Xây dựng đặc khu kinh tế là một chủ trương đúng đắn thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước...
Đặc khu kinh tế không phải là một mô hình kinh tế xa lạ mà trên thế giới đã hình thành khá sớm, lúc đầu là các cảng biển tự do ở Ý vào năm 1547, Singapore năm 1819, Hồng Kông năm 1842, sau đó là vùng biển Caribe thuộc Mỹ năm 1942. Đến năm 2015, đã có 4.500 khu kinh tế tại 140 quốc gia. Các đặc khu này mang lại hiệu quả kinh tế lớn, đặc biệt là sản xuất công nghệ cao, khoa học kỹ thuật tiên tiến.
Trong đó, Trung Quốc là nước xây dựng nhiều đặc khu kinh tế, nhất là từ sau khi cải cách mở cửa nền kinh tế (năm 1978) đến nay như Chu Hải, Sáu Đầu, Hạ Môn, Thượng Hải, Hải Nam, Thâm Quyến... Đặc khu Thâm Quyến nổi trội hơn cả về tốc độ phát triển và mang lại nhiều hiệu quả kinh tế cho đất nước. Năm 2017, GDP Thâm Quyến đạt 340 tỷ USD, cao hơn nhiều so với GDP của Việt Nam. Tuy nhiên, Thâm Quyến cũng bộc lộ nhiều khuyết tật, hệ lụy như nạn đầu cơ, mất đất, bóc lột lao động, 1/3 doanh nghiệp thường nợ lương công nhân, có tới 10.000 cuộc đình công trong mấy năm trở lại đây.
Nhận rõ những lợi thế nổi trội và nhiều khuyết tật của đặc khu kinh tế Thâm Quyến, các đặc khu kinh tế trong khu vực, trên thế giới, Đảng, Nhà nước chủ trương xây dựng 3 đặc khu kinh tế: Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc. Hy vọng 3 đặc khu nằm ở 3 miền sẽ là những đầu tàu kinh tế, thúc đẩy nền kinh tế cả nước phát triển. Đặc khu kinh tế sẽ thu hút các nhà đầu tư trong, ngoài nước, nhất là đầu tư nước ngoài có tiềm lực kinh tế lớn, công nghệ cao, làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của các địa phương, hòa nhập tốc độ phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Xây dựng đặc khu kinh tế là một chủ trương đúng đắn thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển toàn diện, đầy đủ nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Để thu hút các nhà đầu tư, một số chế độ chính sách có tính nổi trội, ưu đãi như thuế, hải quan, cảng biển, thuê đất, thủ tục hành chính, mở rộng quyền tự chủ kinh doanh của các doanh nghiệp, quản lý hành chính đặc khu... Để chủ trương, chính sách về đặc khu có hiệu lực, hiệu quả, ngăn chặn những kẽ hở trong quản lý nhà nước, an ninh quốc gia, Kỳ họp thứ5 Quốc hội khóa XIV đã thảo luận Dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc. Nhiều ý kiến tham gia thẳng thắn, trách nhiệm, sôi nổi của các đại biểu Quốc hội và cử tri, nhân dân cả nước, về cơ bản đều nhất trí việc xây dựng 3 đặc khu kinh tế. Song về thời gian cho thuê đất dự kiến 99 năm, nhiều đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước không đồng tình. Tiếp thu ý kiến này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã đồng ý việc cho thuê đất thực hiện theo Luật Đất đai năm 2013, lùi thời gian thông qua dự thảo luật này vào kỳ họp sau. Mặc dù Quốc hội đã có quyết định như vậy, người dân ở một số tỉnh, thành phố bị một số phần tử xấu kích động đã xuống đường, tụ tập đông người, đập phá trụ sở, chống người thi hành công vụ. Một số kẻ xấu có hành vi vi phạm pháp luật đã bị tạm giữ để điều tra làm rõ. Tình hình đã trở lại ổn định.
Sau Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, các đại biểu sẽ về địa phương tiếp xúc cử tri báo cáo những nội dung kết quả của kỳ họp, trong đó có Dự thảo Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc. Những buổi tiếp xúc cử tri đợt này sẽ là cơ hội để cử tri và nhân dân cả nước nhận thức đúng đắn hơn về Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, làm cơ sở cho việc xây dựng, ban hành luật kịp thời, phục vụ sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh quốc phòng, giữ vững độc lập, chủ quyền của Tổ quốc.
VŨ HOÀNG