Các động thái diễn ra chỉ một ngày sau khi tân tham mưu trưởng không quân Mỹ cảnh báo Trung Quốc về ý định thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines, ông Delfin Lorenzana, ngày 25.6 khẳng định ông đồng ý với cảnh báo của tướng Charles Brown trong cuộc họp báo ngày 24.6.
Trong đó, tân tham mưu trưởng không quân Mỹ cho rằng một khi ADIZ được thiết lập trên Biển Đông, nó không chỉ ảnh hưởng tới Mỹ mà còn các nước khác trong khu vực do bao trùm không phận của nhiều nước và cả không phận quốc tế.
"Tôi đồng ý với cảnh báo đó. Nếu Trung Quốc tuyên bố ADIZ với toàn bộ Biển Đông, điều đó đồng nghĩa họ đã cướp lấy một vùng biển rộng lớn vốn luôn rộng mở cho các hoạt động đánh bắt cá và tự do đi lại", ông Lorenzana - cựu tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Philippines - khẳng định ngày 25.6.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines cảnh báo nếu Trung Quốc vẫn nhất quyết thiết lập ADIZ trên Biển Đông, nguy cơ xảy ra các tính toán sai lầm trên biển sẽ lên cao, dẫn tới các căng thẳng leo thang trong khu vực.
"Tôi mong là Trung Quốc sẽ không tiến hành các động thái như vậy vì hòa bình và ổn định cho toàn bộ khu vực Biển Đông", Thông tấn xã Philippines dẫn lời ông Lorenzana.
Cùng ngày 25.6, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono cũng lên tiếng về các hành xử của Trung Quốc trên Biển Đông. Ông Kono nhấn mạnh những hoạt động của Bắc Kinh trong khu vực chiến lược quan trọng này là "vô cùng đáng báo động".
Biển Đông có ý nghĩa quan trọng với Nhật Bản và được ví như huyết mạch của nền kinh tế nước này với các tuyến vận tải thương mại và dầu thô.
Hồi tháng trước, báo South China Morning Post của Hong Kong tiết lộ Trung Quốc đã có ý định lập ADIZ tại Biển Đông từ năm 2010 nhưng đang chờ thời cơ thuận lợi để tiến hành.
Hôm 22.6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên tiếp tục biện minh rằng Bắc Kinh cũng như bao nước khác, có quyền lập ADIZ để bảo đảm an ninh quốc gia.
Đáng chú ý, người phát ngôn này tỏ ra mập mờ khi tuyên bố "trước các mối đe dọa an ninh hàng không mà Trung Quốc phải đối mặt trên vùng biển có liên quan ở Biển Đông, Trung Quốc sẽ nghiên cứu cẩn thận, xem xét và tính đến tất cả các yếu tố liên quan".
Chính quyền Bắc Kinh vẫn thường xuyên sử dụng luận điệu rằng phần lớn Biển Đông thuộc chủ quyền của họ nên những gì được tiến hành trong khu vực này là đương nhiên và hợp lý, bất chấp các yêu sách này trái với luật pháp quốc tế và sự phản đối của các nước.
Theo Tuổi trẻ