Lao động Việt Nam tại Nhật Bản được chuyển nơi làm việc thay vì bó buộc 3 năm trong trường hợp bị chủ sử dụng bạo hành, quấy rối, ép làm thêm nhiều giờ.
Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) vừa thông báo tới doanh nghiệp dịch vụ đưa thực tập sinh đi Nhật việc nới lỏng quy định chuyển đổi nơi làm việc. Ngày 1/11, Nhật Bản ban hành chính sách cho thực tập sinh nước ngoài được chuyển nơi làm việc trong trường hợp bất khả kháng thay vì bó buộc ba năm với công ty tiếp nhận ban đầu. Điều kiện là phải chứng minh được các tình huống này.
Trường hợp bất khả kháng theo quy định gồm: Thực tập sinh bị vi phạm nhân quyền; bị bạo hành; bị quấy rối, phải nghe lời nói thô bạo, xỉ nhục, lăng mạ, cưỡng ép, đe dọa, phụ nữ mang thai hoặc nuôi con nhỏ bị quấy rối. Công ty tiếp nhận phạm pháp, vi phạm hợp đồng nghiêm trọng, ác ý như bố trí công việc không đúng kế hoạch thực tập, không trả lương đầy đủ, yêu cầu thực tập sinh về nước khi chưa hết hạn hợp đồng, tịch thu hộ chiếu, thẻ cư trú, ép làm thêm giờ, làm việc ngày nghỉ lễ, không trang bị biện pháp an toàn dù công việc nguy hiểm.
Thực tập sinh có thể nộp đơn đề nghị chuyển đổi nơi làm việc tới nghiệp đoàn quản lý hoặc công ty tiếp nhận kèm theo tài liệu như hình ảnh, ghi âm để chứng minh mình thuộc trường hợp bất khả kháng. Nhận được đơn, nghiệp đoàn quản lý phải tiếp nhận xử lý và báo cáo Tổ chức Thực tập kỹ năng Nhật Bản (OTIT), phản hồi kết quả cho người gửi.
Trong thời gian chuyển đổi nơi làm việc, thực tập sinh có thể làm việc tạm thời 28 giờ mỗi tuần. Trường hợp không tìm được nơi mới và muốn chuyển sang lưu trú kỹ năng đặc định thì cơ quan chức năng Nhật Bản sẽ cấp tạm thời trong lúc chờ chuyển chính thức.
Lao động đi Nhật theo diện thực tập sinh chịu sự quản lý của nghiệp đoàn nên cơ quan này phải giải thích rõ quyền lợi và quy trình chuyển chỗ cho người lao động đang trong khóa đào tạo tập trung sau khi nhập cảnh vào Nhật Bản.
Chính sách phần nào tác động đến lao động Việt Nam bởi Việt Nam hiện dẫn đầu 15 quốc gia phái cử thực tập sinh đi làm việc tại Nhật Bản với hơn 200.000 người. Người đi đông vì không yêu cầu bằng cấp, có nhiều ngành nghề để lựa chọn. Song người đi diện này chỉ được coi như học việc, nhận lương tối thiểu, không thưởng, không phụ cấp như người bản địa. Thực tập sinh cũng không được chuyển nơi khác khi công việc không phù hợp, chủ đối xử không tốt.
Chương trình Nhật Bản triển khai từ năm 1992 vì thế bị chỉ trích là nhập khẩu lao động giá rẻ, coi thực tập sinh như công nhân làm việc chân tay do nước này thiếu nhân lực trầm trọng. Do đó tháng 4/2023, Hội đồng gồm 15 chuyên gia, học giả và quan chức đứng đầu các tỉnh ở Nhật Bản đã đề xuất loại bỏ.
T.H (theo VnExpress)