Họ là 4 nữ nghệ sĩ được người đương thời say đắm và nhiều thế hệ ngưỡng mộ bởi tài năng nghệ thuật và vẻ đẹp chim sa cá lặn, được mệnh danh tứ đại mỹ nhân Sài Gòn.
Thẩm Thúy Hằng là một trong 4 người còn được gọi là tứ đại mỹ nhân Sài Gòn. Bà là ngôi sao sáng giá nhất của điện ảnh thương mại miền Nam trước năm 1975. Tên tuổi của bà còn vươn ra khỏi lãnh thổ Việt Nam và tới với các nước trong khu vực châu Á.
Minh tinh Thẩm Thúy Hằng đẹp một cách rực rỡ. Bà có gương mặt trái xoan, mũi dọc dừa, mắt bồ câu, môi trái tim và cằm chẻ. Thẩm Thúy Hằng được coi là biểu tượng của nhan sắc. Thời đó, rất nhiều cô gái coi vẻ đẹp của nữ minh tinh là chuẩn mực. Họ trang điểm giống Thẩm Thúy Hằng, để kiểu tóc uốn dài, gợn sóng giống Thẩm Thúy Hằng, thậm chí dùng mỹ phẩm, đeo trang sức hay tới ăn ở những nơi Thẩm Thúy Hằng hay lui tới. Ngôi sao sinh năm 1940 không chỉ là minh tinh điện ảnh mà còn là chuẩn mực của cái đẹp đối với rất nhiều người.
Thẩm Thúy Hằng sinh năm 1940 tại Hải Phòng, sau đó di cư vào Nam. Nữ diễn viên có tên thật là Nguyễn Kim Phụng. Năm 16 tuổi, bà giấu gia đình tham gia cuộc thi tuyển diễn viên của hãng phim Mỹ Vân và vượt qua hơn 2.000 thí sinh để giành giải nhất. Ông bà chủ hãng phim đặt cho bà nghệ danh Thẩm Thúy Hằng. Ngay trong tác phẩm đầu tay mang tên "Người đẹp Bình Dương", Thẩm Thúy Hằng đã vươn lên trở thành ngôi sao. Bà lập kỷ lục là người đóng nhiều phim nhất trong thập niên 1960 và nửa đầu thập niên 1970.
Là người đàn bà đẹp và nổi tiếng bậc nhất Sài Gòn thời đó nhưng minh tinh Thẩm Thúy Hằng không vướng phải bất cứ điều tiếng gì. Bà luôn tránh xa những chốn thị phi. Bà kết hôn lần đầu theo sự sắp xếp của gia đình và có một bé gái. Cuộc hôn nhân này chỉ kéo dài ít năm.
Năm 1968, Thẩm Thúy Hằng gặp GS.TS Nguyễn Xuân Oánh, chuyên gia kinh tế. Ông Oánh hơn bà 20 tuổi và từng là Phó Thủ tướng trong chính quyền Sài Gòn cũ. Cuộc sống gia đình hạnh phúc khiến sự nghiệp của Thẩm Thúy Hằng càng thăng hoa. Sau năm 1975, bà tham gia một số bộ phim của điện ảnh cách mạng và hoạt động tích cực trên lĩnh vực sân khấu. Chồng bà trở thành cố vấn kinh tế cho Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh rồi Thủ tướng Võ Văn Kiệt, được bầu vào Trung ương UB MTTQ Việt Nam và là đại biểu Quốc hội. Ông bà có 4 người con, tất cả đều thành đạt. Năm 1981, Thẩm Thúy Hằng rút lui khỏi các hoạt động nghệ thuật, nhiều năm sau công chúng mới có dịp nhìn thấy bà. Lúc này, nhan sắc của bà đã khác xưa nhưng với nhiều người, Thẩm Thúy Hằng vẫn là mỹ nhân số 1 của Sài Gòn xưa.
Diễn viên Kiều Chinh sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, sau đó vào Sài Gòn sinh sống. Bà đến với điện ảnh một cách rất tình cờ. Khi đã sinh con đầu lòng, bà được đạo diễn Lê Dân mời tham gia phim "Hồi chuông Thiên Mụ". Phim gặt hái thành công vang dội. Tên tuổi của Kiều Chinh cũng vì thế mà nổi danh khắp Sài Gòn. Kể từ đó, bà không chỉ tham gia các dự án điện ảnh trong nước mà còn được các nhà làm phim Hollywood tin tưởng. Thậm chí, khi cần vai diễn công chúa Ấn Độ, họ mời Kiều Chinh đóng. Bà được đánh giá cao về tài năng diễn xuất và vẻ ngoài nổi bật.
Sau năm 1975, Kiều Chinh lưu lạc sang Canada. Tại đây, bà phải lao động chân tay tại một trại gà để có tiền sinh sống. Bà tìm cách liên lạc với các minh tinh Hollywood từng có dịp làm việc chung. Một trong số đó bảo lãnh bà sang Mỹ. Ở tuổi 38, bà tìm kiếm cơ hội ở kinh đô điện ảnh thế giới và thành công ngoài sức mong đợi. Cho tới thời điểm này, nữ diễn viên đã tham gia khoàng 100 tập phim truyền hình của Mỹ.
Năm 2003, Kiều Chinh được trao giải thưởng Thành tựu Suốt đời (Lifetime Achievement Award) tại Đại hội Điện ảnh Việt Nam Quốc tế. Cũng trong năm đó tại Liên hoan phim Phụ nữ (Womens Film Festival) ở Torino, Italy, người đẹp được trao giải Diễn xuất Đặc biệt (Special Acting Award).
Cho đến hiện tại, Kiều Chinh là diễn viên Việt Nam đầu tiên và cũng là duy nhất đạt được những thành tích đáng nể này tại Hollywood.
Hiện tại, Kiều Chinh vẫn sống ở Mỹ. Tuy nhiên, bà vẫn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện tại Việt Nam. Năm 77 tuổi, bà tái ngộ khán giả trong nước qua vai diễn trong bộ phim "Ngọc Viễn Đông" của đạo diễn Cường Ngô.
Một đại mỹ nhân khác của Sài Gòn là diễn viên Thanh Nga, được mệnh danh là "nữ hoàng sân khấu" và là tượng đài trong lĩnh vực cải lương. 12 tuổi, Thanh Nga bước lên sâu khấu với vai phụ trong vở "Phạm Công - Cúc Hoa". 16 tuổi bà đã trở thành cô đào nổi tiếng. Tên tuổi của bà gắn liền với những vở cải lương được xếp vào dạng kinh điển như: "Tiếng trống Mê Linh", "Nửa đời hương phấn", "Phụng Nghi Đình", "Thái hậu Dương Vân Nga"... Đến tận ngày nay, cách hát và phong cách biểu diễn của Thanh Nga vẫn được coi là chuẩn mực để các thế hệ sau học tập. Bên cạnh cải lương, bà còn tham gia các bộ phim điện ảnh.
Sau cuộc hôn nhân đầu đổ vỡ, Thanh Nga kết hôn với ông Phạm Duy Lân và có một con trai - Phạm Duy Hà Linh. Kỳ nữ Kim Cương từng tiết lộ về mối tình si mà ông Duy Lân dành cho vợ: "Hầu như anh Lân tháp tùng bên cạnh vợ 24/24. Thậm chí, mỗi lần Thanh Nga tắm, anh ấy cứ đứng trước cửa nhà tắm chầu chực sẵn. Là bạn bè thân, chúng tôi thường trêu: 'Ông cứ đi đi, Thanh Nga nó ở trong nhà tắm thì ai mà bắt cóc được'. Anh Lân chỉ lặng lẽ nói: 'Đứng đây để tiện có gì Nga kêu còn nghe, chứ đi xa lỡ có việc gì Nga kêu không nghe'. Tôi chưa thấy người nào thương vợ như anh Lân”.
Khi đang ở đỉnh cao danh vọng, Thanh Nga gặp bi kịch khủng khiếp vào ngày 26.11.1978. Tối đó, vợ chồng bà cùng con trai Hà Linh và vệ sĩ riêng vừa đỗ xe trước cổng nhà thì có hai kẻ lạ mặt xuất hiện. Chúng dùng súng ngắn khống chế vệ sĩ và vợ chồng bà với ý định bắt cậu con trai - Hà Linh. Thanh Nga phản ứng dữ dội. Bà kiên quyết giấu con trai sau lưng rồi nằm đè lên để giữ tính mạng cho con. Không thực hiện được mục đích, hai kẻ đó bắn chết vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga rồi lên xe bỏ trốn.
Nghệ sĩ Thanh Nga ra đi ở tuổi 36. Tuy nhiên, nhan sắc và tài năng của bà đến nay vẫn được nhiều khán giả biết đến và ngưỡng mộ.
Vẻ đẹp say đắm lòng người của nghệ sĩ Thanh Nga.
Kim Cương được nhiều người dành tặng cho danh hiệu kỳ nữ. Bà thể hiện tài năng vượt trội trong cả lĩnh vực sân khấu và điện ảnh, diễn xuất và viết kịch.
Kim Cương sinh năm 1937 trong một gia đình có dòng dõi quý tộc Huế. Mẹ bà là nghệ sĩ hát bội nổi tiếng Bảy Nam. Bà xuất hiện trên sân khấu lần đầu tiên khi mới được 10 ngày tuổi. Lúc đó bà vào vai con Thị Màu trong vở "Quan Âm Thị Kính".
Bên cạnh diễn xuất, kỳ nữ Kim Cương từng soạn nhiều kịch bản kịch nói với bút danh Hoàng Dũng và giữ kỷ lục là người viết kịch bản kịch nói nhiều nhất Việt Nam hiện nay. Bà được đánh giá là người mở đường cho kịch nói Sài Gòn sau năm 1975. Bà từng đi tu nghiệp Bulgaria, ngành đạo diễn.
Tài sắc của kỳ nữ Kim Cương khiến rất nhiều người si mê, trong số đó có thi sĩ Bùi Giang. Ông đem lòng yêu nghệ sĩ Kim Cương từ khi còn là một chàng trai 19 tuổi cho tới khi qua đời. Thậm chí, khi không còn minh mẫn, thi sĩ Bùi Giáng cũng chỉ nhớ số điện thoại của bà.
Kim Cương không được may mắn trong chuyện tình cảm. Bà trải qua nhiều lần đổ vỡ. Bù lại, bà có người con trai tài giỏi và rất hiếu thảo với mẹ. Hiện tại, kỳ nữ có cuộc sống hạnh phúc, bình yên bên con cháu. Bà cũng là một trong những nghệ sĩ rất tích cực tham gia các hoạt động từ thiện.
Theo VTC