Thấy chị gái mù có gia đình hạnh phúc, cô em gái đã lập mưu quyến rũ anh rể và cuối cùng công khai sống với nhau như vợ chồng.
Tối tăm một cuộc đời
Mắt Yến cứ mờ dần và mù hẳn sau một thời gian
Lúc đầu, tôi chỉ đơn thuần là khách hàng của chị Nguyễn Thị Yến (SN 1981, quê ở Đại Thắng, Tiên Lãng, Hải Phòng) ở cơ sở xoa bóp, bấm huyệt của Hội người mù Hải Phòng (số nhà 22, Kiến Thiết, đường Sở Dầu). Rồi như chị bảo, dường như giữa chúng tôi có mối lương duyên nào đó, khiến cho chị cảm thấy gần gũi và quyết định một lần mở lòng nói về những bất hạnh, tréo ngoe trong cuộc đời tăm tối của mình.
Yến là con cả trong một gia đình thuần nông nghèo có ba người con. Lúc mới sinh, Yến vẫn khỏe mạnh, mắt sáng như bao đứa trẻ khác. Cho đến khi Yến bước sang tuổi 14, một lần bị đau mắt đỏ chữa mãi chẳng khỏi hẳn. Mắt Yến cứ mờ dần, chảy nước và mù hẳn sau đó một thời gian. “Có thể là do gen di truyền nên em mới bị bệnh về mắt. Trong nhà em, bà nội và bố em cũng bị bệnh về mắt, riêng bố cũng mù hẳn như em. Nhưng may là trong ba chị em gái, chỉ có mình em bị bệnh, còn hai cô em em đều bình thường” – Yến trầm giọng nói về hoàn cảnh của mình.
Bố mẹ Yến bỏ nhau khi hai đứa em dưới Yến còn nhỏ dại lắm. Mẹ Yến dẫn theo người em gái út bỏ sang Trung Quốc lấy chồng, để lại Yến và một cô em gái tên Ánh ở lại với bố. Không lâu sau đó, bố Yến cũng lấy vợ và chị em Yến phải sống cảnh mẹ ghẻ con chồng. Rồi đột nhiên một ngày cuối năm 1996, khi ấy Yến tròn 15 tuổi, mẹ Yến từ Trung Quốc trở về. Lần trở về ấy, bà nói muốn đón hai chị em Yến và Ánh sang xứ người để tìm cách chữa mắt cho Yến. Chị em Yến đồng ý đi theo mẹ.
Thế nhưng, có lẽ vì cảnh nghèo nên ngay khi đặt chân sang Trung Quốc, mẹ Yến đã khuyên nhủ, động viên con gái đi lấy chồng để tìm chốn nương thân và có cơ hội chữa mắt. Khi ấy, Yến vừa bước sang tuổi 16. Trong tình cảnh ấy, Yến buộc lòng phải nghe theo sự sắp đặt của mẹ, làm vợ một gã đàn ông Trung Quốc khi đang còn ở tuổi vị thành niên.
Tình cảnh tréo ngoe
Chị Yến chọn cách sống lặng lẽ sau những tréo ngoe đời mình
Chồng Yến hơn vợ 3 tuổi, là một tay chơi nổi tiếng ở vùng quê nghèo ấy. Yến sinh liên tiếp hai đứa con trai. Giờ cậu cả đã học lớp 8, còn đứa út mới học lớp 3.
Rồi đột nhiên người em gái của Yến bỏ chồng, xin đi làm công nhân trong một xưởng sản xuất vỏ điện thoại ở cách nhà Yến vài chục cây số. Và một lần đến thăm gia đình chị gái, chẳng hiểu Ánh đã dùng lời nói ngon ngọt thế nào mà gã chồng Yến vốn ham chơi, lười lao động lại đồng ý xin đi làm công nhân cùng với Ánh.
Ban đầu là anh em trong nhà gần gũi, giúp đỡ nhau trong lúc làm việc ở nơi xa, rồi dần dần Ánh và anh rể trở nên thành một cặp tình nhân tự lúc nào chẳng ai hay. Họ sống cùng nhau ở chỗ làm việc chưa đủ, còn công khai đưa nhau về ra mắt gia đình Yến. Bố mẹ chồng của Yến thấy cảnh chướng mắt cũng một mực phản đối, tuyên bố chỉ coi Yến là con dâu nhưng Ánh vẫn phớt lờ mọi lời nhắc nhở, vẫn ngang nhiên sống cùng anh rể ngay tại ngôi nhà chung ấy.
“Lúc ấy, em cũng đau đớn lắm nhưng biết phải làm sao. Người đó là em ruột em mà, em làm ầm lên cũng chỉ đem lại sự xấu hổ cho chính gia đình mình, thêm cơ hội cho những người hàng xóm Trung Quốc dị nghị, bôi xấu người Việt ở đó thôi. ” – Yến đã suy nghĩ như thế và cắn răng chịu đựng một cái Tết đầy tréo ngoe.
Cuộc sống mới nơi Đất Mẹ
Không chịu được sự trớ trêu, Yến đành lòng bỏ lại hai con trai nhờ ông bà nội chăm sóc để về Việt Nam tìm đường kiếm sống. Yến bảo, cô nhớ và thương con lắm, nhưng ngặt nỗi ở quê nhà cô chẳng có nhà cửa, chẳng có điều kiện chăm sóc chúng chu đáo nên đành phải nén lòng xa con.
Trở lại quê nhà Yến xin gia nhập Hội người mù Hải Phòng và được giúp đỡ học nghề bấm huyệt, xoa bóp để vào làm ngay tại cơ sở của Hội. Đồng lương hằng tháng, Yến chỉ dám tằn tiện chi cho sinh hoạt của mình phần nhỏ, một phần Yến gửi biếu bố và phần lớn gửi sang Trung Quốc để lo tiền học cho con.
“Ông bà nội cháu lo nuôi ăn, còn em phải lo tiền học hành của các cháu chị ạ. Bố và dì của chúng chẳng lo được gì cho chúng, họ còn đang chuẩn bị đón chào đứa con sắp sinh của mình mà…” – Yến cay đắng chia sẻ. Và lâu nay, mỗi năm vào dịp lễ tết, Yến lại nhờ người quen dẫn đường để sang thăm các con. Chị bảo, mong ước lớn nhất đời là được sống cùng các con dưới một mái nhà, vì thế, chị đang cố gắng làm lụng, tiết kiệm để chờ cơ hội thực hiện được mong ước ấy.
Người phụ nữ mù tôi gặp chọn cho mình lối sống lặng lẽ sau những nỗi đau chị trải qua. Chị bảo, chẳng còn giận em gái nữa, cũng chỉ mong em sống tốt và thương yêu các cháu là chị mãn nguyện rồi. Bao dung, vị tha nên Yến luôn tìm cách gần gũi em gái nhưng bất thành. Người em của chị luôn trốn tránh, cạn tình chối bỏ máu mủ ruột rà để đổi lấy tình riêng. Chưa biết đến khi nào, cô em gái lạc lối ấy nhận ra sai lầm, để trở về với tình yêu bao la của người chị gái mù?
Bảo Nhi (VnM)