Bức xúc vì phiên đấu giá biển số ô tô lần 1 thất bại, nhưng mãi không được hoàn cọc, nhiều người chủ động gọi điện, gửi thư điện tử cho Công ty đấu giá hợp danh Việt Nam nhưng không được phản hồi.
Trước đó, sáng 22/8, khi bắt đầu phiên đấu giá đầu tiên loạt biển số ô tô đẹp, trang web của Công ty đấu giá hợp danh Việt Nam (VPA) - đơn vị tổ chức đấu giá trực tuyến biển số ô tô - đã lập tức bị "sập" và không thể truy cập được.
Sau khi phiên đấu giá biển số lần thứ nhất thất bại, nhiều chủ xe mòn mỏi đợi Công ty đấu giá hoàn tiền cọc nhưng không thấy đành chủ động gửi thư điện tử để đòi tiền. Tuy nhiên, theo phản ánh của hầu hết các chủ xe, họ gọi điện, gửi mail nhưng phía Công ty vẫn im lặng và không có phản hồi cụ thể.
Anh Nguyễn Quốc Toản (Thái Bình) cho biết: "Tôi đã thanh toán 200.500.000 đồng để đấu giá 4 biển số. Giờ tôi muốn đòi lại tiền. Tôi đã gọi hotline nhưng không ai nghe máy, gửi email họ cũng không phản hồi. Số tiền hơn 200 triệu, lúc đầu tôi nộp nghĩ sẽ dễ dàng lấy ra. Vì trước đó, phía công ty đã thông báo rõ, không đấu trúng thì được hoàn tiền sau 3 ngày.
Đến giờ tiền bị nằm im một chỗ, VPA tự ý thay đổi, ra thông báo mới sau 16/9 mới có lịch đấu lại. Thực sự tôi rất bức xúc, cảm thấy cuộc chơi không công bằng, không minh bạch".
Theo anh Toản, việc om tiền cọc trên thực tế không gây bức xúc dư luận bằng việc công ty đấu giá gia hạn thời gian nhận tiền cọc.
"Trước đó, hạn cuối nộp cọc cho phiên thứ nhất là 17 giờ ngày 18/8, tức trước giờ đấu chính thức 3 ngày. Thế nhưng, giờ họ vẫn nhận cọc tiếp cho chính phiên này. Thành ra số lượng người đấu giá sẽ đông thêm, sự cạnh tranh càng lớn. Ảnh hưởng trực tiếp đến các chủ xe đã nộp cọc trước. Trong khi những người mới, họ có quyền đợi khi nào có lịch đấu mới cần cọc", anh Toản nói.
Anh Trọng Phú (Hà Nội) cũng cho biết, anh đã nộp tiền cọc để đấu hai biển số nhưng đến nay chỉ biết chờ VPA hoàn trả tiền trong vô vọng.
"Bản thân tôi cũng khá bức xúc trước cách VPA tổ chức đấu giá như hiện nay. Thứ nhất là họ đã vi phạm quy định phải hoàn trả toàn bộ khoản tiền đặt trước cho khách hàng trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc phiên đấu giá như đã thông báo trước đó.
Thứ 2 là phía VPA không có hướng dẫn, công khai minh bạch rõ ràng trong công tác tổ chức đấu giá. Hiện chưa có ngày giờ cụ thể đấu giá tiếp mà thông báo vẫn tiếp tục thu tiền cọc của người tham gia đấu giá.
Thứ 3, theo ý kiến của cá nhân tôi, VPA không có năng lực tổ chức đấu giá ở quy mô lớn như đấu giá biển số như hiện nay. Phiên đấu giá thứ nhất thất bại được giải thích do sự cố kỹ thuật. Điều này khiến tôi hoài nghi về khả năng quản trị của VPA", anh Trọng chia sẻ.
Cũng nộp hơn 80 triệu đồng tiền cọc đấu giá hai biển số và đã gửi thư yêu cầu VPA hoàn tiền nhưng chưa được trả lời, anh Nguyễn Thái (Hà Nội) kể: "Tôi đã mua xe mới, chờ mỗi biển nữa thôi, nghĩ đầu tư đấu được biển đẹp về lắp lên xe đi. Nhưng giờ thì rất rối. Nếu bấm biển tạm thì mấy hôm nữa lại mất 1 công đi đổi. Đang yên đang lành ôm cục tức vào người".
Trong khi đó, sau sự cố dừng đấu giá vì lỗi kỹ thuật, phía công ty VPA mới chỉ thông báo rằng sẽ đảm bảo giữ nguyên quyền lợi của toàn bộ khách hàng đã nộp tiền hồ sơ, tiền đặt trước đăng ký tham gia đấu giá các biển số xe ô tô.
"VPA sẽ trực tiếp gửi thông báo, liên hệ tới quý khách hàng đã nộp tiền đăng ký tham gia đấu giá để giải quyết theo đúng quy định. Thời hạn nộp tiền đặt trước của 11 biển này đã hết nên không phát sinh thêm khách hàng đăng ký tham gia", trích thông báo từ VPA.
Cũng theo công ty VPA, đối với tất cả biển số xe ôtô còn lại trong danh sách niêm yết (trừ 11 biển số tại mục 1), khách hàng có thể tiếp tục đăng ký tham gia đấu giá, nộp tiền hồ sơ, tiền đặt trước cho đến trước thời điểm tổ chức cuộc đấu giá 3 ngày.
Các cuộc đấu giá biển số xe ô tô sẽ được VPA tổ chức trong tháng 9/2023. Tuy nhiên, lịch cụ thể hiện vẫn chưa được công khai.
Theo Vietnamnet