Các tấm gương gia đình tiêu biểu được biểu dương, giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng để cộng đồng noi gương, nhân rộng...
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Thị Bích Liên tặng Bằng khen của UBND tỉnh cho các gia đình
tiêu biểu toàn tỉnh năm 2011. Ảnh: Thành Chung
Gia đình cụ Đinh Thị Giáp, 78 tuổi, vợ liệt sĩ, ở thôn Vạc, xã Thái Học (Bình Giang) là gia đình 4 thế hệ tiêu biểu, chung sống hòa thuận, kính trên, nhường dưới. Chồng hy sinh ngoài mặt trận, một nách 5 con nhỏ, đứa lớn mới 12 tuổi, đứa bé vừa sinh chưa biết mặt cha, thời khắc đó biết bao cực nhọc đổ xuống đôi vai người phụ nữ 35 tuổi. Nuốt nỗi đau, cụ Giáp một mình gắng gượng làm ruộng, chạy chợ nuôi các con. Thế nhưng trong gia đình lam lũ ấy không bao giờ thiếu vắng sự thương yêu, đùm bọc. Hai người con trai của cụ Giáp lớn lên lại tiếp tục tham gia quân đội. Giờ các con của cụ đều trưởng thành, có gia đình riêng, có cháu đỗ đạt đại học. Anh em sống tình cảm, gắn kết, đùm bọc, hiếu thảo với mẹ già, được làng xóm ngợi khen. Hiện tại, cụ Giáp ở cùng con trai cả là ông Vũ Hồng Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã Thái Học. Vợ chồng ông Tâm sinh được 3 người con và cũng đã lên ông, lên bà. Trong nếp nhà ngói ở thôn Vạc, 4 thế hệ cùng chung sống đầm ấm, hòa thuận. Năm 2011, gia đình ông Tâm được bầu chọn là gia đình nhiều thế hệ tiêu biểu của tỉnh.
Chăm lo cho con cái học hành thành đạt là tấm gương của gia đình vợ chồng ông giáo già Hà Văn Linh ở thôn Cáp, xã Hồng Dụ (Ninh Giang). Năm 1969, tốt nghiệp trường sư phạm, ông Linh được phân công lên dạy học ở tỉnh Cao Bằng. 7 năm gắn bó với miền núi, sau khi lập gia đình ông được chuyển công tác về Trường THPT Ninh Giang. Sát cánh bên ông là người vợ tần tảo, chịu thương, chịu khó, cô giáo Nguyễn Thị Nụ. Ông Linh kể: “Vợ chồng tôi sinh được 3 người con trai. Thời bao cấp, đồng lương ít ỏi, nghèo túng lắm. Để bảo đảm cuộc sống, ngoài dạy học, vợ chồng tôi còn nhận cấy thêm 7-8 sào ruộng và làm thêm nghề hàng xáo. Buổi tối sau khi soạn bài, hai vợ chồng lại xay giã gạo để mai đi chợ”. Mặc dù hoàn cảnh gia đình khó khăn song vợ chồng ông luôn động viên và tạo điều kiện tốt nhất cho con cái học hành. Không phụ công cha mẹ, các con ông đều ngoan ngoãn, học giỏi. Tốt nghiệp cấp 3, anh con trai lớn Hà Văn Thanh (sinh năm 1976) chọn thi vào trường quân sự với suy nghĩ thật giản dị: bớt đi gánh nặng kinh tế cho bố mẹ. Giờ anh đã là một sĩ quan công tác tại tỉnh Đồng Nai. Vợ anh cũng là một cô giáo. Noi gương anh cả, hai cậu em Hà Duy Thời (sinh năm 1977) và Hà Văn Trình (sinh năm 1980) đều lần lượt tốt nghiệp các Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội và Mỏ Địa chất, người về huyện công tác, người thành đạt ở Hà Nội. Giờ nghỉ hưu, vợ chồng thầy giáo Linh sống cùng vợ chồng anh Thời, hằng ngày đỡ đần trông nom các cháu. Gia đình ông Linh nhiều năm được bầu chọn là gia đình văn hóa, gia đình khuyến học, khuyến tài tiêu biểu của huyện Ninh Giang.
Cảnh sum vầy của gia đình cụ Đinh Thị Giáp ở thôn Vạc, xã Thái Học (Bình Giang)Trên đây chỉ là hai trong số nhiều gia đình tiêu biểu của tỉnh ta. Xác định gia đình đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của xã hội, trong những năm qua, công tác xây dựng gia đình ở tỉnh ta được quan tâm. Ngay khi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) ban hành, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động cuộc thi tìm hiểu; mở nhiều đợt tập huấn về công tác gia đình, kỹ năng điều hành câu lạc bộ (CLB) Gia đình phát triển bền vững cho hàng trăm trưởng thôn, khu dân cư, chủ tịch, phó chủ tịch UBND, cán bộ văn hoá xã, phường, thị trấn, cán bộ làm công tác gia đình. Triển khai, nhân rộng mô hình điểm về PCBLGĐ, mô hình “Tuyên truyền giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình” trên địa bàn tỉnh. Triển khai thí điểm đường dây nóng về PCBLGĐ. Đồng chí Nguyễn Thị Phương, Phó Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Toàn tỉnh hiện có 15 mô hình điểm về PCBLGĐ và 75 CLB Gia đình phát triển bền vững. Sau 9 tháng, đường dây nóng đã tiếp nhận và xử lý trên 500 vụ việc, góp phần ngăn ngừa, giảm thiểu BLGĐ. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa được đẩy mạnh. Việc kiểm tra, xét duyệt, công nhận được thực hiện nghiêm túc, công khai. Những gia đình đạt danh hiệu được tuyên dương, trao giấy chứng nhận. Chất lượng gia đình văn hóa không ngừng được nâng lên. Năm 2006, tỷ lệ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa của tỉnh chỉ là 73%, thì đến năm 2011 đã là 85%. Hằng năm, vào dịp kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28-6, Ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân tộc” 17-11, các địa phương đều tổ chức bình chọn, gặp gỡ, tôn vinh các gia đình tiêu biểu, trao tặng danh hiệu ông bà, cha mẹ mẫu mực, con trung hiếu, cháu thảo hiền... Các tấm gương gia đình tiêu biểu còn được biểu dương, giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng để cộng đồng noi gương. Những việc làm thiết thực trên không chỉ tôn vinh vẻ đẹp gia đình mà còn tạo không khí thi đua sâu rộng, để có thêm nhiều bông hoa đẹp trong sự nghiệp xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
NGỌC HÙNG