Việc thực nghiệm, đánh giá tác động đối với những nội dung đổi mới quan trọng của Chương trình chưa được chú trọng, thực hiện trong thời gian ngắn, phạm vi hẹp, hiệu quả chưa cao.

Quy định về môn học Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới gây bức xúc trong nhân dân và các chuyên gia, nhà khoa học. Quốc hội đã phải thảo luận, hai lần ra nghị quyết về nội dung này vào năm 2015 và 2022.

Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông (RGEP) và Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (ETEP) có tỷ lệ giải ngân thấp (lần lượt đạt 23,05% và 63%), tiến độ chậm; phải hủy vốn đầu tư, số kế hoạch vốn đầu tư hoàn trả lớn; 3 nội dung trong các chương trình thành phần chưa hoàn thành; một số nội dung của dự án không thực hiện được toàn bộ các hoạt động theo thiết kế.

Lúng túng trong triển khai

Cũng theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nội dung kiến thức của một số môn học, bài học chưa thực sự được tinh giản, còn gây áp lực đối với học sinh. Việc thiết kế nội dung các môn học tích hợp ở cấp trung học cơ sở chưa đạt mục tiêu, chủ yếu là tập hợp kiến thức của các môn học, sử dụng nhiều giáo viên cùng giảng dạy.

Chủ trương triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đồng thời ở cả ba cấp học dẫn tới thời gian chuẩn bị ngắn, công tác bảo đảm các điều kiện về giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị gặp nhiều khó khăn, lúng túng. Việc tổ chức các môn học mới (Mỹ thuật, Âm nhạc,...), hoạt động giáo dục chưa đáp ứng đầy đủ mục tiêu, yêu cầu đặt ra. Việc xây dựng các tổ hợp môn học tại cấp trung học phổ thông còn bất cập, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu định hướng nghề nghiệp và nhu cầu của học sinh.

Nhieu han che trong thuc hien chuong trinh giao duc pho thong moi hinh anh 2
Việc dạy các môn tích hợp trong các nhà trường gặp nhiều lúng túng

Kết quả đổi mới phương pháp dạy và học ở nhiều cơ sở giáo dục chưa cao, nhất là ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn. Việc đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục chưa theo kịp yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới.

Nhận thức, thói quen của một bộ phận cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên và học sinh về phương pháp giáo dục, thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập chậm thay đổi. Năng lực áp dụng các kỹ thuật và phương pháp giáo dục mới của đội ngũ giáo viên chưa đồng đều.

Hệ thống quy định về thi, kiểm tra, đánh giả chưa đầy đủ, chưa đáp ứng yêu cầu về định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh. Quy định và hướng dẫn thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 chưa được ban hành, gây khó khăn cho học sinh, giáo viên trong việc định hưởng lựa chọn tổ hợp môn học ở bậc trung học phổ thông và tổ chức dạy học.

Thiếu giáo viên, thiếu cơ sở vật chất

Tình trạng thừa, thiểu giáo viên cục bộ và thiếu giáo viên dạy các môn học mới diễn ra phổ biến. Chất lượng giáo viên không đồng đều. Công tác tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên cốt cán, giáo viên đại trả để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai trong thời gian ngắn, hiệu quả chưa cao, nhất là hình thức tập huấn trực tuyến. Việc tuyển dụng giáo viên phổ thông gặp khó khăn, vướng mắc, nhất là giáo viên môn Âm nhạc, Nghệ thuật đạt chuẩn.

Bên cạnh đó, việc biên soạn, thực nghiệm, thẩm định sách giáo khoa còn nhiều bất cập, gây bức xúc trong dư luận. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học chưa đáp ứng được yêu cầu theo tiêu chuẩn đã ban hành. Số phòng học chưa được kiên cố hóa là trên 59.500 phòng. Số phòng học bộ môn còn thiếu của các cấp học là 63.920 phòng. Tỉ lệ đáp ứng về thiết bị dạy học theo chuẩn quy định trên phạm vi cả nước thấp, trung bình chỉ đáp ứng được 54,3%. Ngân sách nhà nước chưa bảo đảm được đầy đủ nhu cầu đầu tư để thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong khi việc huy động các nguồn lực xã hội gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Nhieu han che trong thuc hien chuong trinh giao duc pho thong moi hinh anh 3
Thiếu giáo viên là khó khăn lớn của ngành, nhất là ở bậc mầm non và tiểu học

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, những tồn tại, hạn chế trên có nguyên nhân khách quan do việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông là nhiệm vụ mới, khó, được triển khai đúng vào thời điểm đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, số lượng cơ sở giáo dục phổ thông lớn, phạm vi triển khai rộng. Bên cạnh đó, điều kiện kinh tế-xã hội của các địa phương khác nhau, nguồn ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục còn hạn chế, chưa đáp ứng đầy đủ các nhu cầu. Chính sách, chế độ đãi ngộ đối với nhà giáo chưa hấp dẫn, khó thu hút, giữ chân đội ngũ giáo viên, nhất là nhân lực chất lượng cao.

Tuy nhiên, cũng có nguyên nhân chủ quan do nhận thức, trình độ, năng lực chuyên môn của một bộ phận cán bộ, giáo viên còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác dự báo, lập kế hoạch, lộ trình đổi mới chưa sát. Công tác phối hợp giữa các bộ, ngành trung ương và địa phương chưa chặt chẽ, thường xuyên.

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xác định Chính phủ chịu trách nhiệm toàn diện trong chỉ đạo thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm chính trong tham mưu toàn diện việc triển khai đổi mới giáo dục phổ thông; ủy ban nhân dân cấp tinh chịu trách nhiệm về các tồn tại, hạn chế trong chỉ đạo tổ chức biên soạn, thẩm định, phát hành tài liệu giáo dục địa phương, việc tổ chức lựa chọn sách giáo khoa mới cho các cơ sở giáo dục…

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề xuất các nhóm nhiệm vụ, giải pháp như hoàn thiện thể chế, chính sách; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông; tăng cường các điều kiện bảo đảm triển khai đổi mới giáo dục phổ thông.

Theo Vienam+
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhiều hạn chế trong thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới