Việc Nhật Bản xả nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý, từ vấn đề chỉ cần các bằng chứng khoa học là đủ đã trở thành câu chuyện đòi hỏi niềm tin chính trị giữa các nước Đông Bắc Á.
Ngày 24.8, bất chấp các phản đối và lo ngại, những mét khối nước nhiễm phóng xạ qua xử lý đầu tiên của Nhà máy điện hạt nhân Fukushima đã đổ ra biển. Trong khi Trung Quốc phản đối, Hàn Quốc thận trọng theo dõi, Mỹ tỏ ý ủng hộ quyết định của Nhật Bản.
Tại Trung Quốc, động thái trên đã gây lo lắng lớn khi người dân tại Bắc Kinh, Thượng Hải và một số thành phố khác đổ xô đi mua... muối vì lo sợ muối ăn trong tương lai sẽ bị nhiễm phóng xạ.
Chính quyền Trung Quốc đã ra lệnh cấm nhập khẩu tất cả hải sản từ Nhật Bản. Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản ứng mạnh bằng việc triệu tập đại sứ Nhật Bản tại nước này, đồng thời nhấn mạnh hành vi của Nhật Bản sẽ bị cộng đồng quốc tế lên án trong thời gian dài.
"Chưa có tiền lệ nào về việc con người xả nước bị ô nhiễm do tai nạn hạt nhân vào đại dương và không có tiêu chuẩn xử lý nào được chấp nhận", bộ này tuyên bố.
Tại Hàn Quốc, nước gần Nhật Bản nhất, ngày 25.8, chính quyền xác nhận nước nhiễm phóng xạ từ Nhà máy Fukushima đã được xả ra biển.
Ông Park Ku Yeon, Phó Chánh Văn phòng Điều phối chính sách chính phủ, cho biết: "Cho đến nay, việc xả thải đang diễn ra ổn định như kế hoạch ban đầu và được hiểu là không có tình huống bất thường nào".
Ông Park cũng nhấn mạnh Seoul đang theo dõi và phân tích kỹ lưỡng quá trình xả thải ra biển thông qua "đường dây nóng kép" giữa cơ quan quản lý và ngoại giao của hai nước.
Mặc dù vậy, Hàn Quốc vẫn thể hiện sự lo lắng khi thông báo sẽ tăng cường kiểm tra hàm lượng phóng xạ các loại hải sản được nuôi trồng ở nước này để giảm bớt lo ngại của người dân. "Chính phủ sẽ thực hiện các biện pháp tốt nhất để tiếp tục giám sát để không ảnh hưởng đến sự an toàn và sức khỏe của người dân", ông Park nói.
Trước đó, Đảng Quyền lực nhân dân (PPP) cầm quyền ở Hàn Quốc đã kêu gọi Đảng Dân chủ (DP) đối lập "ngừng lan truyền nỗi sợ hãi trong dư luận" về vấn đề xả thải của Nhật Bản.
PPP cũng cho rằng phe đối lập đang cố gắng tận dụng sự việc để hạ uy tín của chính quyền đương nhiệm, che đậy các vấn đề nội bộ của DP.
Nhà máy điện hạt nhân Fukushima nằm trên bờ biển Thái Bình Dương, cách thủ đô Tokyo hơn 300km về phía đông bắc.
Mặc dù không nằm hướng ra vùng biển nào giáp Hàn Quốc hay Trung Quốc, dư luận và những ý kiến phản đối cho rằng các dòng hải lưu sẽ đưa số nước thải từ Fukushima đến bờ biển của họ, thậm chí cả các đảo quốc Thái Bình Dương.
Theo kế hoạch của Chính phủ Nhật Bản, tổng cộng 1,34 triệu m3 nước đã qua xử lý từ Nhà máy điện hạt nhân Fukushima sẽ được xả ra biển.
Quá trình xả có thể mất tới 30 năm do vừa làm vừa đánh giá mức độ tác động. Trong đó, từ tháng 8.2023 đến tháng 3.2024, Nhật Bản dự kiến sẽ xả 31.200m3, chiếm khoảng 2,3% số nước cần xả.
Chính quyền Nhật Bản lập luận việc xả nước đã qua xử lý là cần thiết do các bồn chứa đã đầy và nước được thải ra đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn cho con người.
Tokyo khẳng định sẽ loại bỏ 62 nhân tố phóng xạ trong nước trước khi xả, chỉ còn một đồng vị phóng xạ là tritium và các dấu vết phóng xạ khác.
Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) trước đó đã đến kiểm tra Nhà máy điện hạt nhân Fukushima.
Trong chuyến thăm Nhật Bản vào tháng 7.2023, người đứng đầu IAEA chấp thuận kế hoạch của Nhật Bản và cho biết nó phù hợp với các tiêu chuẩn an toàn toàn cầu và sẽ chỉ có "tác động phóng xạ không đáng kể" đến con người, môi trường.
Tuyên bố của IAEA được xem là một sự bảo chứng quan trọng, nhưng nó không dập tắt được các chỉ trích, điều đã thể hiện rõ qua phản ứng của Trung Quốc.
Tại Hàn Quốc, chính quyền đang nỗ lực trấn an người dân và không để sự việc đi quá xa trong bối cảnh quan hệ song phương với Nhật Bản vừa được cải thiện.
Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO), đơn vị điều hành nhà máy, IAEA và Viện An toàn hạt nhân Hàn Quốc đều đã bắt đầu tải dữ liệu về việc xả thải lên các trang web của mình. Đáng chú ý, TEPCO tải lên dữ liệu chi tiết mỗi giờ, chẳng hạn như mức độ phóng xạ, tốc độ xả và mức độ tritium.
Theo Tuổi trẻ