Lượng khách quá lớn buộc Nhật Bản phải đưa ra một số biện pháp như tăng thuế, phí nhằm giảm tải áp lực lên các điểm du lịch.
Theo Euronews, tính hết tháng 9, Nhật Bản đã có bốn tháng liên tiếp đón hơn hai triệu khách quốc tế. Đây là tín hiệu tốt cho ngành du lịch vừa phải vật lộn sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, lượng khách quá lớn cũng gây áp lực tới đời sống người dân.
Do đó, Nhật Bản sẽ đưa ra một số biện pháp nhằm hạn chế tác động từ vấn đề quá tải du lịch. Các kế hoạch xoay quanh việc tăng cường hệ thống giao thông ở thành phố lớn, khuyến khích khách đa dạng điểm đến, thu thuế du lịch.
Cụ thể, tại một số thành phố du lịch nổi tiếng, Nhật Bản sẽ mở rộng đội xe taxi, buýt để phục vụ du khách tốt hơn. Hiện tại, các công ty taxi ở những điểm nóng du lịch đang phải vật lộn với lượng khách khổng lồ. Chính phủ nước này kỳ vọng động thái tăng cường cơ sở hạ tầng sẽ thúc đẩy du lịch ở một số vùng như Niseko, Hokkaido - các điểm đến với lượng khách tăng đột biến trong mùa trượt tuyết.
Một đề xuất khác đang được các quan chức nước này cân nhắc là tăng giá vé xe buýt nhằm chống tình trạng quá tải. Dự kiến, giá vé xe buýt sẽ cao hơn trong giờ cao điểm để khuyến khích mọi người không đi lại. Mặt khác, Nhật Bản có thể thiết lập các tuyến buýt mới từ những ga trọng điểm đến những điểm du lịch nổi tiếng để phục vụ riêng khách du lịch.
Theo Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản, nước này cần phát triển du lịch đồng đều bên ngoài các "điểm nóng" như Tokyo, Kyoto. Hiện tại, Nhật Bản đang có kế hoạch phát triển du lịch tại 11 "điểm đến kiểu mẫu" như Ise-Shima (tỉnh Mie). Các nhà chức trách kỳ vọng có thể kéo du khách đến các vùng nông thôn, trải nghiệm thiên nhiên thay vì tập trung quá nhiều ở những điểm đến truyền thống.
Tại thành phố Hatsukaichi (tỉnh Hiroshima), từ 1/10, du khách bắt đầu phải trả phí khoảng 1 USD khi tới đền Itsukushima - di sản thế giới của UNESCO. Theo một quan chức địa phương, thu phí là cách họ bảo vệ thiên nhiên, lịch sử, văn hóa cho thế hệ tiếp theo.
Theo VnExpress