Tại Hội nghị lần thứ 20 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương khóa XVII, các đại biểu đã thảo luận, đề xuất nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp.
Tại các phiên thảo luận đã có trên 60 lượt đại biểu đóng góp nhiều ý kiến, đề xuất tâm huyết, trách nhiệm.
Thu ngân sách dự kiến cao nhất từ trước đến nay
Nhiều ý kiến thống nhất nhận định 6 tháng đầu năm, kinh tế - xã hội Hải Dương có nhiều điểm sáng, dự báo năm 2024, 2025 sẽ tăng trưởng trên 10%. Dự kiến tổng thu ngân sách năm 2024 đạt từ 26.000 đến 27.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước tới nay.
Có ý kiến cho rằng cần bổ sung kết quả về công tác xã hội hóa trong giáo dục khi 6 tháng đầu năm, Hải Dương đã thành lập mới 4 trường THPT, góp phần giảm áp lực tuyển sinh.
Các đại biểu cũng thẳng thắn nêu ra những hạn chế. Trong đó, công tác giải ngân vốn đầu tư công chậm, 6 tháng đầu năm chưa khởi công dự án nào. Một số đại biểu đề nghị tỉnh hỗ trợ cấp huyện trong giải phóng mặt bằng, bồi thường và phân cấp dự án nhỏ cho Ban quản lý dự án cấp huyện làm chủ đầu tư.
Có ý kiến đánh giá 6 tháng đầu năm, kết quả thu tiền sử dụng đất của một số địa phương đạt thấp, ảnh hưởng việc thực hiện một số chương trình mục tiêu. Do đó, nhiều ý kiến đề nghị tỉnh quan tâm hỗ trợ cấp huyện, xã, nhất là trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Về giáo dục, có ý kiến đề nghị sớm có phương án sắp xếp tổng thể trường học ở các địa phương, xây dựng trường chuẩn, trường liên cấp... Hạn chế trong công tác giáo dục nghề nghiệp khi tỷ lệ trình độ cao đẳng, trung cấp cao hơn đại học cần được xem xét và có giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo.
Tập trung tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp
Nhiều nội dung trong công tác chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp đã được quan tâm thảo luận ở Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 20.
Có ý kiến đề nghị xem xét quy định “không bố trí chức danh chủ tịch HĐND cấp huyện chuyên trách" vì trong Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng không đề cập nội dung này. Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì cho phép bố trí chuyên trách.
Về cơ cấu cấp ủy nhiệm kỳ tới, một số ý kiến nêu việc đặt ra chỉ tiêu “phấn đấu trên 30% cấp xã thực hiện mô hình Bí thư cấp ủy không là người địa phương” khó thực hiện. Tuy nhiên, có đại biểu cho rằng chỉ tiêu này rất khả thi nếu triển khai các giải pháp phù hợp từ sớm. Có ý kiến đề xuất số lượng tối đa Uỷ viên Ban Thường vụ cấp huyện là 13 đồng chí để bảo đảm cơ cấu chức danh.
Về cơ cấu độ tuổi ở cấp huyện, có ý kiến cho rằng tỷ lệ cán bộ trẻ như tại dự thảo có thể gây khó khăn do thiếu nhân sự vừa đáp ứng độ tuổi, vừa đủ năng lực, kinh nghiệm. Có ý kiến đề nghị cân nhắc tỷ lệ cán bộ trẻ, nữ trong cấp ủy, Ban Thường vụ ở Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh do đặc thù về đội ngũ cán bộ, đảng viên và cần quy định theo hướng “mở” để dễ thực hiện.
Về bố trí công tác với cán bộ đoàn quá tuổi, có đại biểu đề nghị tỉnh tháo gỡ khó khăn trong việc sắp xếp cán bộ đoàn từ 35 tuổi trở lên khi toàn tỉnh có 64 cán bộ đoàn cấp xã quá tuổi mà theo quy định phải bố trí công tác khác. Có ý kiến đề nghị sớm chỉ đạo tổng kết đề án hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, giải quyết việc một số cán bộ đoàn đang giữ ngạch chuyên viên cao đẳng.
Có ý kiến đề nghị Tỉnh ủy cho chủ trương tách hai chức danh bí thư chi bộ và trưởng thôn, khu dân cư với nơi có địa bàn rộng. Cùng với đó, cần có giải pháp hữu hiệu trong chuyển đổi vị trí cán bộ vì có vị trí đòi hỏi chuyên môn sâu rất khó chuyển đổi hoặc chuyển đổi nhưng không hiệu quả...
Nhiều ý kiến đề xuất tỉnh sớm có hướng dẫn về công tác chuẩn bị nhân sự đại hội cấp cơ sở và cấp trên cơ sở một cách tổng thể, thống nhất. Hướng dẫn chính sách cụ thể, kịp thời đối với cán bộ không tái cử, nhất là cán bộ giữ chức vụ chính quyền.