Hiện nay, trên thị trường có khá nhiều cửa hàng gắn mác bán gạo sạch nhưng không phải cửa hàng nào cũng chứng minh được nguồn gốc sản phẩm.
Nhiều cửa hàng gắn mác "gạo sạch" để thu hút người tiêu dùng
Không nhãn mácGhé vào cửa hàng Gạo Sạch trên phố Tuệ Tĩnh (TP Hải Dương), chúng tôi thấy nhiều loại gạo được đặt trong các bao lớn, số còn lại đổ thành đống trên nền nhà để giần sàng cho sạch. Khi chúng tôi hỏi mua gạo sạch, chủ cửa hàng lập tức giới thiệu một số loại gạo ngoại như Đài Loan, Thái Lan... và cam kết "sạch 100%". Giá gạo sạch gắn mác ngoại chỉ hơn từ 3.000 - 5.000 đồng/kg so với gạo Việt Nam. Chủ cửa hàng còn cho biết gạo ngoại thơm và dẻo nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Mỗi ngày, cửa hàng tiêu thụ 1-2 tạ gạo. Tuy nhiên, trên bao bì sản phẩm chỉ ghi vài thông tin ngắn ngủi, không đủ chứng minh được nguồn gốc xuất xứ.
Tại thị trấn Thanh Miện, cửa hàng Gạo Sạch cũng thu hút nhiều người mua. Gạo để trong bao và các chậu lớn, không có bao bì, nhãn mác nhưng vẫn được gọi là "gạo sạch". Chủ cửa hàng không có bất cứ giấy tờ gì chứng minh là gạo sạch. Thậm chí, chủ cửa hàng còn không rõ nguồn gốc sản phẩm vì họ cũng nhập từ các đại lý phân phối khác.
Hiện nay, không ít người dân có nhu cầu mua gạo sạch để bảo đảm sức khỏe của các thành viên trong gia đình. Nắm được tâm lý này, nhiều cửa hàng gạo sạch đã mọc lên. Tuy nhiên, không phải sản phẩm nào cũng đủ điều kiện để được công nhận là gạo sạch. Gia đình chị Nguyễn Thu Hường ở phường Phạm Ngũ Lão (TP Hải Dương) có 4 người, mỗi tháng dùng hết 20 kg gạo. "Gạo truyền thống có nguy cơ chứa dư lượng chất bảo vệ thực vật, chất bảo quản và nấm mốc nên tôi thường tìm mua gạo sạch. Chủ cửa hàng nói gạo sạch thì tin là sạch chứ cũng không biết thực chất ra sao", chị Hường nói.
Khó có gạo sạchHiện nay, trên thị trường có nhiều loại gạo, đa dạng về chủng loại như Tám xoan, Hải Hậu, Tám Điện Biên, Bắc Hương, Thái thơm, Mỹ thơm, Đài Loan, Nhật... Giá các loại gạo này dao động từ 10.000-25.000 đồng/kg.
Chị Phạm Thị Loan (TP Hải Dương) từng bán gạo lâu năm cho biết thực tế trên thị trường bán lẻ gạo hiện nay gần như không có gạo thực sự sạch. Nhiều người bán trộn lẫn giữa gạo chất lượng thấp vào gạo chất lượng cao, hoặc trộn gạo thường với gạo thơm để trục lợi. Do vậy, khó có loại gạo nào đủ điều kiện để được công nhận là gạo sạch.
Chị Nguyễn Thị Nhung, đại diện nhà phân phối độc quyền gạo Cỏ May miền Bắc ở Hải Dương cho biết hiện Việt Nam mới chỉ có một số loại gạo được công nhận là gạo sạch. Để làm ra gạo sạch thì nhà sản xuất phải tuân thủ nghiêm ngặt từ khâu gieo cấy lúa đến thu hoạch, chế biến và tồn trữ. Chẳng hạn như giống lúa phải là giống sạch bệnh, sử dụng phân bón cho lúa, thuốc bảo vệ thực vật cũng phải trong danh mục, chủ yếu là thuốc có nguồn gốc hữu cơ an toàn cho người dùng. Lúa sau khi thu hoạch được chuyển thẳng đến nhà máy để sấy ở nhiệt độ theo quy định, sau đó được tách vỏ và làm sạch rồi bảo quản bằng quy trình hút chân không nhằm tăng thời hạn sử dụng. Bao bì sản phẩm ghi thông tin rõ ràng, hàm lượng dinh dưỡng của từng loại gạo. Hiện có khoảng 16 loại gạo Cỏ May, một số loại đã được xuất khẩu sang thị trường Singapore.
Ông Phạm Văn Chuân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản tỉnh cho biết: "Hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh gạo mới chỉ được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, còn để đủ điều kiện chứng nhận gạo sạch thì phải do ngành y tế kiểm nghiệm".
Theo tìm hiểu, để xác định có phải là gạo sạch hay không thì có một số tiêu chuẩn được đưa ra là: dựa vào chu trình canh tác, thu hoạch như VietGAP, GlobalGAP, Organic… Nhưng diện tích canh tác theo các quy trình này hiện không nhiều nên rất khó để bán đại trà. Nhiều cửa hàng tung ra những chiêu quảng cáo gạo sạch để đánh vào tâm lý của khách hàng. Đây chỉ là những loại gạo thông thường được người bán gắn thêm mác "gạo sạch". Do vậy, người tiêu dùng cần hết sức thận trọng khi chọn mua các sản phẩm được cho là gạo sạch để sử dụng.
TRẦN HIỀN