Lâu nay, không ít người tiêu dùng vẫn lạc vào "ma trận" tên sữa vì trên thị trường nhiều tên na ná nhau nhưng chất lượng không giống nhau.
Sự nhập nhèm trong tên gọi sữa khiến nhiều người tiêu dùng nhầm lẫn
Ma trận
Là người thường xuyên kiểm tra thị trường nhưng chị Nguyễn Thị Huyền, cán bộ của Chi cục Quản lý thị trường tỉnh ban đầu không phân biệt được sữa tươi tiệt trùng và sữa tiệt trùng. Chị Huyền cho biết: "Cùng là sữa nước nhưng mỗi loại lại ghi tên khác nhau. Chỉ đến khi tôi được một cán bộ y tế giải thích thì mới biết sữa tiệt trùng chính là sữa bột pha sẵn".
Với cách ghi nhãn nhập nhèm, na ná nhau như vậy, các hãng sữa đã làm cho không ít người mua nhầm lẫn. Đứng tần ngần trước kệ bán sữa ở siêu thị Big C Hải Dương, anh Phạm Văn Huân ở khu8, phường Tân Bình (TP Hải Dương) băn khoăn: "Chỉ vài thương hiệu sữa đã khiến tôi hoa mắt vì tên gọi. Tôi không biết nên chọn loại sữa nào phù hợp cho con. Cùng một loại sữa nước nhưng tôi thấy có loại ghi sữa tiệt trùng, loại ghi sữa tươi tiệt trùng. Một số loại nhập khẩu lại thấy ghi sữa thanh trùng hoặc thức uống bổ sung". Vì thông tin, tên gọi các loại sữa khác nhau nên không ít người như anh Huân đã mua thử vài loại sữa về sử dụng. Sau đó, thấy loại nào hợp với con hoặc con thích thì lần sau mới tiếp tục mua.
Theo đại diện Sở Y tế, tên gọi sữa đang được phân loại theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN 5-1: 2010/BYT) đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng do Bộ Y tế ban hành năm 2010. Quy chuẩn này nêu rõ có 7 loại sữa gồm: sữa tươi nguyên chất thanh trùng, sữa tươi thanh trùng, sữa tươi nguyên chất tiệt trùng, sữa tươi tiệt trùng, sữa tiệt trùng, sữa cô đặc và sữa cô đặc có bổ sung chất béo thực vật. Khái niệm sữa tiệt trùng vẫn bị nhiều người hiểu nhầm là sữa tươi. Trong khi đó, quốc tế không có định nghĩa sữa tiệt trùng mà chỉ có “sữa tươi” và “sữa hoàn nguyên”. Do xuất phát từ lo lắng dùng từ Hán Việt “hoàn nguyên” người tiêu dùng không hiểu và từ đó e ngại không mua sản phẩm nên từ năm 2010, Bộ Y tế đã dùng khái niệm sữa tiệt trùng thay cho sữa hoàn nguyên. Như vậy, sữa tiệt trùng chính là sữa hoàn nguyên (sữa bột, đặc pha sẵn) chứ không phải sữa tươi.
Sự nhập nhèm này làm nhiều người tiêu dùng hiểu nhầm dẫn đến thiệt thòi về quyền lợi. "Pháp luật đã quy định rõ người tiêu dùng được cung cấp thông tin chính xác về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa. Do đó, sự minh bạch thông tin sản phẩm là yêu cầu cần thiết để bảo vệ quyền lợi người dùng. Tên sữa cần được sửa đổi sao cho phù hợp và khoa học", ông Bùi Trọng Thuân, đại diện Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh nói.
Sửa cho phù hợp
Để khắc phục hạn chế trong ghi tên sữa, Bộ Y tế vừa ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sữa dạng lỏng (QCVN5-1:2017/BYT). Quy chuẩn này có hiệu lực từ tháng 3.2018.
Theo bà Nguyễn Thị Tâm, chủ cửa hàng chuyên kinh doanh các loại sữa trên phố Nguyễn Du (TP Hải Dương), nếu không sửa đổi ngay thì cả người bán cũng lơ mơ và khó có thể giải thích để người tiêu dùng hiểu. "Sở Y tế vừa tập huấn cho các hộ kinh doanh về quy chuẩn kỹ thuật mới về sữa. Quy chuẩn này giúp chúng tôi phân biệt rõ sữa tươi và sữa bột pha sẵn", bà Tâm cho biết.
Do sự nhập nhèm trong tên gọi nên nhiều gia đình đành tìm mua vài loại sữa phù hợp nhất với con
Theo quy chuẩn mới, các loại sữa sẽ được phân chia thành các nhóm rõ ràng. Cụ thể, nhóm sữa tươi gồm có sữa tươi nguyên chất, sữa tươi nguyên chất tách béo. Sữa hoàn nguyên là sữa được chế biến bằng cách bổ sung một lượng nước cần thiết vào sữa bột hoặc sữa cô đặc.
Cách gọi tên mới này sẽ giúp người tiêu dùng dễ dàng phân biệt và lựa chọn loại sữa mình mong muốn. Tuy nhiên, không ít người vẫn tỏ ra lo lắng về chất lượng sữa liệu có tương ứng với tên gọi, thành phần ghi trên bao bì. “Sữa hoàn nguyên theo tên gọi mới là sữa bột pha sẵn. Nhưng chất lượng, thành phần và chỉ tiêu của sữa bột như thế nào thì người tiêu dùng rất khó biết được. Mặc dù trên bao bì sẽ ghi đầy đủ thành phần nhưng liệu nhà sản xuất có làm đúng như số liệu ghi trên bao bì hay không? Nhiều khi tôi thấy các loại sữa bột pha sẵn rất hay bị đóng cặn nếu để lâu dù chưa hết hạn sử dụng”, chị Trần Thị Phượng ở phố Hàm Nghi (TP Hải Dương) băn khoăn.
Việc bỏ áp trần giá sữa được thực hiện từ tháng 4.2017 đã giúp người tiêu dùng được hưởng lợi từ sự cạnh tranh công bằng giữa các hãng sữa. Đại diện lực lượng quản lý thị trường tỉnh thừa nhận, sự điều chỉnh tên gọi sữa sẽ giúp cơ quan chức năng dễ kiểm soát các loại sữa, nhưng chất lượng ra sao thì vẫn rất khó kiểm tra, giám sát, chủ yếu vẫn phải trông đợi vào lương tâm của nhà sản xuất. Trên thị trường hiện nay, ngoài sữa được sản xuất trong nước còn có các loại sữa nhập khẩu hoặc xách tay, không chỉ bày bán tại cửa hàng mà còn trên các trang mạng xã hội. Sữa là một trong những mặt hàng được làm nhái rất tinh vi. Do đó, thị trường sữa phải được quản lý chặt chẽ.
PV
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, hiện nay, trung bình mỗi người Việt Nam tiêu thụ khoảng 15 lít sữa/năm, thấp hơn so với các nước trong khu vực. Việt Nam hiện có khoảng 54 công ty sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh sữa, chưa kể có hàng trăm tổng đại lý phân phối sữa. |